"Nghĩ thương chồng em cũng chẳng giục hay tỏ thái độ gì. Suốt 6 tháng liền như thế, mẹ con em còn chật vật, khó khăn hơn xưa. Đến khi em phát hiện ra sự can thiệp của mẹ chồng", người vợ kể.
Hai vợ chồng một khi đã kết hôn thì phải cùng nhau gánh vác chuyện kinh tế. Có chuyện gì xảy đến họ cũng nên bàn bạc, tránh dẫn đến tình trạng xích mích vì những điều không hay ho.
Mới đây, một người vợ đăng tải lên mạng xã hội câu chuyện về chồng và gia đình chồng. Đọc xong ai cũng có những suy nghĩ khác nhau. Chuyện như sau:
"Chán quá các chị ạ, nhiều lúc nghĩ uất ức mà muốn bỏ hết tất cả mà đi thôi. Nhưng nghĩ thương con cái em lại cố chịu đựng. Bây giờ nhà chồng em cũng gọi là có lời xin lỗi, chồng em quyết định sửa đổi nhưng em vẫn ức lắm. Đúng là đời bạc bẽo quá mà.
Vợ chồng em yêu nhau 3 năm rồi mới cưới. Gia cảnh hai bên cũng bình thường. Hai vợ chồng làm việc trong một nhà máy ở quê. Được 2 năm thì nhà máy giải thể, vợ chồng em thất nghiệp.
Lúc ấy em là kế toán cũng khá nên nhanh chóng tìm được việc làm tại một nhà máy khác. Chồng em thất nghiệp hẳn. Khi ấy em đang nuôi con nhỏ. Hai vợ chồng ở riêng trong căn nhà tạm bợ. Khi ấy, em họ chồng ở Nhật bảo hay lo cho chồng em đi xuất khẩu lao động.
Nói thật với các chị em không muốn xa chồng. Nghĩ vợ chồng ở nhà rau cháo với nhau cũng được. Đi xa như thế lạ nước lạ cái, chẳng biết đường nào mà lần.
Tuy nhiên nhìn đi nhìn lại, thì hoàn cảnh hai vợ chồng tệ quá. Bọn em không có của cải tích trữ, con còn nhỏ. Ai chẳng muốn con cái được sống đủ đầy vật chất. Vậy nên hai vợ chồng bàn nhau cắm sổ đỏ đất, vay tiền ngân hàng lo cho chồng đi.
Chồng em còn phải học tiếng nữa cũng tốn một khoản không nhỏ. Chật vật chạy vạy như vậy, tốn mấy trăm triệu đồng, chồng em cũng đi sang Nhật được.
Dù vậy em vẫn dặn chồng làm việc vừa phải, không được làm gì trái pháp luật cả. Chồng cứ từ từ làm việc rồi gửi tiền về trả nợ dần, đừng vội vàng lao lực mà vất vả.
Chồng đi được 2 tháng gửi tiền về đều đặn. Em cũng tích cóp trả lãi ngân hàng hàng tháng rồi lo toan cho con. Thế nhưng đến tháng thứ 3 thì anh không gửi nhiều nữa. Thậm chí em còn phải đắp thêm lương mình vào mới đủ trả lãi, hai mẹ con tằn tiện chi tiêu vô cùng. Em có hỏi thì anh bảo công việc khó khăn, làm chỉ đủ tiêu chứ không có nhiều.
Nghĩ thương chồng em cũng chẳng giục hay tỏ thái độ gì. Suốt 6 tháng liền như thế, mẹ con em còn chật vật, khó khăn hơn xưa.
Thế rồi một hôm đi chợ em gặp bác hàng xóm gần nhà mẹ chồng. Bác ấy tốt tính lắm, gặp em đã khen ngay rằng chồng em đi làm như thế khá quá, hai vợ chồng cố gắng mà trả hết nợ rồi lo cho con bé. Lúc ấy em cũng buồn buồn mới bảo rằng anh ấy chẳng gửi về được bao nhiêu, không đủ trả lãi ngân hàng.
Bác ấy bảo luôn: 'Ơ sao bác thấy mẹ chồng mày bảo là thằng T. tháng nào cũng gửi về 40 triệu cơ mà'.
