Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, ông Tô Văn Khiêm tất bật với những chuyến xe hàng chở chè đến tận tay khách hàng.

Năm 2021 trôi qua với thời tiết mưa thuận gió hòa, nương chè rộng hơn 1,5ha của ông Khiêm cho ra những sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Mỗi năm từ cây chè, gia đình ông Khiêm thu về từ 300 - 500 triệu đồng. 

{keywords}
Một góc vùng "tứ đại danh trà" tỉnh Thái Nguyên

Ông Khiêm là một trong hàng trăm hộ dân ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vươn lên làm giàu từ cây chè. Ước tính, với hơn 4.000ha diện tích chè tại 4 xã của huyện Phú Lương cho sản lượng hơn 42 nghìn tấn mỗi năm, số tiền thu về từ vựa chè vùng tứ đại danh trà của tỉnh Thái Nguyên ước tính 1.200 tỷ đồng. 

Cây làm giàu 

Nhận thấy điều kiện đất đai thuộc 4 xã của huyện Phú Lương gồm Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc giàu tiềm năng và đủ yếu tố tạo thành vùng sản xuất chè tập trung, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện dồn nhiều công sức vận động bà con tạo nên vùng chè rộng lớn. Trong vòng 4 năm, diện tích chè của 4 xã nêu trên được tăng cao chiếm 70% diện tích chè của toàn huyện. 

{keywords}
Một góc vườn chè tại thôn Khe Cốc

Đặc biệt, tại xã Tức Tranh - nơi có vùng chè Khe Cốc được mệnh danh là tứ đại danh trà Thái Nguyên quy tụ nhiều nông dân lão luyện, giàu kinh nghiệm. 

Trò chuyện với VietNamNet, ông Tô Văn Khiêm cho biết, ông đặt chân đến huyện Phú Lương từ những năm 1975. Khi đó, huyện Phú Lương vẫn là vùng rừng núi hiểm trở, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. Tuy nhiên, từ thời điểm trên, bà con bản địa đã biết sống dựa vào việc làm chè. 

Dù lớn lên từ vùng chè nức tiếng cả nước nhưng phải đến năm 2013, trong một chuyến du lịch tại Nhật Bản ông Khiêm mới thay đổi nhận thức và quyết tâm đổi đời từ chính cây chè. 

"Ở Nhật Bản, tôi thấy có những sản phẩm chè bày bán với giá cả nghìn USD mỗi kg. Trong khi đó, cũng loại chè trên, ở Việt Nam có giá bán rất thấp", ông Khiêm nói về lý do khiến ông rẽ hướng từ một ông chủ nhà hàng sang làm nông dân trồng chè. 

{keywords}
Ông Tô Văn Khiêm bên đồi chè của gia đình
{keywords}
Người dân Phú Lương phân loại chè từ khi thu hái

Nhận vị trí Trưởng thôn Khe Cốc đến nay là năm thứ 8, ông Khiêm càng ý thức rõ việc cán bộ phải luôn là người đi tiên phong để vận động bà con chuyển đổi, tạo nên các vùng chè hữu cơ. 

Từ năm 2016, ban đầu chỉ một vài hộ dân thôn Khe Cốc chuyển đổi từ vùng chè tiêu chuẩn VietGAP, ông Khiêm cùng với khoảng 100 hộ dân tạo thành một vùng chè hữu cơ trong vỏn vẹn 2 năm. Số diện tích chè hữu cơ tại Khe Cốc đến nay lên đến trên 40ha. 

"Năm đầu dùng các loại phân bón hữu cơ đã làm cho sản lượng cây chè giảm đi đáng kể, khoảng 40%. Việc này khiến tôi và người dân trong làng khá lo lắng. Tuy nhiên, bài toán kinh tế đặt ra khi sản lượng tuy giảm nhưng giá trị sản phẩm lại tăng gấp nhiều lần. Chúng tôi còn lãi một vùng chè sạch nguyên bản khi không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật", ông Khiêm kể. 

Từ việc gánh trên vai nhiều món nợ, trong vòng một thập kỉ lăn lộn với cây chè, ông Khiêm đã trả hết và xây dựng cơ nghiệp mà nhiều người mơ ước. Nhìn ngắm thành quả trong hiện tại, ông Khiêm biết ơn giống cây đã nuôi sống bao nếp nhà ở Phú Lương. 

Hiện nay, với mô hình hợp tác xã liên kết các hộ dân, ông Khiêm giữ vai trò quản lý HTX chè an toàn Khe cốc với 15 thành viên tham gia. Mỗi 1ha, cây chè mang đến thu nhập trung bình từ 250 - 300 triệu đồng cho các hộ dân.

