Từ năm 2008 đến nay, mỗi tháng một lần, “chú hề sido” Lê Văn Hải, 46 tuổi cùng các tình nguyện viên đến khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tổ chức sinh nhật cho các “em bé đầu trọc” có ngày sinh trong tháng.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đến cuối tháng 5, bữa tiệc mới được tổ chức lại.

Đã lâu không gặp nên chú hề vừa bước vào phòng, các em bé còn khỏe ùa ra ôm vai bá cổ, bắt tay, miệng reo lên: “Chú hề đến rồi”.

Mấy bé vừa vào thuốc xong, nghe chú hề đến cũng tạm quên đi đau đớn trong cơ thể, nở nụ cười rạng rỡ.

{keywords}
Nụ cười của các bé khi được chú hề tặng quà trong ngày sinh nhật. Ảnh: Tú Anh.

Anh Hải lần lượt nắm tay, xoa đầu, gọi tên từng bé hỏi thăm: “Hôm nay, con khỏe không, có vui khi gặp chú hề không?”. Những chiếc miệng nhỏ xinh ríu rít: “Con nhớ chú hề”.

Tiếng nhạc sinh nhật vang lên, các em nhỏ ngồi thành vòng tròn, anh Hải ngồi ở giữa thắp nến, cùng các bé hát bài Happy birthday.

Bên ngọn lửa từ cây nến nhỏ, các em bé nói lên đều ước trong tiệc sinh nhật mình. Có bé ước về nhà chơi với anh trai, có bé ước được đi học, lại có bé chỉ mong nhận một con búp bê… Những điều ước nhỏ nhoi của các em nhỏ cứ thế vang lên trong âm thanh ồn ào của bệnh viện.

Trong đợt sinh nhật này có bé Nguyễn Thị Thanh Mai (10 tuổi, quê Đắk Lắk) điều trị ung thư máu vùng tủy hơn hai tháng. Trước đó, Thanh Mai từng ước được chú hề tặng chiếc ô tô điều khiển để khi được về nhà sẽ tặng cho em trai. 

{keywords}
 

Khi bữa tiệc vừa bắt đầu thì cơn đau ập đến khiến Mai liên tục kêu mệt, nhưng lại không muốn đi nằm. Cô bé đưa tay níu mẹ - chị Hoàng Thị Dũng (33 tuổi) như muốn mẹ ngồi xuống cho Mai dựa lưng vào.

Được nhận món quà từ anh Hải, cô bé 10 tuổi đưa hai tay nhận, gật đầu cảm ơn. Sau đó, bé ghé vào tai mẹ: “Mai mốt con khỏe, mình mang về cho út mẹ nhé”. Chị Dũng chỉ biết quay đi để lau nước mắt: “Con bé lúc nào cũng chỉ nghĩ đến em”.

Kết thúc buổi sinh nhật, bỏ bộ tóc giả đủ màu, tẩy trang lớp phấn trang điểm dày cộm, giọng anh Hải trầm tư kể về mình và công việc mang niềm vui cho các bé ung thư.

‘Tôi không có cha. Đến bây giờ, tôi không hiểu vì sao mình lại có mặt trên đời’, chàng trai quê Đà Nẵng mở đầu câu chuyện.

{keywords}
Anh Hải thắp nến, cùng các bé hát bài Happy birthday. Ảnh: Tú Anh.

Mẹ anh Hải bị bại liệt từ nhỏ. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại của bà phải có bà vú do bố mẹ thuê về chăm sóc.

Ở tuổi đôi mươi, bà mang thai anh Hải trong sự ngỡ ngàng của gia đình, hàng xóm. Dù bị dị nghị, gia đình từ mặt, bạn trai chối bỏ, mẹ anh vẫn quyết giữ con. “Chắc, ông trời giữ tôi lại để còn có người ở bên mẹ”, anh Hải tự động viên mình.

Hải sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, đáng yêu. Tuy nhiên, cũng từ đó, cậu bé trải qua những cung bậc cảm xúc khi là đứa trẻ không cha, sống trong cảnh nghèo khó. “Việc mẹ mang thai tôi làm nhà ngoại bị mất thể diện nên hắt hủi. Bà vú nuôi của mẹ đã đi xin ăn chăm sóc mẹ con tôi”, anh Hải kể.

Lúc anh Hải 5 tuổi, bà vú qua đời, anh phải lang thang xin ăn. Một lần, anh ngủ thiếp đi ở một hiên nhà do quá mệt. Ông chủ tiệm may đi ngang qua, thấy thương đã gọi dậy, mua cơm cho ăn rồi đưa về nhà nuôi và giao cho nhiệm vụ hứng nước, đứng quạt cho ông cụ chủ và đi giao đồ vắt sổ. Đổi lại, Hải được trả lương, cho đi học, đưa cơm về cho mẹ.

{keywords}
Anh Hải cho biết, việc mang lại nụ cười cho các bé ung thư cũng là mang lại niềm vui cho anh. Ảnh: NVCC.

7 tuổi, Hải đi giao đồ vắt sổ cho khách, vì quá ham chơi nên về trễ, bị chủ mắng Hải bỏ trốn. Từ đó, cậu bé phải mưu sinh trên đường phố bằng việc bán bắp rang, bánh kẹo, thuốc lá… để nuôi mẹ và đi học.

