Ảnh minh họa

Chính phủ Mỹ đã đóng cửa được 34 ngày, dài nhất trong lịch sử nước này, khiến hơn 800.000 nhân viên liên bang không được trả lương và ảnh hưởng đến mọi thứ, từ việc thăm quan các công viên quốc gia đến an sinh sân bay hay phát hành dữ liệu kinh tế.

Khoảng 95% nhân viên Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) đang nghỉ việc, bao gồm cả những người làm trong phòng thí nghiệm tại Ann Arbor, Michigan, nơi chịu trách nhiệm xác minh dữ liệu khí thải của các mẫu xe mới nhằm đảm bảo chúng tuân thủ quy định về khí thải.

Người phát ngôn Jeannine Ginivan của hãng GM cho biết chưa bị trì hoãn ra mắt xe mới song “cũng như các nhà sản xuất khác, chúng tôi đang chờ đợi quyết định trong quy trình chứng nhận một số mẫu xe 2019 và 2020”. Tại triển lãm xe hơi Detroit tuần trước, CEO hãng Fiat Chrysler Mike Manley phát biểu chính phủ Mỹ đóng cửa đã làm trì hoãn giấy chứng nhận cuối cùng đối với mẫu xe bán tải hạng nặng RAM 3500 mới, một trong các phân khúc lợi nhuận cao nhất của hãng.

Quan chức Ford Motors cũng cho rằng mẫu xe mới chưa thể ra mắt nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa thêm 30 ngày nữa. Theo tổ chức các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu Global Automakers, trì hoãn cấp phép sẽ tác động đến sản xuất xe tại Mỹ. Người dùng không được sử dụng công nghệ mới nhất, còn doanh số sẽ giảm như một hệ quả.

Stanley Meiburg, cựu quyền Phó Giám đốc EPA, cho biết các nhà sản xuất có xu hướng xin giấy chứng nhận trước khi ra mắt xe, đồng nghĩa việc trì hoãn cấp phép không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến lịch trình ra mắt. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trầm trọng hơn nếu thời gian đóng cửa kéo dài. Bất kỳ gián đoạn nào trong quy trình cũng sẽ làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết từ chối ký bất kỳ dự luật ngân sách nào nếu quốc hội Mỹ không duyệt khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới phía Nam với Mexico. Đảng Dân chủ tranh luận bức tường rất tốn kém và có nhiều biện pháp tốt hơn để củng cố an ninh quốc gia và ngăn chặn nhập cư trái phép.