Bón mật ong, trứng gà cho ra sản phẩm chè nghìn USD 

Không chỉ tạo ra các sản phẩm chè thông thường, nhiều người dân tại thôn Khe Cốc, xã Tức Tranh áp dụng việc bón trứng gà, mật ong cho các cây chè. Phương pháp này lúc đầu khiến nhiều người hồ nghi nhưng khi chứng kiến thành quả ai nấy đều trầm trồ về độ ngon, ngọt và hương vị của sản phẩm chè này. 

{keywords}
Vùng chè hữu cơ tại huyện Phú Lương

Theo ông Khiêm, công thức làm trên khá đơn giản khi ông hòa một lít mật ong hòa với 10 quả trứng gà rồi pha loãng bằng nước rồi tưới xuống các gốc chè. Với công thức trên, ông Khiêm tưới cho diện tích cây chè rộng khoảng 360m2. Mỗi khi đến độ thu hoạch, số chè này được phân loại riêng để tạo nên các sản phẩm đặc biệt có chất chè ngon hơn, thơm và trong hơn. Giá bán mỗi hộp chè từ 23-25 triệu đồng/kg. 

Các gia đình mỗi tháng có thể thu về từ 3-5kg chè thượng hạng từ cách làm trên. Đây là khoản thu nhập khá lớn để giúp các hộ dân trang trải thêm các chi phí chăm sóc, thu hoạch chè.

Cùng với việc bón mật ong trứng gà, nhiều nông dân ở huyện Phú Lượng được Hiệp hội chè Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc chế biến để giữ lại vị ngọt của chè. Theo đó, với quy trình chế biến chậm, kéo dài thời gian sẽ giúp quá trình chuyển đổi enzim trong búp chè được giữ lại các khoáng chất, đường. Dù mất thêm thời gian tuy nhiên khi thành phẩm sản phẩm chè có hương vị đặc trưng. 

Để có được thành quả như hiện tại, theo ông Khiêm, sự đồng hành của tỉnh Thái Nguyên, của huyện Phú Lương đã chắp cánh cho những ước mơ đổi đời tại xã Tức Tranh. Việc tạo nên vùng chè tập trung tại huyện Phú Lương được thực hiện theo đề án của UBND tỉnh. 

{keywords}
Hệ thống phun tự động được chính quyền hỗ trợ
{keywords}
Vùng quê thanh bình, người dân làm giàu từ nương chè

"Chính quyền đồng hành cùng chúng tôi về cây giống, phân bón và các khâu tiêu thụ. Mọi công đoạn làm chè đều có sự hỗ trợ của các cán bộ nông nghiệp địa phương", ông Khiêm vui vẻ cho hay.  

Theo thống kê của UBND huyện Phú Lương, trong vòng 4 năm (từ 2016-2020), diện tích trồng mới và trồng lại chè của huyện đạt gần 800ha. Việc sản xuất chè đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chè an toàn, tại các xã vùng chè trọng điểm của huyện đến nay lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng trên chè đã giảm 70-80% so với năm 2015.

Số hộ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất tăng 20-30%, số hộ ứng dụng công nghệ cao (van xoay) tưới cho chè chiếm 60-70% số hộ sản xuất chè... đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, tăng diện tích sản xuất chè đông, chất lượng, giá trị sản phẩm chè từng bước được nâng lên.

Đáng chú ý, người dân Phú Lương sáng tạo nên các sản phẩm đa dạng về chủng loại như: chè xanh, bột chè, kẹo chè, chè túi lọc đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè, tăng thu nhập cho người dân. 

{keywords}
Quy trình chế biến chậm giúp sản phẩm chè ngon hơn
{keywords}
Mỗi hộp chè thượng hạng có giá 23-25 triệu đồng

Ông Lê Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Phú Lương cho biết, từ thời điểm đầu phát triển cây chè với mục đích xóa đói, giảm nghèo, đến nay người nông dân đã làm giàu từ chính cây chè. 

Theo ông Quý, cây chè được xác định là mũi nhọn bởi trong lịch sử chưa từng bao giờ có khái niệm "giải cứu chè". Cây chè ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, giúp tạo giá trị gia tăng lên đến 30% mỗi năm. Do đó, ở Phú Lương, người dân hết lòng với cây chè. 

Đoàn Bổng

Mười năm gieo “vàng xanh”, nông dân Lai Châu làm nên những quả đồi triệu USD

Mười năm gieo “vàng xanh”, nông dân Lai Châu làm nên những quả đồi triệu USD

Từ những ngọn đồi heo hút, bản làng liêu xiêu giữa vùng biên viễn, một cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng tại Lai Châu được phát động, sau một thập kỷ nay đã thu về những trái ngọt.