Những nét xưa của phiên chợ Gia Lạc - phiên chợ tết của người Huế vừa được phục dựng lần đầu tiên kề từ năm 1945 tại Presidential Club, thượng tầng 22, tháp Sailing, 111A Pasteur, Q.1, TP.HCM.

Đắm mình trong văn hóa Huế xưa


Đến phiên chợ, khách được thưởng thức những món ăn rất Huế, vừa ngon và vừa lạ từ những món ăn dân dã đến những món ăn chỉ có trong cung phủ nấu theo lối cổ truyền như bánh ướt thịt bê xáo, bánh kê dùng với gà nướng lá chanh, bánh nậm gói lá dung, xôi đường nổi tiếng của làng cổ Phước Yên, mứt cam sành...

Những món ăn tinh tế, hấp dẫn...
Bên cạnh những món ăn hấp dẫn, tinh tế khách đến đây còn được trở về với ký ức tuổi thơ qua những món đồ chơi như con tu huýt làm từ đất nung của làng cổ Phước Tích, con vo vo, con lung tung ngũ sắc. Đó còn là những đôi guốc gỗ trẻ con nhỏ xíu, cái dao cau, khúc xơ mướp để tắm, cái lược chải chí mà ngày nay gần như không còn.

Đặc biệt, đây là dịp hiếm có để những người hoài cổ đắm mình trong những vật phẩm văn hóa Huế đang dần “ tuyệt chủng” như hoa giấy Thanh Tiên, bông đũa ngũ sắc, trướng liễn làng Chuồn, tranh giấy làng Sình...

Những đồ chơi mang kí ức tuổi thơ
Những trò chơi dân gian cũng được tái hiện khá sinh động tại phiên chợ phục dựng lần này. Hội “casino truyền thống” với các trò chơi hào hứng của dân gian như: Bầu cua tôm cá; có dịp nghe lại những tiếng hò bài tới, tiếng rao bài chòi… rất vui tươi dí dỏm; và có dịp biết thêm về trò chơi ngày xuân trong cung đình là “Hội xăm hường” chúc phúc cho con cháu được đổ đạt từ tú tài, cử nhân, tiến sĩ và khi đạt được tam khôi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Những trò chơi trên không có tính đỏ đen cao thấp, sát phạt nhau mà có tính ngẫu nhiên để thử vận hên đầu năm nên mọi người đều có thể tham gia. Phiên chợ còn có sự góp mặt của các khách mời tiến sỹ Trần Văn Khê, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nghệ sỹ đàn tranh Hải Phượng…

Tái dựng phiên chợ nhân văn đầy sắc xuân

Phiên chợ nhân văn mang sắc xuân này do hoàng tộc người Huế lập ra từ 200 năm trước, phiên chợ Tết Gia Lạc được hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (Định Viễn quận vương), con vua Gia Long, khởi xướng, chỉ diễn ra trong những ngày Tết cổ truyền.

Phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại khu đất trước phủ của Định Viễn quận vương, trên đường qua thôn Vỹ Dạ đến ngã ba làng Nam Phổ. Thời kỳ đầu, chợ chỉ dành cho những ông hoàng, bà chúa thân thuộc trong phủ, sau dần mở rộng cho dân chúng tham gia chung vui.

Đây là lần thứ 3 bà Hoàng Anh tái hiện phiên chợ Gia Lạc song lại là lần đầu tiên được tổ chức tại quê nhà Việt Nam.
Song từ năm 1945 đến nay, đây là lần đầu tiên phiên chợ được phục dựng tại Việt Nam, do nghệ nhân người Huế Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện dưới sự bảo trợ của Công ty Bất động sản Bình Thiên An - Dự án Đảo Kim Cương.

Trước đó, phiên chợ này từng được bà Hoàng Anh tái hiện vào năm 2002 tại khuôn viên trường đại học dân lập Munchuen, Đức, và một lần tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa tại thành phố Nantes, Pháp để tái hiện màu sắc của chợ Gia Lạc trong buổi Dạ tiệc cuối năm được tổ chức tại Le LieuUnique.

Đây là lần thứ 3 bà Hoàng Anh tái hiện phiên chợ Gia Lạc song lại là lần đầu tiên được tổ chức tại quê nhà Việt Nam. Có thể nói, việc phục dựng lại phiên chợ Gia Lạc là điều đáng trân trọng trong nỗ lực bảo tồn văn hóa di sản của dân tộc Việt, đồng thời góp phần mang đến một không khí vui tươi trong những ngày chớm xuân này.

Kiều Anh