- Anh chồng lí nhí khai “em cũng hơi yếu yếu”, nghe vậy cô vợ đứng cạnh liền cướp lời “yếu yếu là thế nào, yếu quá ấy!”.
Đây là một trong nhiều tình huống cười ra nước mắt tại phòng khám nam khoa của BS Nguyễn Thế Lương, Phó giám đốc BV Thận Hà Nội.
Từng tư vấn cho hàng nghìn cặp vợ chồng, nhưng câu chuyện của một cặp đôi trẻ, chồng 28, vợ 26 tuổi tại Hà Nội khiến BS Lương thực sự bị “sốc”.
Sau 9 tháng kết hôn, một ngày đẹp trời, BS Lương tròn mắt khi thấy cả một bầu đoàn thê tử gồm vợ, mẹ, chị gái đưa nam bệnh nhân đến khám.
Cô vợ xinh xắn không chút ngượng ngùng, đưa chồng vào buồng khám. Bác sĩ hỏi tình hình anh chồng như thế nào? Anh chồng lí nhí khai: “Em cũng hơi yếu yếu”.
Anh chồng đã yếu lại càng yếu bởi ám ảnh cô vợ quá sốt sắng, thúc giục. Ảnh minh họa |
Nghe vậy cô vợ cướp lời: “Yếu yếu là thế nào. Yếu quá ấy! Em đã làm đủ mọi cách rồi mà vẫn hỏng bét bác sĩ ạ!”. Khẩu khí hừng hực của cô vợ khiến BS Lương ngỡ ngàng.
Thấy có phần “âm thịnh dương suy”, anh tế nhị mời cô vợ ra ngoài để “tâm sự” riêng với anh chồng.
“Anh này kể trước khi kết hôn chưa từng quan hệ. Sau khi lấy vợ, đời sống vợ chồng gặp trục trặc nhưng tệ thay cô vợ oang oang thông báo cả họ hàng nội ngoại rằng chồng yếu sinh lý khiến anh hết sức xấu hổ”, BS Lương kể.
Cũng vì ám ảnh tâm lý nặng nề, bản thân anh chồng mỗi ngày phải đối diện với vợ cũng hết sức khó khăn, mệt mỏi.
Suốt 1 tháng sau đó, anh chồng điều trị theo phác đồ nhưng vẫn không hiệu quả. BS Lương lòng đầy thắc mắc, “triệu hồi” 2 vợ chồng đến trao đổi lại.
Anh chồng khai có những hôm đang chuẩn bị vào cuộc thì cô vợ sốt sắng hỏi: “Thế nào, đã sẵn sàng chưa?” khiến anh chồng... hết muốn tiếp tục.
Sau này BS Lương phải đổi chiến thuật, trao đổi với cô vợ nhiều hơn cả anh chồng. 3 tháng sau, đời sống vợ chồng cặp đôi nọ bắt đầu cải thiện, 7 tháng sau có bầu.
“Đúng lúc anh chồng quay lại khám thì cô vợ gọi điện cho tôi khoe ầm ĩ: ‘Dạo này chồng em tốt rồi, căng rồi bác sĩ ơi!’, BS Lương cười tươi nhớ lại.
Chỉ có 10% do tâm lý
BS Lương cho biết, rối loạn cương là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nam giới, chiếm khoảng 30-40% và tỉ lệ này tăng dần theo tuổi.
“Lâu nay đấng mày râu luôn đổ lỗi do hoàn cảnh, tâm lý. Tuy nhiên khoa học đã chứng minh, 90% các trường hợp rối loạn cương dương do thực thể với các tổn thương mạch máu ở cậu nhỏ, chỉ có 10% do tâm lý”, BS Lương nhấn mạnh.
BS Nguyễn Thế Lương |
Dù vậy, hầu hết các trường hợp đến khám đều cần tư vấn về tâm lý nếu không việc điều trị sẽ khó thành công do bệnh nhân có tâm lý một lần “ngã ngựa" thì lần sau cố gắng tốt hơn. Nhưng càng cố, càng hy vọng càng thất vọng, chán nản.
Tuy nhiên đàn ông Việt bị rào cản tâm lý khá nặng nề, trong khi kiến thức sức khoẻ sinh sản kém hơn phụ nữ.
BS Lương cho biết, thực tế hầu hết các trường hợp đi khám nam khoa hiện nay đều trong tình trạng cưỡng bức, tức không phải do các ông chồng chủ động mà từ chính nhu cầu, mong muốn của các bà vợ.
Có nhiều ông mua phiếu khám rồi nhưng đi đi lại lại, không dám vào, có ông chỉ đợi vợ khuất bóng là cũng chuồn luôn, không vào gặp bác sĩ. Có bà vợ cẩn thận hơn, đưa chồng đến khám rồi cắm chốt luôn ở cửa để canh.
“Nhiều trường hợp rối loạn cương đến 6-7 năm mới đi khám. Để đến được bệnh viện thì vợ phải thúc ép, phải đặt lịch, phải hộ tống. Khám rồi, vợ phải gọi điện hỏi kết quả như thế nào, điều trị ra sao....”, BS Lương chia sẻ.
Với các trường hợp rối loạn cương, BS Lương khuyến cáo cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám chuyên sâu vì đây là biểu hiện của nhiều bệnh lý vô cùng phức tạp.
Các quý ông không nên tự ý uống các thuốc cường dương, vừa không điều trị được tận gốc, vừa làm mất chức năng cương.
Thậm chí, trong những trường hợp bị bệnh tim mạch, các thuốc này còn bị chống chỉ định dùng vì có thể gây nguy cơ tử vong nếu bệnh nhân bị suy tim gắng sức khi quan hệ tình dục.
Do là câu chuyện “1 người khoẻ, 2 người vui” nên BS Lương khuyên các bà vợ cần phối hợp, động viên, thông cảm, hỗ trợ, tránh tạo sức ép cho chồng khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Xem thêm: Chuyện phòng the
Minh Anh