Theo phản ánh của một số hộ dân xã Yến Sơn, thời gian gần đây đơn vị thi công thực hiện dự án Khu dân cư phía Đông thị trấn Hà Trung tiến hành thu hồi đất ruộng. Một số hộ chưa thống nhất giá đền bù nhưng chủ đầu tư vẫn cho máy múc tiến hành thi công trên ruộng lúa để thực hiện dự án.

Đơn vị thi công tạm dừng mọi công việc do người dân ngăn cản vì cho rằng giá đền bù còn thấp

Bà Tào Thị Huê (60 tuổi, trú thôn Phú Nham) cho biết, trước đó các hộ dân có đất ruộng nằm trong vùng dự án được mời lên xã để họp bàn. Tại đây, các hộ được phát một tờ thông báo về việc thu hồi đất.

Bà Huệ và một số hộ dân cho rằng mức hỗ trợ đền bù đất 20 triệu đồng/sào là quá thấp nên không đồng ý nhận tiền.

Ngày 30/3 vừa qua, UBND huyện Hà Trung và xã Yến Sơn đã đưa máy móc đến khu vực thực hiện dự án để tiến hành san lấp. Máy móc đã múc vào các ruộng lúa của người dân khiến họ bức xúc, và dựng lều lán ngoài cánh đồng ngăn cản thi công.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn cho biết, việc người dân cản trở thi công là không đúng với quy định của pháp luật.

Theo ông Nhân, khu vực đang thi công thuộc dự án khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung đã được UBND tỉnh phê duyệt.

“Lúa của các hộ dân bị máy xúc lên như phản ánh là do thực hiện việc cưỡng chế theo quy định. Trước khi triển khai dự án, chính quyền địa phương đã thông báo cho các hộ thuộc diện phải thu hồi không được gieo cấy. Tuy nhiên họ vẫn cố tình làm”, ông Nhân nói.

Thực hiện đền bù đúng quy định

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, khu vực người dân đang phản ánh thuộc dự án đường giao thông, trường học và phát triển hạ tầng đô thị Yến Sơn, nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (thời kỳ 2021-2030).   

Phần diện tích ruộng bị cưỡng chế.

Việc thu hồi đất của các hộ dân ở xã Yến Sơn được triển khai đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật.

“Dự án có diện tích khoảng 50ha, có 460 hộ bị ảnh hưởng. Hiện đã có hơn 350 hộ đồng thuận và nhận tiền đền bù, còn lại 105 hộ chưa đồng ý với lý do giá đền bù thấp. Về vấn đề này, chúng tôi khẳng định đã áp dụng đúng đơn giá của UBND tỉnh. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đối thoại với các hộ dân nhưng họ vẫn không nghe”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, huyện đã áp dụng đúng theo đơn giá của tỉnh, áp giá thu hồi đất với mức 20 triệu đồng/sào (500m2), tiền chuyển đổi nghề nghiệp là 30 triệu đồng, tiền một vụ sản xuất 2,5 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền đền bù 1 sào lúa cho người dân là 52,5 triệu đồng.

“Ngoài việc đền bù, hỗ trợ theo quy định của nhà nước, huyện Hà Trung còn xây dựng chính sách riêng hỗ trợ sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. Những hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (có người trong độ tuổi lao động) nếu có nhu cầu việc làm (trên địa bàn huyện) thì trực tiếp đăng ký với UBND xã. Lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ được tư vẫn, hỗ trợ trong công tác vay vốn”, ông Dũng chia sẻ.

Minh Khôi