Em sửng sốt thật sự và cũng hơi lăn tăn nghi ngờ nên chạy về nhà gọi điện cho chồng luôn. Sau một hồi em 'căng', hỏi kĩ càng thì chồng em mới khai rằng ra sự thật. Mẹ chồng sợ anh đi xa, em ở nhà tiêu tiền linh tinh hoặc làm vốn riêng, nhỡ sau này em sinh lòng xấu thì anh coi như mất trắng.
Lúc ấy em ngớ người luôn. Hàng tháng anh chỉ gửi cho hai mẹ con tiền nong không đóng đủ lãi, số còn lại anh gửi mẹ chồng giữ hộ. Anh không nói với em một câu. Em xót chồng cũng chẳng dám đòi thêm đồng nào, hai mẹ con tằn tiện rau cháo như vậy.
Em uất lắm, lúc ấy qua nhà mẹ chồng luôn. Em nói rõ ràng mọi chuyện tại sao như vậy. Mẹ chồng em thẳng thừng bảo rằng thời đại bây giờ nhiều con dâu như thế. Khi không có tiền thì ai tính toán làm gì, giờ có tiền thì mẹ giữ cho là chắc ăn nhất.
Thật sự nghe những câu đó mà em thấy cả mẹ chồng lẫn chồng em ích kỷ kinh khủng. Hai vợ chồng cưới nhau kinh tế độc lập chứ có nhờ vả gì nhà chồng nữa đâu mà lại như thế. Em uất vô cùng. Khi ấy em gọi video cho anh, đứng ở nhà mẹ chồng, có cả bố và em gái chồng, em nói thẳng:
'Tiền lo cho anh đi là vợ chồng mình vay mượn ngân hàng, hàng tháng phải trả bao nhiêu tiền lãi anh biết không? Nếu anh không tin tưởng em, muốn đưa tiền mẹ giữ thì em trao trả hết cả. Anh nhờ mẹ trả nợ cho, tiền sinh hoạt mẹ con em tự lo được.
Tiện đây con cũng xin phép bố mẹ để con nộp đơn ly hôn đơn phương. Chứ sống cảnh không được tin tưởng và tôn trọng như thế này con không làm được.
Lúc em nói xong bố mẹ chồng có phần cuống quýt. Chồng em thì rối rít xin lỗi, bảo em bình tĩnh. Lúc ấy em chồng bước vào, nó cũng là đứa thẳng tính nên gắt lên luôn:
'Tiền nong của anh chị thì việc gì đến mẹ mà mẹ muốn can thiệp vào. Người ta cưới nhau rồi ở riêng mà mẹ vẫn như vậy. Giờ chồng con đi làm, không tin vợ mà gửi cho mẹ chồng thì nói thật con cũng ly hôn. Vụ này mẹ với anh sai rành rành rồi'.
Bố chồng em cũng góp lời vào. Khi đó em cáu đến mức nước mắt suýt ứa ra. Mẹ chồng có vẻ thấy sai nên xin lỗi bảo không có ý gì đâu. Giờ mọi thứ đi vào quỹ đạo rồi nhưng em vẫn thấy chán, hi sinh bao nhiêu cho chồng mà chồng vẫn đề phòng mình".
Đọc xong bài đăng nhiều người vẫn khen ngợi cô vợ là bình tĩnh để giải quyết và đạt được kết quả như mong muốn. Trong đời sống, có không ít hoàn cảnh như vậy. Người chồng không có lòng tin vào vợ để rồi gây nên tình huống dễ khiến hôn nhân tan vỡ.
Trong hôn nhân, bất cứ chuyện gì hai vợ chồng cũng phải bàn bạc với nhau. Nhất là vấn đề kinh tế, đừng để người thứ ba chen chân vào kẻo dẫn đến tình cảnh khó tháo gỡ.
Bán hàng kiếm 30 triệu đồng/tháng, cô gái bị hủy hôn vì 'công việc không ổn định'
Gia đình anh chê gia cảnh nhà em bình thường. Công việc bán hàng qua mạng của em dù thu nhập tốt cũng khiến họ không hài lòng.
Theo Phụ nữ Việt Nam