LTS: Sau vụ tai nạn chó Pitbull cắn chết người ở Long An, dư luận xã hội lại tiếp tục tranh luận về việc có nên nuôi chó dữ? Trách nhiệm của chủ chó đến đâu?
Dưới đây là góc nhìn của họa sĩ thiết kế Nguyễn Quang Huy (Huy Art). Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tôi không thích chó, đặc biệt là dòng chó dữ. Nhưng, tôi cũng không ghét chó một cách quá cực đoan. Từ lâu, tôi đã không ăn thịt chó, và dĩ nhiên, không coi chó dữ là bạn.
Tôi nghĩ, coi chó dữ là bạn, sẽ khiến câu cách ngôn: "Chỉ cần nói bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào" nó thành ra sái sẩm.
Với chó dữ nhập khẩu này, ngay tại chính quốc, chính quyền có quy định rất chặt: muốn nuôi chúng phải có giấy phép. Cả chó và chủ chó đều phải chịu các chế tài bởi các quy định quản lý nghiêm ngặt. Ví dụ: gây hậu quả thiệt hại nhân mạng, chủ chó có thể ngồi tù. Trên thế giới, đã có 35 nước cấm nuôi chó Pitbull. Một số nước hạn chế nuôi chúng vì nguy cơ chúng có thể tấn công người, đồng thời, họ cũng siết chặt việc lai tạo nhân giống chúng.
Tại Việt Nam, đã xảy ra bao vụ chó dữ tấn công người. Nguyên nhân từ thú vui "chơi chó", nổi lên như một phong trào đầy tính hoang dã này. Nạn nhân là trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, thậm chí là các thanh niên vạm vỡ.
Có thể thấy, những con chó dữ, chưa được thuần tính này khi đã nổi điên, cũng chả khách sáo gì mà không cắn xé cả chủ, bất kể ông chủ tập gym tay to như phích hay mấy ông chủ yếu ớt vì vướng nghiện ngập.
Chó Pitpull |
Hình ảnh không hiếm mà chúng ta từng gặp trên đường, tại nơi công cộng, đó là ông chủ xăm trổ đầy người, đeo xích, vòng vàng chóe trên cổ, có khi thêm cái nanh hổ composit hoặc nanh lợn rừng đúc bằng nhựa tái sinh và chó thì thả rông. Diện mạo này khiến người dân cảm thấy e ngại, thậm chí, tránh xa như tránh dịch.
Các thanh niên chủ chó cũng lập hội, nhóm để khuếch trương thanh thế, hội họp thường xuyên để “trau dồi” kinh nghiệm chơi chó.
Tôi được biết, có những hội nhóm mà ở đó, chính các ông chủ lại đua nhau luyện cho “chó cưng” của mình các kỹ năng mang tính bản năng hung dữ. Các thanh niên còn nâng tầm thú vui của mình thành các level, khi tổ chức các event định kỳ dành riêng cho chó dữ. Thậm chí, họ mua gia súc, lợn rừng làm mồi để “chó cưng” rèn luyện kỹ năng cắn xe, tấn công. Không khác gì các game bạo lực.
Cũng vì chuyện nuôi chó mà dẫn tới bao cảnh làm mất lòng làng xóm. Chó nhà này nhưng phân chó của nhà kia. Chó nhà kia nhưng nước đái chó lại vô chủ. Chủ chó úp mặt vào tường đái bậy, chó thì ghếch chân vào bánh xe ô tô hàng xóm checkin. Những hình ảnh này không hiếm và nó cứ âm ỉ tồn tại như một thứ tệ nạn.
Tác hại và nguy cơ từ việc nuôi chó dữ lâu lâu lại bùng lên trong dư luận. Từ các vụ chó cắn nhau, các chủ chó vác dao ra xiên chó, rồi đâm chém lẫn nhau đến thập tử nhất sinh. Hậu quả rất đau lòng và đáng lên án.
Việt Nam không có quy định cấm nuôi dòng chó dữ. Chúng ta chỉ có quy định khi nuôi thì đăng ký với phường xã, phải tiêm vắc-xin bệnh dại cho chó. Khi dắt ra đường thì chủ phải đeo rọ mõm cho chó. Nếu chó cắn người thì chủ nuôi phải bồi thường… Vi phạm các quy định này, chủ chó cũng chỉ bị phạt từ 600.000- 800.000 đồng (Nghị định 90/2017/NĐ-CP- PV).
Nhưng khi có chuyện, câu khẩu quyết: "Chó em hiền lắm, không cắn ai bao giờ" vẫn được các chủ chó lấp liếm, biện hộ.
Có 3 thứ không thể dạy được: dạy làm quan; dạy làm giàu; và dạy chó không cắn người. Chó nghiệp vụ, chỉ ngơi tay không dạy dỗ còn thành "chó mất dạy" nữa là mấy con chó cỏ, hàng thải loại lỗi gien từ nước ngoài thẩm lậu về.
Dân "chơi chó" hay dùng từ "chó lỗi" để chỉ những con chó phản nghịch cắn cả chủ, nhưng có lẽ dùng từ "người chơi chó lỗi" có nhẽ hợp thực tế hơn.
Nguyễn Quang Huy (Hoạ sĩ thiết kế)
Nên cấm nuôi chó dữ?
Nuôi chó dữ nhưng không có khả năng kiểm soát chó, không xích cổ, đeo rọ mõm… khi đưa chó đi dạo, sẽ gây họa không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng.