Trong 2 ngày (4-5/6), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đây là hội thảo rất quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Nam trong chặng đường sắp tới.

Hơn 200 đại biểu tham dự đại diện các bộ, ngành Trung ương, Quân khu 5; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, chuyên gia kiều bào, chuyên gia trong nước và đại diện các hội, hiệp hội trên địa bàn tỉnh cùng các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.

Quy hoạch lần này sẽ không là những phép cộng đơn thuần

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu thực tế, quy hoạch, quản lý quy hoạch, hiện trạng để xác định sản phẩm của địa phương còn rất yếu, quy hoạch một đường, thực hiện một nẻo. Nhiều quy hoạch làm ra mang tính đối phó, giải quyết sự vụ, không tầm có nhìn xa, không có sự khảo sát, đánh giá liên vùng, liên ngành, ít liên quan đến chất lượng đồ án quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh

Chủ tịch Lê Trí Thanh nhìn nhận, bất ổn quy hoạch ngay từ ban đầu đã dẫn đến sai khi triển khai trên thực tế, nên buộc làm theo kiểu khác hoặc đề xuất điều chỉnh nhiều lần...

Để khắc phục những bất cập hiện nay, theo Chủ tịch Lê Trí Thanh, quy hoạch lần này sẽ không là những phép cộng đơn thuần hay mảnh ghép của các lãnh thổ, thể hiện đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững, không na ná các tỉnh, thành khác...

"Sự phát triển của địa phương không đơn lẻ mà cần có sự kết nối liên vùng nên phải thay đổi, phải tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt vẫn dựa trên nền tảng kế thừa, nhưng bổ sung, hoàn chỉnh, phù hợp với đà phát triển hiện tại, đem lại giá trị đầu tư cao hơn trong tương lai" - ông Thanh nhấn mạnh.

Tính liên kết không gian lãnh thổ sẽ dựa vào các địa phương gần nhau, có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, xã hội, trình độ phát triển, quan hệ hữu cơ về địa lý lãnh thổ, văn hóa, tập quán, liên kết giao thông thuận lợi, có thể cùng sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế như. Các mô hình hệ thống đô thị phát triển theo chuỗi dựa trên các tuyến giao thông chính đã được định hình. Mỗi chuỗi được xác định các đô thị chính và đô thị thứ yếu.

Các đô thị chính là chủ thể của chuỗi, đóng vai trò tính chất nổi trội cho chuỗi hành hàng kinh tế. Bố trí sắp xếp ổn định dân cư nông thôn hướng tới hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan...

Điểm trừ cần tháo gỡ

Báo cáo giữa kỳ của UBND tỉnh cho hay, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Nam tăng rất nhanh, cao hơn bình quân cả nước và nhiều tỉnh trong vùng. Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh/thành phố lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tính đến năm 2020, quy mô kinh tế Quảng Nam đạt gần 57,6 nghìn tỷ đồng.

Một góc TP Tam Kỳ

UBND tỉnh nhìn nhận, một trong những hạn chế tác động lớn nhất khiến nền kinh tế địa phương không thể phát triển đúng như tiềm lực hiện có, là những chỉ tiêu, định hướng theo quy hoạch cũ đã phê duyệt không còn phù hợp.

GS-TS Nguyễn Đức Khương (chuyên gia ở Pháp) nhận định, về lợi thế môi trường phát triển rất tốt khi có các di sản được thế giới công nhận, có mạng lưới giao thông đi lại thuận lợi từ đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không. Đây là những thế mạnh để phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, xu thế cạnh tranh về năng lực hành chính công, chất lượng đào tạo lao động không tăng trong một thời gian dài…đang là điểm trừ cần có giải pháp tháo gỡ".

"Khi xác định con đường chiến lược, thường chúng ta sẽ tham khảo các nước trên thế giới để áp dụng vào xu thế chung, nhưng điều quan trọng cần chú ý đến chất lượng nguồn nhân lực, lấy kinh tế làm chủ đạo, trụ cột chính..." - GS Khương chia sẻ.

Theo PGS-TS Lưu Đức Cương, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch Quảng Nam, phương án phát triển không gian lãnh thổ, vùng liên huyện, các trục trọng điểm kinh tế và hành lang động lực, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở sẽ thật cụ thể.

Các đại biểu tham dự hội thảo 

Chủ tịch Lê Trí Thanh nhìn nhận, mọi phương án phát triển phải dựa trên cơ sở tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, đảm bảo tính cộng đồng, không gây ra những biến động lớn trong đời sống nhân dân.

"Quan điểm của Quảng Nam về định hướng không gian lãnh thổ vùng sẽ phải được tích hợp các không gian của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo sự đột phá và đảm bảo an ninh quốc phòng. Các phương án phát triển đô thị và nông thôn, không gian vùng liên huyện, vùng huyện là định hướng tổng thể, làm cơ sở quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng cấp dưới cũng như các chương trình, chiến lược hành động của địa phương..." - ông Thanh nhấn mạnh.

Dự kiến cuối năm 2022 sẽ trình Thủ tướng đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý 1/2023.

Nguyễn Hiền - Công Sáng