- Các địa phương đều phàn nàn tình trạng chồng chéo trong quản lý, giữa Ban quản lý khu kinh tế (do Chính phủ thành lập, với thẩm quyền, chức năng riêng) với chính quyền và các sở ngành tham mưu, ngay cả khi đã có quy chế phối hợp. Việc thanh tra, vì thế, vừa chồng chéo, vừa không phát hiện được sai phạm hoặc DN vi phạm cũng lần lữa khi khắc phục sự cố.
"Ngoại lệ" xấu
Đã hoàn thành hai năm, nhưng trạm xử lý nước thải của 2 KCN Phú Tài và Long Mỹ (Bình Định) vẫn chưa thể chạy suôn sẻ. Một số doanh nghiệp đã thay đổi công nghệ nên lượng nước được gom về không nhiều như dự kiến. Chưa kể, một doanh nghiệp tiêu tốn nhiều nước nhất KCN nhưng vin cớ đóng góp ngân sách lớn và cũng đã xây một hệ thống xử lý nước thải hiện đại không kém nên từ chối thu gom về trạm xử lý chung.
Ở nhiều nơi khác, các trạm xử lý nước thải hoặc chạy chưa hết công suất, hoặc vẫn nằm chờ.
Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Phú Tài (Bình Định)
Nguyên nhân do hệ thống này được xây dựng trong bối cảnh không có quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng các KCN, dẫn đến việc đấu nối thu gom xử lý gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, các doanh nghiệp gỗ hoạt động theo “công nghệ luộc”, tiêu thụ một khối lượng nước rất lớn. Nhưng rồi họ chuyển sang “công nghệ sấy” không tốn kém nước.
Trong khi đó, công ty Bia Sài Gòn - Bình Định nằm trong KCN, DN "ngốn" nước nhiều nhất lại cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khẳng định qua xử lý đạt tiêu chuẩn, thế nên không cần thu gom về trạm xử lý chung. Họ còn vin cớ khác là do có công đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.
"Nếu hệ thống xử lý nước tập trung đi vào hoạt động chỉ để phục vụ một lưu lượng nước đấu nối rất nhỏ từ các doanh nghiệp sẽ không thể bù đắp đủ chi phí xử lý", ông Linh chia sẻ. Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) quan ngại chuyện công ty Bia Sài Gòn sẽ thành tiền lệ xấu cho những "ngoại lệ" khác trong KCN. Rất khó kiểm soát.
Khác với Bình Định, trạm xử lý nước thải của KCN Hòa Hiệp (Phú Yên) chạy tương đối đều. Bùn lắng từ các bể chứa được công nhân xử lý trộn với phụ gia để ươm cây. Nhà máy bia và các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tuy có hệ thống xử lý nước thải riêng song vẫn kết nối vào trạm xử lý chung. Tuy vậy, Phó ban quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên vẫn phàn nàn là chưa dùng hết công suất. Trạm được thiết kế với công suất 2000m3/ngày đêm nhưng nước thải phát sinh trung bình mỗi ngày mới chỉ có 450m3.
Cùng với chiến lược phát triển các khu kinh tế trọng điểm làm đòn bẩy đưa kinh tế địa phương, khu vực đi lên, các tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung để đón đầu dự án cho dù nhiều khu kinh tế còn "đất không vườn trống". Chẳng hạn, trạm xử lý nước thải trong khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) đang thi công và sắp tới là khu liên hợp xử lý chất thải rắn.Trong khi đó, mới chỉ có 3 DN hoạt động và tỉnh vẫn đang mời gọi đầu tư.
Khu kinh tế Vân Phong có diện tích lớn nhất cả nước
Ai là đầu mối?
Thống kê của Cục kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, hầu như chưa có kế hoạch quản lý chất thải cho toàn khu kinh tế cũng như không ai nắm được số liệu các nguồn thải và biện pháp xử lý của từng khu chức năng trong khu kinh tế.
Chia sẻ với đoàn giám sát, có vị lãnh đạo ban quản lý khu kinh tế thừa nhận không nắm được số liệu bao nhiêu cơ sở có hệ thống xử lý nước thải, bao nhiêu DN đang xả thẳng ra các đầm, vịnh gây ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên, ông Chế Bá Hùng, tỉnh vẫn đang lúng túng với xử lý chất thải nguy hại. Mỗi khi cần, DN đều phải thuê cơ quan chuyên môn trên TP.HCM. Nhưng lượng chất thải nguy hại phân tán, nhỏ lẻ nên mỗi lần thu gom rất tốn kém. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thì phàn nàn, đến nay, tỉnh vẫn chưa thực hiện được việc đánh giá môi trường riêng biệt cho loại hình đặc thù là khu kinh tế.
Còn ở khu kinh tế Nhơn Hội, mặc dù chưa có nhiều dự án đầu tư vào đây, nhưng khu vực xung quanh đầm Thị Nại, dân vẫn tự phát nuôi trồng chế biến thủy sản, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm. Chưa có văn bản hướng dẫn về việc xử lý các doanh nghiệp chưa lập hồ sơ về môi trường.
Đoàn giám sát nghe lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội báo cáo
Khu kinh tế Vân Phong
(Khánh Hòa)
có diện tích hơn 1.500 km2, lớn nhất nước nhưng chưa xây dựng được một
quy hoạch
chiến lược về môi trường mang tính tổng thể. Đáng quan ngại là câu
chuyện hạt
nix của Huyndai - Vinashin vẫn là điểm nóng kéo dài nhiều năm nay ẩn
chứa những
nguy cơ phá hủy môi trường khu vịnh thiên nhiên hiếm có này.
Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa cho biết: "Theo luật định, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong được ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với dự án được tỉnh phê duyệt, chủ trì kiểm tra trong giai đoạn xây dựng dự án. Nhưng đến nay, Ban quản lý vẫn chưa thực hiện được việc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường bởi huyện chưa ủy quyền bàn giao".
Đến nay, cả nước có 15 khu kinh tế ven biển, trong đó 10 khu đã hoàn thành xong quy hoạch chung. Ngoài ra còn có các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế quốc phòng.
Nhiều tỉnh lân cận đều có khu kinh tế, vậy làm thế nào để vừa trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư vừa bảo vệ được môi trường ven biển? Phân vai thế nào để ai sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng mỗi khi xảy ra sự cố xả trộm, đổ trộm chất thải hoặc lớn hơn là nguy cơ tràn dầu, nước biển dâng ở các khu kinh tế?
Bài 2: Không có chuyện 'núi sông bờ cõi đã chia'