Tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội chiều nay, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu (đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) nêu nhiều lo ngại về vấn đề văn hóa, trong đó có mạng xã hội.
Cảnh sát sợ cả người vi phạm quay phim, chụp ảnh
“Mạng xã hội tác động ghê gớm đến sinh hoạt, tập quán phong tục, nhất là với giới trẻ đang có những giá trị về đạo đức xã hội bị lung lay”, ông Thuận Hữu chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với lối sống của nhiều gia đình hiện nay đang hình thành một lớp người ích kỷ, vô cảm, thờ ơ, thiếu lý tưởng và thực dụng.
“Nền tảng gia đình có nhiều điều phải nói, giá trị nền tảng đạo đức, truyền thống lung lay nhưng hình như chưa được chú ý đúng tầm”, ông lưu ý.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu: Tin tức giả mạo xuất hiện thường xuyên |
Ông cho rằng, việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội nhiều lúc bất lực. Những thông tin giả, xấu, kích động tung ra nhưng rất đáng tiếc là các cơ quan công quyền nhiều khi lại chạy theo truyền thông để xử lý vấn đề.
“Có lẽ không có nước nào như Việt Nam, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai”, ông Hữu nhấn mạnh.
Dẫn câu chuyện tại Thái Lan, có trường hợp lên mạng xã hội xúc phạm nhà vua một câu thôi là bị bỏ tù, ông lo lắng: “Ở ta tình trạng chửi tràn lan mà bất lực. Những tin tức giả mạo xuất hiện thường xuyên. Có lẽ công an bây giờ sợ dư luận, cảnh sát sợ cả người vi phạm quay phim, chụp ảnh làm lung tung cả lên. Có tình trạng chửi cơ quan công quyền như hát hay”.
Theo Tổng biên tập báo Nhân Dân, nếu không ngăn chặn được những thông tin xấu độc thì cố gắng bao nhiêu trong việc đầu tư cho văn hóa truyền thông cũng vô ích.
Không biết tin nào là thật, tin nào là giả
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) nêu thực tế đang nổi lên nhóm đối tượng hoạt động tuyên truyền bậy bạ, đưa thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội đang ngày càng nhiều, bao gồm cả đối tượng trong nước và ngoài nước, nhưng kết quả xử lý, kiểm soát còn hạn chế, không đáng kể.
“Tôi đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo để xử lý quyết liệt hơn tình trạng vi phạm này. Chúng ta có ký kết các hợp tác phòng chống tội phạm với các nước nên hoàn toàn có thể xử lý được. Nếu không, các thông tin xấu độc tràn ngập trên mạng, khiến người đọc không biết tin nào thật, tin nào giả, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của người dân với Đảng, Nhà nước”, ông nói.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Người đọc không biết tin nào thật, tin nào giả |
Ông Sùng Thìn Cò cho rằng, công tác tuyên truyền để đấu tranh lại với các luận điệu chống phá, xuyên tạc, nhất là các tin xấu độc chống phá chế độ phải được đẩy mạnh hơn và sát với thực tế hơn.
Theo ông, lòng dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên đều rất mong muốn.
Đặc biệt, liên quan tới vấn đề quốc gia dân tộc, chủ quyền lãnh thổ biên giới, chủ quyền lãnh hải biển đảo quốc gia, đề nghị Nhà nước phải lên tiếng. Cần kết hợp đấu tranh trên thực địa và ngoại giao, song phương và đa phương, vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.
“Chúng ta cũng phải chỉ rõ những đối tượng có lời nói, hành vi mang tính chất kích động, nói xấu, kể cả cán bộ đang công tác cũng như nghỉ hưu, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá”, ông Sùng Thìn Cò chia sẻ.
Ông cũng đề xuất đầu tư thêm các tuyến đường tuần tra biên giới, nhất là tuyến đường tuần tra biên giới Việt - Trung. Việc đầu tư không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới mà còn phục vụ việc phát triển kinh tế ở vùng biên rất tốt.
ĐB Trần Đình Gia: Tin xấu độc vẫn còn nhiều |
Theo ĐB Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh), công tác thông tin truyền thông một số vấn đề cần tập trung và chủ động.
Ông lấy ví dụ kỳ họp thứ 5 QH khóa 14 thông qua luật An ninh mạng, trước khi thông qua luật này tất cả các thế lực thù địch tuyên truyền rằng nếu thông qua luật thì không được dùng zalo, facebook…
“Bây giờ thông qua rồi, luật đi vào có hiệu lực rồi nhưng sao chúng ta không lấy những cái đó để 'đập' lại, chứng minh rằng các thế lực đó là phản động, không có thật.
Nếu chúng ta tuyên truyền mạnh để chứng minh rằng việc không có thật thì chắc chắn người dân thấy phải cảnh giác hơn trong việc tiếp thu thông tin xấu độc trên mạng xã hội”, ông Gia nói.
Về quản lý mạng xã hội, ông cho biết gần đây có xử lý nhiều vụ trên mạng xã hội như đưa tin sai trái thì truy đến nơi và xử phạt. Tuy nhiên việc này số lượng còn hạn chế và những tin xấu độc vẫn còn nhiều.
“Lực lượng đưa lên mạng những thông tin tích cực có vẻ cũng hạn chế, kể cả báo chính thống. Tôi thấy quan điểm tuyên truyền phải cân bằng hơn, phải đảm bảo thông tin khách quan đủ độ lượng để người dân nhìn nhận được việc gì đúng việc gì sai, cần tin tưởng vào đâu”, ông Gia bày tỏ.
Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi cũng bị gọi là thị phi đấy
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến vui vẻ chia sẻ với báo chí bên hành lang QH sáng nay về những trăn trở trong thời gian 8 năm giữ chức Bộ trưởng Y tế.