Ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Capital House chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về làm công trình xanh và những kế hoạch phát triển xanh mang tính đột phá sắp tới của Tập đoàn.
Ông Trịnh Tùng Bách |
Công trình xanh có thể giúp giảm chi phí
- Capital House đã sở hữu 4 dự án xanh tạo nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án xanh trong phân khúc giá thấp và trung bình. Ông có tự tin về câu chuyện rẻ vẫn có thể xanh của Tập đoàn Capital House không?
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn tại Capital House, chúng tôi luôn muốn nhấn mạnh với các chủ đầu tư khác là phân khúc nào cũng làm được xanh, kể cả nhà giá thấp, làm công trình xanh hoàn toàn không đội quá nhiều chi phí. Tôi lấy ví dụ dự án EcoHome Phúc Lợi là một điển hình thực tế.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hạng mục làm giảm chi phí của công trình xanh mà Capital House đã thực hiện?
Thực tế làm công trình xanh với các biện pháp thông minh thậm chí có hạng mục còn thấp hơn so với công trình truyền thống. Chi phí được giảm thường chia làm hai hạng mục. Một là chi phí giảm cho tổng mức đầu tư công trình. Hai là chi phí vận hành.
Với các công trình xanh của Capital House, chúng tôi đã sử dụng tấm sàn rỗng. Đây là biện pháp kết cấu mới giúp tiết kiệm bê tông, cốt thép so với sàn truyền thống. Các hộp rỗng trong sàn đều làm bằng nhựa tái chế, cách âm, cách nhiệt tốt. Sàn rỗng không đắt hơn giá thành sàn truyền thống lại tiết kiệm vật liệu hơn, thời gian thi công nhanh hơn.
Chúng tôi dùng tấm tường thay tường truyền thống. Tấm tường này giúp cách âm, cách nhiệt tốt, sạch hơn tường gạch. Tiến độ thi công nhanh hơn. Nhân công sử dụng lại ít hơn. Đặc biệt, xét về hiệu quả kinh tế, tấm tường chỉ dày 100mm, mỏng hơn gạch nên tăng diện tích thông thuỷ căn hộ. Như vậy, chủ đầu tư được lợi về diện tích thương mại. Rõ ràng, việc ứng dụng vật liệu xanh này giúp chủ đầu tư không bị đội chi phí đầu tư mà còn được chi phí.
Ngoài ra, với những giải pháp công trình xanh giúp giảm tới 30% chi phí điện nước.
- Ông đã có dịp tham quan, học hỏi rất nhiều các công trình xanh, có những bài học thực tế nào ông muốn áp dụng cho Capital House tại Việt Nam?
Gần đây, tôi có tham quan một khu đô thị kiểu mẫu Fujisawa của Nhật, cách thủ đô Tokyo 60km. Khu đô thị này dùng 70% là năng lượng mặt trời để vận hành. Cả dự án từ dưới đất lên trên mái đều dùng năng lượng mặt trời. Trong mỗi nhà đều có bình ắc quy dự trữ khiến con người có thể chịu được động đất, sóng thần… và sống sót trong vòng 3 ngày vẫn có đầy đủ năng lượng. Hạ tầng của nó rất thông minh vì làm con người cảm thấy luôn an toàn từ hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, chuyển động…
Sắp tới với Capital House, công trình xanh không còn là công trình đơn lẻ. Tập đoàn sẽ phát triển đô thị xanh. Đặc biệt, đó là những khu đô thị vừa xanh, vừa thông minh.
Xu thế của thế giới
- Theo ông thách thức lớn nhất của một tập đoàn bất động sản Việt Nam khi làm một khu đô thị xanh và thông minh là gì?
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất là văn hóa và hiểu biết của cư dân còn hạn chế. Thực tế, không phải cư dân nào cũng thích các tiện ích của smart city. Có những tiện ích rất hay nhưng không biết cách dùng thành dở.
Tại Việt Nam, dữ liệu nghiên cứu lại rất ít, thậm chí là không có công trình nghiên cứu khoa học thực sự nào về lĩnh vực này. Có thể, chủ đầu tư phải tự làm nghiên cứu xã hội học, tự làm thống kê, chứ không có một đơn vị nào hỗ trợ. Những việc này rất mất công và tốn chi phí của chủ đầu tư.
Thời gian tới, nhiều chương trình nâng cao nhận thức về công trình xanh được tổ chức sẽ dần làm thay đổi nhận thức của người dân về công trình xanh cũng như thông minh.
Capital House có nhiều thuận lợi khi làm đô thị xanh, thông minh và có thể nói đây là cơ hội chứ không phải thách thức vì chúng tôi có một chuỗi giá trị từ đầu tư, phát triển dự án, thi công tới quản lý tòa nhà... Điều này có được nhờ tích lũy trong quá trình phát triển các dự án đơn lẻ trước đây của Capital House. Chúng tôi tự tin vì đã có nhiều kinh nghiệm làm công trình xanh.
- Một công trình thông minh đương nhiên phải ứng dụng các công nghệ. Các chủ đầu tư chắc chắn phải tốn thêm một khoản chi phí phát sinh. Theo tính toán, một khu đô thị thông minh có làm đội chi phí đầu tư nhiều không thưa ông?
Chắc chắn đầu tư hạ tầng thông minh, chi phí phải đội lên nhưng đã là xu hướng chung thì chúng ta vẫn phải làm. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, chi phí đội lên chỉ khoảng 5%. Xanh và thông minh là con đường bắt buộc phải đi vì đây là xu thế tất yếu của cả thế giới.
- Để nói về sự hấp dẫn của một đô thị xanh và thông minh thì cần những tiêu chí đánh giá nào thưa ông?
Tiêu chí thì rất nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Con người sẽ cảm thấy như thế nào trong một khu đô thị như thế. Thực ra xanh với thông minh phải đi kèm với nhau. Xanh liên quan nhiều tới việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, chất lượng không khí, vật liệu thân thiện… để đảm bảo tiện nghi, sức khỏe cho con người. Nhưng làm thế nào để vận hành giúp con người cảm thấy hạnh phúc thì rất quan trọng.
- Cảm ơn ông!
Xuân Thạch