Động lực thúc đẩy kinh tế số

Giao dịch điện tử có vai trò rất quan trọng, là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số. Chữ ký số là một trong những loại hình kỹ thuật, công nghệ đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng quy định pháp lý để quản lý chữ ký số, coi chữ ký số là phương thức xác thực định danh điện tử an toàn.

Chẳng hạn, Luật Liên bang ESIGN của Mỹ quy định rõ: "Chữ ký điện tử là âm thanh, ký tự hoặc một quy trình điện tử được gắn với một hợp đồng”. Châu Âu đã có quy định của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về định danh điện tử và các dịch vụ tin cậy cho các giao dịch điện tử (eIDAS). Phần Lan có luật về định danh điện tử và chữ ký số.

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, New Zealand... đã quy định phân cấp "chữ ký điện tử loại cơ bản" và "chữ ký điện tử bảo đảm an toàn" với cùng tính chất như chữ ký số. Một số quốc gia khác như Belarus, Bulgaria, Hàn Quốc... khuyến cáo khách hàng chỉ sử dụng chữ ký số với chứng thư số đảm bảo an toàn.

Dần tăng độ phủ ở Việt Nam

Tại Việt Nam, chữ ký số đã và đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho biết:” Chữ ký số tại Việt Nam có giá trị pháp lý, được coi là chứng cứ ký số vào thông điệp dữ liệu (văn bản điện tử, chứng từ điện tử, hoá đơn điện tử…). Chữ ký số đảm bảo xác định được người ký số, tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và người ký không chối bỏ được”.

Theo thống kê của NEAC, tính riêng thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng, cả nước hiện đang có hơn 1,4 triệu chứng thư số đang hoạt động.

Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực: Thuế điện tử, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, một số loại giao dịch trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…

Điển hình như trong lĩnh vực thuế, ngành Thuế đã triển khai thu thuế điện tử đến hơn 700.000 doanh nghiệp với sự hỗ trợ tích cực của các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, đạt tỷ lệ khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong lĩnh vực hải quan, tính đến hết quý I/2019, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến áp dụng chữ ký số để xác thực và 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 áp dụng chữ ký số để xác thực.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, sau hơn 4 năm triển khai, số lượng các dịch vụ công trực tuyến áp dụng chữ ký số cũng tăng mạnh. Tính đến 31/3/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 28 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp với 323.481 doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số để giao dịch.

{keywords}
Chữ ký số có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán số và nền kinh tế số. (Ảnh minh họa: Internet)

Cần tiếp tục gỡ khó

Đánh giá cao vai trò của chữ ký số trong thanh toán số và nền kinh tế số, tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cần sớm được tháo gỡ. Có thể kể đến hiện trạng chưa có quy định về mức bảo mật áp dụng tối thiểu cho các loại giao dịch điện tử cũng như đối tượng phạm vi áp dụng. Do đó, các giao dịch điện tử chưa được bảo vệ bằng hình thức bảo mật đúng mức; chưa khuyến khích được việc sử dụng các hình thức xác thực an toàn cao, có tính pháp lý như chữ ký số.

Trong khi đó, nhận thức của người dân về việc sử dụng giao dịch điện tử còn hạn chế, do đã quen với các thủ tục hành chính thông thường, ngại thay đổi, nên việc áp dụng chưa mang lại hiểu quả rõ ràng.

Đứng từ góc độ của ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng lưu ý một số vấn đề tồn tại. Cụ thể, chi phí cho các giải pháp chữ ký số trên thị trường khá cao đối với nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân, là khoản đầu tư lớn đối với ngân hàng. Chứng thư số cá nhân chưa phổ biến, do đó phát huy hiệu quả hợp đồng điện tử, khách hàng vẫn phải ký tươi lên các thỏa thuận, hợp đồng, khế ước...

Việc trao đổi văn bản điện tử được ký bằng chữ ký số còn nhiều bất cập, vẫn có đơn vị từ chối, không chấp nhận do điều kiện hạ tầng và quy định nội bộ. Nhiều ngân hàng đề xuất việc sử dụng mã OTP (mật khẩu dùng một lần) kết hợp đa thành tố (tên người dùng và mật khẩu), yếu tố sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, võng mạc,...) để xác thực thỏa thuận, khế ước, nhưng không đáp ứng quy định của pháp luật về tính pháp lý của chữ ký điện tử.

Ghi nhận những ý kiến về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai, Bộ TT&TT đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò chữ ký số thúc đẩy thanh toán số, kinh tế số.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng tăng cường tổ chức các hội thảo, truyền thông nhiều hơn nữa để người dân thực sự hiểu lợi ích của chữ ký số; Tạo ra nhu cầu đủ lớn để các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp CNTT có thể chủ động đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ chữ ký số cung cấp cho người dân.

Xuân Bách

Cung cấp chữ ký số phục vụ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử

Cung cấp chữ ký số phục vụ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Dịch vụ này sẽ được triển khai từ ngày 1/7/2020.