Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương; 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh; 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Phó Chủ tịch đề nghị phải có cơ chế chế tài cần thiết để bảo đảm tính nghiêm túc, lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

{keywords}
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

“Tại sao bộ, ngành, địa phương này báo cáo, còn những nơi khác không báo cáo?. Trách nhiệm chủ thể thuộc diện giám sát như thế nào? Tính chủ động, khả thi trong xây dựng kế hoạch giám sát, đôn đốc, bảo đảm tiến độ của đoàn giám sát?”, ông Mẫn đề nghị đoàn khẩn trương tham mưu ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng thuộc diện được giám sát.

Nơi nào không bảo đảm tiến độ phải có biện pháp xử lý, bảo đảm kỷ cương nghiêm khắc. Nơi nào báo cáo chưa đạt yêu cầu, đoàn hoàn toàn có quyền yêu cầu tập trung đính chính, làm rõ vấn đề đoàn quan tâm, không phải làm báo cáo cho có.

Theo ông, nội dung giám sát tập trung những nội dung nóng, dư luận quan tâm, là điểm nghẽn, nút thắt, bài toán khó chưa có lời giải đáp. Trong đó, đặc biệt chú ý giám sát sâu các dự án trọng điểm thuộc ngành giao thông, dầu khí, điện gió, nhiệt điện sử dụng vốn ngân sách nhà nước, sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà không đảm bảo hiệu quả, làm rõ dự án chậm tiến độ.

“Vì sao chậm, do thiếu vốn, hay khâu đền bù, tái định cư chậm, nhà thầu thi công không đảm bảo năng lực?”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong 12 dự án trọng điểm đã xử lý được một số dự án, còn một số dự án không có khả năng hoạt động, thu hồi vốn.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu làm rõ còn bao nhiêu dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn. “Đầu tư nhan nhản, người ta thấy cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu. Một con đường đền bù tái định cư lam nham, không thi công được”, ông nêu thực tế và đặt vấn đề “lần này có khắc phục được cái này hay không?”.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga gợi ý cần tập trung vào ba điểm nhấn đang được dư luận quan tâm. Đầu tiên là vấn đề lãng phí đất đai do dự án treo.

“Ngay ở Mê Linh (Hà Nội) cả khu đô thị chỉ có 1 ngôi nhà mà 10 năm nay vẫn như thế, cỏ mọc đầy, dự án không nhúc nhích”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng  và cho rằng, nếu đoàn giám sát đi thì sẽ thấy nhiều nơi như thế.

Thứ 2 là giám sát các dự án “phơi nắng, phơi sương”, đặc biệt trong đó là 12 dự án thua lỗ đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra. Đoàn giám sát đi khảo sát thực tiễn để xem xét còn dự án nào dở dang nữa hay không. Đây cũng là hình thức lãng phí rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đoàn giám sát quan tâm là việc quản lý, sử dụng tài sản công. Qua giám sát cho thấy vẫn còn cơ quan, đơn vị sử dung tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức. Ngoài ra, việc sắp xếp lại các trụ sở của các bộ ngành, địa phương và khối doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Bà Nga cho rằng, đoàn giám sát cần chỉ rõ được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt, có ví dụ điển hình, nêu rõ trách nhiệm cụ thể thì mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.

Tập trung vào vụ việc lớn cụ thể để cảnh tỉnh, răn đe

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, lần giám sát này nên tập trung vào lĩnh vực công nhiều hơn.

“Rõ ràng hậu quả của lãng phí rất lớn nên phải tập trung nhiều hơn vào những hành vi lãng phí, đặc biệt là những lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát như đất đai, tài sản công, mua sắm công...”, Chủ tịch Quốc hội nói và bày tỏ “nóng ruột vô cùng”.

Trong thực hành tiết kiệm, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng: “Tôi sang Nhật Bản, điều hoà họ không bao giờ để thấp hơn 28 độ. Ở ta, điều hoà bật ở nhà thì tăng nhiệt độ lên cho đỡ tốn tiền điện, quạt cũng chỉ phe phẩy để vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa đỡ tốn điện”.

Rồi ông ao ước, “giá như điều hoà ở cơ quan cũng sử dụng bằng một nửa ý thức như thế thì cũng tiết kiệm khối tiền rồi”.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế từ sơ kết nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về nông, lâm trường cho thấy, bao nhiêu đất bàn giao cho các địa phương rồi nhưng chưa tiếp nhận hoặc chưa có kế hoạch sử dụng, trong khi người dân vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất.

Lưu ý thực tế có hàng nghìn dự án treo, ông Vương Đình Huệ cho rằng, chỉ cần xác định trách nhiệm và Quốc hội yêu cầu tất cả rà soát lại, thu hồi hết sẽ tạo được nguồn lực vô cùng to lớn.

“Cứ theo việc cụ thể mà quy trách nhiệm. Việc gì, nằm ở đâu. Ví dụ ở Đăk Lăk, công trình thuỷ lợi 3.000-4.000 tỷ làm xong không sử dụng, trách nhiệm của ai?”, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.

Ông cũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân bỏ ruộng, đất nông nghiệp để hoang hóa nhiều để đề xuất chính sách.

“Đối với những vụ việc lớn, nghiêm trọng, có địa chỉ, số liệu cụ thể , đất đai bỏ hoang, tài sản để hoang, ngân sách xói mòn, chi tiêu lãng phí, vượt định mức... Chúng ta phải nói rõ việc này để cảnh báo và răn đe. Cứ chung chung thì không có tác dụng gì”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra tình trạng ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, sai nội dung, sai định mức. “Anh làm thất thoát một số tiền cụ thể thì bị khởi tố, nhưng anh ban hành văn bản để thất thoát cả đống thì trách nhiệm thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chủ tịch cũng nêu thêm tình trạng văn bản để ách tắc: “Riêng các thành phố lớn tầng 1 nhà tái định cư bỏ không đầy. Tôi dám chắc riêng Hà Nội là mấy nghìn m2, không có văn bản nào khả thi trong chuyện đấu thầu đấu giá để khai thác số này”.

Từ thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giám sát tập trung vào những đơn vị trọng điểm, dự án treo, một số vụ việc lớn cụ thể để yêu cầu báo cáo làm rõ. Từ đó có tác động cảnh tỉnh, răn đe, tạo ra hiệu ứng xã hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đoàn giám sát phối hợp với kiểm toán chứ không thể khoán trắng và yêu cầu các thành viên đoàn “lăn vào mà làm” thực tế chứ không lý thuyết quá.

“Các đồng chí cứ cùng với Bộ Tài chính thống kê cho tôi mấy mùa covid-19 vừa rồi tiết kiệm được bao nhiêu tiền đi nước ngoài”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Thu Hằng 

Gần 7.000 xe công, hàng trăm nghìn m2 nhà công vụ dùng sai tiêu chuẩn, mục đích

Gần 7.000 xe công, hàng trăm nghìn m2 nhà công vụ dùng sai tiêu chuẩn, mục đích

Kết quả giám sát cho thấy, 147.911 m2 nhà công vụ, gần 7.000 xe công và hàng chục triệu m2 diện tích trụ sở sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ.