Vào tận hẻm sâu để lo cho dân
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, tuyệt đối không để ai bị thiếu đói.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ người khó khăn để hỗ trợ, không để ai thiếu đói |
Do đó, phải triển khai nhanh các hoạt động của trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 (Trung tâm an sinh thành phố) và thí điểm các trung tâm an sinh tại quận 5, quận 7 và quận 12.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa.
Xây dựng kế hoạch, huy động mọi nguồn lực chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu gói cứu tế cho người dân gặp khó khăn do dịch, hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ, tổ chức tiêm vắc xin để người dân tại các khu vực trên yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Tăng cường kết nối các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp; phát huy đội ngũ tình nguyện viên ở cơ sở để kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn một cách toàn diện.
Đảm bảo kịp thời gói an sinh xã hội “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng”, quan tâm sâu sát, chăm lo các khu nhà trọ có đông công nhân, sinh viên, người lao động tự do, các hẻm nhỏ, hẻm sâu... không để một người dân nào thiếu đói.
“Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 chuẩn bị túi an sinh cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tính toán theo các gói 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày, trong đó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản”, Chủ tịch TP chỉ đạo.
Còn tại cuộc họp báo sáng 16/8, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức cho rằng, TP.HCM là một đô thị đông dân, vì vậy, hệ thống từ cơ sở là quan trọng nhất để rà soát danh sách những người cần hỗ trợ. Nếu triển khai hiệu quả sẽ tạo tâm lý yên tâm cho người dân.
Liên quan đến vấn đề tổ chức cho người dân về quê, ông Đức cho biết Chính phủ đã có chủ trương rõ ràng và TP.HCM cũng đang phối hợp với các tỉnh thành thực hiện việc đưa người dân về quê.
Hàng trăm người dân hôm 15/8 đã tự ý chạy xe máy với dự định về quê. Sau khi được vận động, họ đã quay đầu xe về phòng trọ |
Tuy nhiên, với những người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP thì sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ để người dân yên tâm ở lại TP.
“Đúng là rất nhiều người có điều kiện khó khăn, một số người vì điều kiện đã lỡ trả phòng trọ khi có ý định về quê. TP.HCM sẽ tích cực tạo điều kiện hỗ trợ, quan tâm đến đối tượng này để hỗ trợ nơi ở và các điều kiện sinh sống”, ông Đức khẳng định.
Chia ba giai đoạn kiểm soát dịch
Để kiểm soát dịch đến 15/9 như kế hoạch đề ra, thay vì chia hai giai đoạn, trong chỉ đạo khẩn mới nhất, Chủ tịch TP yêu cầu chia thành ba giai đoạn kiểm soát dịch.
Cụ thể, giai đoạn từ 15/8 đến 22/8: kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Giai đoạn từ 23/8 đến 31/8: mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn thành phố; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.
Giai đoạn từ 1/9 đến y 15/9: duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm vắc xin mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu siết "ngoài chặt, trong chặt" để đạt mục tiêu kiểm soát dịch đến ngày 15/9 |
Về giải pháp, Chủ tịch TP yêu cầu tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội một cách thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ, đặc biệt trong khung giờ từ 6h-18h cùng ngày; thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
Tại các khu phong tỏa, phải đảm bảo “ngoài chặt, trong chặt", tiếp tục thực hiện triệt để “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà", tăng cường lực lượng tuần tra, giám sát; tổ chức các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa; phát huy vai trò của Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa trong việc thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ đã được UBND TP xác định.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình tự quản “vùng xanh” của nhân dân, vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
TP.HCM kéo dài giãn cách xã hội đến 15/9, chuẩn bị 1 triệu gói cứu tế
UBND TP chuẩn bị 1 triệu gói cứu tế cho người khó khăn, hỗ trợ túi an sinh, kinh phí thuê phòng trọ, tố chức tiêm vắc xin để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.
Hồ Văn