- Không đồng tình với đề nghị của Chính phủ đổi tên pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Cảnh sát vũ trang, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thấy “vũ trang” có thể gây phản cảm.

Tên gọi dự án pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã được QH thông qua, nhưng theo tờ trình của Chính phủ, tên gọi này chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này.

“Lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác. Do vậy, để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát vũ trang, đồng thời thể hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là trực tiếp tiến hành biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham khảo tên gọi và mô hình tổ chức Cảnh sát vũ trang của nhiều nước, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án thành pháp lệnh Cảnh sát vũ trang cho phù hợp”, tờ trình nêu.

{keywords}
Lực lượng cảnh sát cơ động Hà Nội. Ảnh: Lao Động

UB Quốc phòng và An ninh QH không đồng tình vì có thể gây hiểu nhầm rằng các lực lượng khác của cảnh sát là phi vũ trang, hơn nữa lại nhạy cảm, không có lợi trong đối nội, đối ngoại nếu lực lượng này được giao giải quyết những vụ việc mà đối tượng trực tiếp đấu tranh là người dân vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn trật tự xã hội.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thấy cái tên cảnh sát cơ động gắn với lòng tin của nhân dân. “Đổi thành cảnh sát vũ trang thì bao giờ mới có được lòng tin như đối với cảnh sát cơ động”, ông Giàu nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì thấy cảnh sát vũ trang không hay bằng cái tên đã quen thuộc. “Đặc nhiệm hay cơ động hay hơn nhiều”, ông Hùng nói.

Chủ tịch QH cũng yêu cầu xem xét kỹ thẩm quyền ra lệnh nổ súng đối với lực lượng này. “Phải là Bộ trưởng Công an cho phép, chứ thứ trưởng thường trực tôi cũng chưa đồng ý”, ông Hùng nói.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến trong các trường hợp xảy ra bạo loạn, khủng bố và trường hợp tập trung đông người trái phép, biểu tình bất hợp pháp đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội..., Tư lệnh Cảnh sát vũ trang và Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định sử dụng vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng và động vật nghiệp vụ...

Chính phủ cũng đề nghị lực lượng này được trang bị, quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy, các phương tiện bay, phương tiện thủy khác để phục vụ hoạt động của mình. Nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra e việc này đòi hỏi ngân sách lớn và đề nghị xem xét lại việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý và sử dụng các trang thiết bị này.

Bộ Công an cho biết đề nghị trang bị không phải cho riêng lực lượng này mà để điều phối giữa các lực lượng có nhu cầu như cơ động, đặc nhiệm, bảo vệ mục tiêu...

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện để UB Thường vụ QH thông qua vào phiên họp tháng 12.

Chung Hoàng