Phát biểu trước hàng trăm cử tri quận 1, TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Luật biểu tình sẽ được xây dựng trong thời gian tới, dù còn có ý kiến trái chiều.

TIN LIÊN QUAN:

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các cử tri quận 1. Ảnh: Thái Thiện

Chiều 28/11, tổ đại biểu số 1, đoàn đại biểu Quốc Hội (QH) TP.HCM đã tiếp xúc với cử tri quận 1 để báo cáo về kết quả kỳ họp QH vừa kết thúc và nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

Nhận xét về kỳ họp QH, ông Lê Văn Minh - phường Cầu Ông Lãnh cho hay cử tri rất phấn khởi, đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền biển đảo.       

Buổi tiếp xúc "nóng" lên khi một cử tri phường Đa Kao phát biểu về dự án Luật biểu tình. Theo cử tri này, tại sao không thể hiện quan điểm của mình thông qua các tổ chức đoàn thể như Mặt trận, đoàn hội mà phải thể hiện qua Luật biểu tình? Cử tri này nhận định: Nếu xây dựng Luật biểu tình, coi chừng chúng ta "mắc bẫy" của các thế lực thù địch, cơ hội.

Phản bác lập luận này, cử tri Cao Văn Triệu (phường Phạm Ngũ Lão) cho rằng: Cần thiết phải xây dựng Luật biểu tình. Ông phân tích: Biểu tình không phải là phương tiện để chống chính quyền mà là cách để công dân tỏ thái độ với chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện lòng yêu nước; biểu tình phù hợp với hiến pháp..

Đồng tình với ông Triệu, ông Trần Ngọc Vương Liêm (CLB hưu trí quận 1) cho rằng việc xây dựng Luật biểu tình là "vừa thuận cho dân, vừa có lợi cho Chính phủ". Ông Liêm lưu ý cần sớm có luật này bởi đó là quyền của người dân được ghi trong Hiến pháp, xây dựng luật sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Chúng ta cần lắng nghe các ý kiến khác nhau về Luật biểu tình. Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng để thế chế hóa thành một đạo luật một mặt đảm bảo được quyền cơ bản của công dân, mặt khác phù hợp với điều kiện của đất nước thì phải có lộ trình và thực hiện hết sức thận trọng.

Thái Thiện