Học hết lớp 8, Hải rời Đà Nẵng vào Sài Gòn ở cùng một người cậu. Ban ngày, Hải đi làm cho một hãng sơn, phụ hồ, dọn dẹp nhà cửa… .Tối, Hải đến lớp học bổ túc văn hóa và tích cực tham gia công tác đoàn ở Phường 1, quận Tân Bình.

‘Ở đâu, tôi cũng được đi học, nhận được sự giúp đỡ của người này người kia’, chàng thanh niên sinh năm 1974 nói bằng giọng biết ơn.

Ý tưởng tổ chức sinh nhật hàng tháng cho bệnh nhi ung thư bắt nguồn từ lúc anh gặp “Đóa hoa hướng dương” Lê Thanh Thúy hồi đầu năm 2007.

Thúy là bệnh nhân ung thư, phải cắt bỏ chân trái nhưng em không khuất phục số phận. Trong suốt thời gian điều trị bệnh, Thúy đã thực hiện nhiều hoạt động hướng tới các bệnh nhân ung thư như viết blog "ước mơ của Thúy”, tổ chức các chương trình từ thiện, tổ chức trung thu, dã ngoại, phát quà, sinh nhật cho các bệnh nhi ung thư...

Năm 2006, Thúy được bình chọn là công dân tiêu biểu TP.HCM vì có sự kiên trì học tập và dũng cảm trước căn bệnh quái ác.  

Cuối năm 2007, sức khỏe Thúy đã yếu vì tế bào ung thư di căn, nhưng cô vẫn cười lạc quan, muốn được thực hiện nhiều dự định cho bệnh nhi ung thư. Chính hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm trí anh Hải. Sau khi Thúy mất, anh muốn viết tiếp ước nguyện của cô gái đầy nghị lực. 

“Tôi mồ côi cha, 5 tuổi đã tự lập, mẹ bị bại liệt nhưng được đi học, có sức khỏe. Còn các bé bệnh nhi ung thư có cuộc đời rất ngắn. Vì bệnh, các em không được đi học, vui chơi mà gồng mình chiến đấu với bệnh tật. Lúc vô thuốc, phải chịu bao đau đớn, tóc rụng hết. Tôi muốn xoa dịu nỗi đau của các bé bằng tiếng cười, những món quà nhỏ xinh”, anh Hải nói về việc mình đang làm.

{keywords}
Tạo hình "Chú hề Sido" của anh Hải. Ảnh: NVCC.

Ban đầu, anh Hải tự bỏ tiền túi ra làm nên tiệc sinh nhật cho các bé chỉ có bánh kem, quà tặng đơn giản là con gấu bông, chiếc bong bóng. Mấy năm nay, được bạn bè, mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện khác hỗ trợ nên sinh nhật các bé hoành tráng hơn.

Ngoài được nhận quà theo điều ước, các bé còn được ăn một bữa ăn ngon, ba mẹ có thêm ít tiền góp vào cuộc hành trình chiến đấu cùng con trước căn bệnh ung thư .

Anh cho biết, việc giúp các bé có nụ cười trên môi cũng giúp anh yêu cuộc sống hiện tại, không còn mặc cảm, tự ti với thân phận của mình. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn, suy nghĩ là có nhiều ước mơ của các bé chưa làm được, các bé đã rời đi.

Anh Hải kể, mới đây, một cậu bé ước được chú hề tặng một con quay vô cực, nhưng các bạn tình nguyện viên không nghe rõ đã ghi thành mô hình đồ chơi. Lúc anh trao quà, cậu bé không nhận vì không đúng ý. Anh phải động viên, hứa mấy hôm nữa sẽ tặng quà lại. Mấy ngày sau, cậu bé mất.

“Tôi mang món quà bé thích vào bệnh viện thì hay tin, bé đi rồi”, anh Hải kể, giọng lạc đi.

Lần khác, một cậu bé 12 tuổi, quê Phú Yên đã ước trong ngày sinh nhật của mình là được chú hề làm ba nuôi. Lúc anh Hải nhận lời là lúc bệnh của cậu bé đã nặng hơn.

Tết năm đó, anh Hải tiễn cậu bé về quê đón giao thừa cùng ba mẹ và hứa, đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch sẽ đi thăm bé.

‘Lúc đó, tôi phải chạy nhiều chương trình nên không ở bên con được. Đến ngày hứa sẽ đi thăm, tôi được báo, con mất rồi’, anh Hải xúc động nhớ lại.

Ngoài tổ chức sinh nhật cho các bé, anh Hải còn quyên góp để mang những bữa ăn ngon cho các bé ung thư.

Đợt cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19 vừa qua, anh còn thực hiện 15 chuyến đưa đón các bé về nhà, trở lại bệnh viện thăm khám.

Cô gái bỏ việc đi bộ xuyên Việt tìm giới hạn bản thân

Cô gái bỏ việc đi bộ xuyên Việt tìm giới hạn bản thân

Lê Ngọc Hân, 23 tuổi ở Trà Vinh chia sẻ về cuộc hành trình đi bộ hơn 2 nghìn cây số có cả những hiểm nguy và cả những tấm lòng nhân hậu giúp cô vô điều kiện.  

Tú Anh