Ngọc ba mươi tuổi mà gầy nhom như cô bé mười lăm. Tôi hỏi sao bị chồng đánh, đánh lâu chưa, sao bây giờ mới thưa? Ngọc bảo đánh... cả năm nay rồi. Vì ảnh ghen. Lần gần đây nhất đánh xong còn cạo đôi chân mày của Ngọc. Ghét quá nên Ngọc đi thưa. Mà ảnh có yêu mình mới có ghen chị hén? Đôi chân mày của Ngọc mới thật là dị hợm. Lún phún mờ mờ chứ không đậm đà, cong cong như bao phụ nữ khác.

Tôi bảo, nếu Ngọc không nói thật, tôi sẽ không viết giúp được, mà ở đời, chỉ sợ nói dối chứ có sao mình nói vậy thì sợ gì? Ngọc bảo, ảnh ghen vì ảnh yêu Ngọc lắm. Mà đàn bà được chồng ghen là tốt phước lắm đó! Chị làm đơn kiểu nào đó thì làm, em chỉ muốn ảnh bớt ghen một chút, bớt đánh em một chút thôi, chứ ảnh mà bị công an bắt là em... bắt đền chị.

Hồi đó... Ngọc hai mươi sáu tuổi, chưa “quen” ai, đi làm công nhân mang tiền về cho mẹ nuôi hai em nhỏ bệnh tật. Một hôm, mẹ Ngọc nói con gái có thì, phải lấy chồng thôi. Người sắp cưới Ngọc là một người “Được lắm, to con, nhà khá giả, trai út. Mày được nhờ tấm thân mà ba mẹ cũng được thơm lây”. Vậy là không có lý do gì để từ chối. Chồng cũng làm công nhân như Ngọc, lương tháng hơn ba triệu, Ngọc ở cữ bên nhà cha mẹ ruột. Chồng đưa mỗi tháng cho mẹ vợ hai trăm ngàn. Ba tháng ròng, mẹ Ngọc cố gánh. Sau hết gánh nổi gọi chồng Ngọc tới “nói chuyện” thì anh ta lảng tránh và... không đưa đồng nào nữa. Con bốn tháng, Ngọc đi làm lại, con mười tháng Ngọc nhận... giấy triệu tập ly hôn của tòa. Không thương yêu sâu đậm, không tài sản chung chạ gì, Ngọc đồng ý ly hôn. Tòa buộc chồng cấp dưỡng cho đứa con ba trăm ngàn một tháng. Nhưng gần bốn năm nay, Ngọc không thấy đồng tiền ấy tròn méo thế nào.

{keywords}

Ngọc và con gái bên bàn thờ mẹ


Ly hôn hai năm, Ngọc trúng xổ số giải an ủi, rồi nghỉ làm công nhân, ở nhà mở đại lý vé số nho nhỏ, đủ cho hai mẹ con sống. Chồng sau là một trong những “bạn hàng” của Ngọc. Anh bán rất giỏi. Ngày thường bán gần hai trăm vé. Ngày lễ, tết hết bốn, năm trăm vé cũng không khó khăn gì. Tối khuya anh còn ngồi lại đếm vé, chia vé phụ Ngọc. Đàn ông mà thức khuya giỏi lắm, Ngọc và đứa con ba tuổi ngủ mấy giấc thức dậy, anh vẫn còn ngồi sột soạt chia chia, đếm đếm.

Lâu dần, tình cảm nảy sinh, anh cảnh vợ bỏ, Ngọc cảnh chồng chê. Vậy là cáp lại. Anh không đi bán nữa, mà ở nhà làm ông chủ. Người làm vợ, làm mẹ như Ngọc giờ không còn ngồi ở vị trí bà chủ đại lý nữa mà phải nấu cơm, giặt giũ, quét lau nhà cửa... Chiều chiều tay em nào “ới” việc vé ế, Ngọc phải chạy đi gom về. Là tại Ngọc “có duyên buôn bán” nên mới nhọc công thế. Số nào tay em trả lại, Ngọc mang về chưa tới nhà đã được khách mua hết. Mà không biết họ may mắn hay Ngọc là “sứ giả” của thần tài, mấy số đó phần nhiều là trúng, tuy chưa vào giải đặc biệt nhưng cũng nhiều khi giờ chót ấy đã mang lại cho khách bạc chục, bạc trăm triệu.

Ham lời, Ngọc gia nhập vào đội quân vé số từ hồi nào không biết. Sáng quét dọn nhà cửa, nấu ăn để sẵn cho chồng xong thì xách xấp vé ra đi. Trưa về dọn dọn dẹp dẹp. Nghỉ ngơi được đúng một tiếng đồng hồ, từ mười một giờ rưỡi tới mười hai giờ rưỡi nhưng chủ yếu là chồng Ngọc nghỉ. Còn Ngọc phải đánh vật với đống quần áo, nấu ăn cho buổi chiều. Một giờ, anh dậy lo việc trả vé ế, Ngọc dong xe đi “sớt ế” để mang thần tài đến cho mọi người.

Ngọc tất bật như con lật đật vậy mà chồng ghen sống ghen chết. Anh nói Ngọc ham lời rồi đi gia nhập vào đội quân “cọ cọ quẹt quẹt” chứ bán buôn gì mà giỏi vậy? Ngọc cãi rằng mình không phải là hạng đàn bà như thế. Chồng buộc Ngọc im miệng bằng những cú “lên gân” khi bằng chân, lúc bằng tay. Ngọc khóc. Chồng nói oan ức gì mà khóc? Bằng chứng là ngày nào Ngọc cũng bán hết cả trăm vé, không “cọ quẹt” sao bán giỏi vậy? Ngọc nói, thu nhập từ đại lý vé số phải vén khéo lắm mới đủ chi dùng.

Vậy Ngọc ở không làm gì, đang đắt hàng vậy thì cứ đi bán, chồng không tin cứ theo “rình” sẽ rõ trắng đen. Chồng quát lên, cỡ như tao mà làm ba cái trò rình rập bỉ ổi đó à? Ai biết ma ăn cỗ khi nào mà bắt? Ngọc tức, hỏi giờ chồng muốn sao? Chồng nói muốn Ngọc ở nhà làm tròn trách nhiệm người vợ. Ngọc bảo, vậy tiền đâu đủ chi dùng? Chồng nói, thì sang lại đại lý vé số, làm việc khác sống!

Ngọc chênh chao một lần đò nên thấy sóng xô là sợ cuộc đời lại trôi băng theo dòng nước thêm lần nữa. Muốn làm theo lời chồng để giữ ấm êm nhưng bất ngờ mẹ Ngọc mất vì tai nạn giao thông. Hai đứa em bệnh tật cần có tiền thang thuốc. Vậy là xấp vé số trên tay Ngọc mỗi ngày phải dày hơn một chút. Chồng càng nổi cơn ghen với tần suất lần sau cao hơn lần trước. Ngọc sợ những cái đá, cú đấm phải uống mấy chục ngàn tiền thuốc mới hết đau... nhưng vẫn bao biện cho chồng rằng vì yêu nên mới ghen như thế! Vậy nên cách tốt nhất - theo Ngọc - là làm cái đơn “thưa” với công an nhờ can thiệp để chồng bớt... ghen và bớt đánh mình.

(Theo PNO)