- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Vấn đề được Chủ tịch nước nêu tại phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế” của hội nghị cấp cao APEC ngày 11/11 tại Bắc Kinh, TQ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới.
Trong đó, hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác đánh bắt cá, ứng dụng khoa học - công nghệ...là những nội hàm không thể thiếu. Quá trình triển khai hợp tác cần theo hướng tiếp cận tổng hợp, đa ngành, bảo đảm được yếu tố cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội với quản lý và bảo tồn nguồn lợi hệ sinh thái biển, ven biển bền vững và bảo đảm bình đẳng xã hội, sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.
"Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông" - Chủ tịch nước phát biểu.
Chủ tịch nước khẳng định, với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, tại phiên thảo luận về phiên thảo luận về “Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở ”, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp...
Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề thiết yếu là cần gắn kết các khuôn khổ kết nối ở mọi tầng nấc của khu vực, bảo đảm tính bổ trợ, phối hợp trong đề xuất và triển khai các sáng kiến của các khuôn khổ này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á - Thái Bình Dương. Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một Cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.
Cùng ngày, tại phiên họp kín “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực” - một trong ba ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2014,, Chủ tịch nước đề nghị, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.
Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo.
Với triển vọng triển khai và hoàn tất đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC.
Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam cùng các thành viên APEC nâng tầm liên kết khu vực, đề cao vị thế của Diễn đàn APEC trong một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Linh Thư