Chồng tôi vốn dĩ là người chồng tốt, yêu thương vợ con. Nhưng gần đây công việc của anh gặp trục trặc, anh bắt đầu có dấu hiệu chán nản, buông thả bản thân.
Một tuần đến chỗ làm 2-3 lần, những ngày còn lại anh la cà quán nước quanh khu phố, nói chuyện với toàn những người thất nghiệp, vô công rồi nghề.
Đây chính là mở đầu cho chuỗi ngày đen tối của gia đình chúng tôi. Anh lao vào cờ bạc đêm ngày. Khi tôi phát hiện ra thì đã quá muộn.
Ban đầu, anh thề thốt, hứa hẹn với tôi sẽ không đánh bạc nữa. Nhưng cờ bạc giống như cơn nghiện, lúc đầu chỉ là số tiền nhỏ rồi tăng dần. Càng cố gắng lấy lại số tiền đã mất, càng đánh nhiều hơn.
Tiền bạc, đồ đạc trong nhà theo nhau "không cánh mà bay". Đỉnh điểm là những cuộc gọi từ khắp nơi, bạn bè, người quen gọi đến báo chồng tôi vay mượn. Rồi những cuộc ghé thăm đòi nợ của xã hội đen.
Tôi xoay xở mọi cách để trả nợ cho anh. Có những lúc cảm thấy thà mất đi còn hơn sống trong tủi hổ ngày này qua ngày khác.
Tôi yêu chồng và vẫn nuôi hy vọng rằng, anh sẽ trở lại con người như trước kia nên tìm mọi cách tự biện hộ cho anh, tha thứ hết lần này tới lần khác.
Bạn thân của tôi còn mắng tôi ngu ngốc, sao không từ bỏ anh sớm ngày nào hay ngày ấy. Bởi công việc của tôi rất tốt, tôi còn có chút vị trí tại cơ quan công tác, còn mặt mũi thể diện phải giữ gìn.
Nhưng quả thật, tôi không nỡ lòng bỏ mặc anh như thế. Tôi cứ bị lấn cấn giữa tình yêu và tình thương. Dù gì giữa chúng tôi cũng còn tình nghĩa, còn những đứa con được chúng tôi sinh ra từ tình yêu chân thành. Tôi đã gồng mình lên định cứng cỏi đến cùng, cố chấp đến mức ngốc nghếch.
Chính mẹ chồng phải ngồi lại nói chuyện với tôi cả một buổi dài để thuyết phục tôi bỏ con trai của mẹ. Mẹ bảo mẹ rất xấu hổ vì đã gây ra cho tôi sự khốn khó như hiện giờ. Tôi là đứa con dâu tốt, nhưng chính vì tôi tốt quá mà mẹ không đành lòng để tôi phải khổ suốt đời.
Mẹ bảo mẹ đã gọi chồng tôi về nói chuyện, khuyên răn nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, không còn cách "chữa trị" nữa. Mẹ mong tôi tự mình giải thoát khỏi anh. Mẹ không thể bỏ được con trai do mẹ sinh ra, mẹ phải chịu trách nhiệm vì đã không nuôi anh thành người đàng hoàng, tử tế.
Nhưng vợ chồng không còn giá trị với nhau, đừng cố níu giữ, chỉ làm khổ các con. Chúng nó còn nhỏ dại, yếu ớt, cần môi trường trong lành để phát triển. Chúng không đáng có cuộc sống như bây giờ, ngày nào cũng phải chứng kiến bố nó bê tha, chui lủi trốn nợ, ngày ngày bị người ta kéo đến nhà chửi mắng, đe dọa.
Mẹ tin tôi là người mạnh mẽ, giỏi giang, có thể tự mình nuôi con cái lớn khôn mà không cần chèo chống thêm người chồng không ra gì bên cạnh.
"Mẹ sẽ luôn ở bên các con, hỗ trợ khi các con cần đến". Đây là câu nói kết thúc cuộc chuyện trò của mẹ chồng với tôi ngày hôm đó. Sau khi mẹ ra về, tôi ngồi lặng đi giữa ngôi nhà trống rỗng không còn chút đồ đạc, tài sản nào còn sót lại.
Tôi biết mẹ thương tôi, những điều mẹ phân tích đều dựa trên suy nghĩ vì con, vì cháu. Có lẽ tôi sẽ nghe lời mẹ, dành phần đời còn lại cho những người xứng đáng với sự hy sinh của mình.
Tôi sẽ làm những điều tốt nhất cho chúng tôi hiện tại. Còn chồng tôi, anh ấy sẽ phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Không thể che chở mãi cho một người mà chính bản thân họ còn không biết trân trọng cuộc sống của họ.
Theo Dân trí