Bỏ nghề đầu bếp với mức lương hấp dẫn để về nuôi chó Phú Quốc, anh Tưởng Văn Quý hiện sở hữu trang trại bạc tỷ hơn 700 m2 để nhân giống loài chó thuần chủng này.

Anh Tưởng Văn Quý, chủ trang trại chó Phú Quốc lớn nhất Việt Nam chia sẻ việc mình bỏ nghề đầu bếp tại nhà hàng lớn để khởi nghiệp với giống chó Phú Quốc thật tình cờ nhưng là bước ngoặc đặc biệt.

Bỏ nghề đầu bếp nuôi chó vì lần đầu thấy đã thích

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi giống chó thuần chủng này, anh Quý cho rằng mình không lý giải được, chỉ có thể nói là cơ duyên. Giai đoạn trước năm 2008, anh làm rất nhiều nghề để sống như giày da, phục vụ nhà hàng rồi đầu bếp. Một lần ông chủ nhà hàng đi du lịch và mang về mấy chú chó có xoáy lưng hình đao, kiếm nhìn rất lạ, anh thích quá mới nảy ra ý định mua để gửi về quê làm quà.

Nhưng giai đoạn đó, vì giá trị một con chó này rất cao, anh không có đủ tiền nên phải đổi lại tiền lương cho chủ để bắt một cặp chó về nuôi, khi đó cặp chó cũng sắp đẻ. "Bắt về được 20 ngày thì chó đẻ lứa đầu được 7 con, hàng xóm bạn bè thấy lạ ai cũng hỏi mua. Từ đây tôi bắt đầu bắt tay kinh doanh giống chó này. Đó là năm 2008", anh Quý nói.

{keywords}
Ông chủ trại chó Phú Quốc cho biết mình đến với nghề nuôi giống chó này thật tình cờ từ lần đầu tiên nhìn chú chó chủ mang về mà anh rất thích phải đổi lương đầu bếp để mua.

Anh còn cho biết ban đầu bắt tay nuôi nhưng anh thực sự không biết giống chó này là giống gì, chỉ thấy chúng rất khôn lanh, quấn quýt, bắt chuột rất giỏi. Đến năm 2010, sau khi bán một số bầy chó mình nhân giống được từ 2 con mua ban đầu, anh mới phát hiện chúng thật sự mang lại giá trị kinh tế nên tìm hiểu và mới biết đây là giống chó Phú Quốc nổi tiếng.

Hiện tại, trại chó của anh Quý có hơn 200 con các loại. Chó lớn sinh sản thì có trên 100 con, trong đó khoảng 20 chó đực còn lại là chó cái để nhân giống đủ mọi lứa tuổi. Chó Phú Quốc ở trại anh có 3 màu chính gồm vàng, vện, đen, có đủ từ chó trông giữ nhà giá tiền vài triệu đồng một con đến chó phục vụ mục đích nhân giống mở trại, chó đi thi, thực hiện các show diễn.

Nói về việc lai tạo, làm sao để giống chó này thuần chủng, anh Quý cho rằng có một điều khác biệt là Việt Nam đang đếm ngược so với thế giới, không coi con F1 quan trọng mà con F3,4 mới là giống chuẩn.

"Ban đầu người ta chưa xác nhận, chỉ gọi là một loài thuộc giống chó Phú Quốc chứ không biết con bố mