Khẳng định tính cần thiết của Luật Thủ đô, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu một loạt mục tiêu, trong đó có việc phát huy dân chủ, tổ chức lấy ý kiến tham vấn, phản biện đối với các quyết định lớn.

Loại bỏ thói vô cảm của công chức

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch TP Hà Nội cho hay để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng vừa phê duyệt, Hà Nội sẽ tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Cần có giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như cải cách hành chính, quản lý và quy hoạch đô thị, nâng cao hiệu quả công vụ...

Tiếp theo là việc đổi mới thể chế kinh tế của Hà Nội gắn với an sinh xã hội và ổn định chính trị xã hội. Trước mắt, tái cấu trúc kinh tế Hà Nội hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Rà soát lại các dự án và sẽ cương quyết xử lý với các dự án chậm tiến độ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Ông nhấn mạnh việc phân cấp trách nhiệm cụ thể cho đội ngũ cán bộ các cấp, loại bỏ thói vô cảm của công chức cũng như xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động của các cấp chính quyền ở Hà Nội.

Hà Nội cũng sẽ đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục để đào tạo nghề, đào tạo người, đào tạo nhân tài, xây dựng Hà Nội thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng công cuộc phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa không chỉ của Hà Nội mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và của cả nước.

Xây dựng và chấn chỉnh văn hóa đô thị, văn hóa giao thông. Xây dựng một xã hội đạo đức với sự gương mẫu của những cán bộ từ cấp thành phố đến cơ sở, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa cán bộ với nhân dân... Gắn mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; phát động phong trào trong toàn thể cán bộ và nhân dân chống lại thói quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền và hách dịch.

Đặc biệt, thành phố sẽ "phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tổ chức lấy ý kiến tham vấn, phản biện đối với các quyết định lớn của thành phố. Bên cạnh đó, các chủ trương chính sách của thành phố sẽ được công khai, minh bạch để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý".

Quyết tâm trình Luật Thủ đô

Không được thông qua tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa trước, Hà Nội sẽ tiếp tục quyết tâm đề nghị Ủy ban Thường vụ và Chính phủ hoàn thành dự thảo Luật Thủ đô để trình Quốc hội khóa 13 sớm thông qua. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho hay mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng qua hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh Thủ đô bộc lộ nhiều bất cập cả từ khía cạnh pháp lý cũng như khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra trên thực tế.

"Nhiều quy định của Pháp lệnh trở nên không thực hiện được do các quy định trong các đạo luật mới được Quốc hội thông qua. Hơn nữa, việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội từ năm 2008 cộng với việc đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra với tốc độ nhanh... kéo theo nhiều vấn đề phải xử lý khác, đòi hỏi phải có Luật Thủ đô thay cho Pháp lệnh mới có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề mới và thực tiễn của Thủ đô", ông nói.

Về những quy định về mục tiêu và chính sách chủ yếu nào có trong dự thảo Luật Thủ đô, Chủ tịch thành phố cho hay dự thảo luật, sau khi chỉnh sửa, quy định 20 chính sách, cơ chế riêng phục vụ cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và xây dựng chính quyền.

Thứ nhất, không xây mới các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường... trong nội thành, giảm tình trạng quá tải ở nội thành về giao thông, môi trường, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phần còn lại của nội thành sẽ được quy hoạch để sử dụng cho các dịch vụ văn hóa, không gian mở.

Thứ hai, quy định việc tạo lập không gian xanh chung quanh Thủ đô. Thứ ba, là những quy định về phát triển kinh tế nông thôn ngoại thành. Thứ tư, quy định về giáo dục và đào tạo để Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và trên thế giới.

PV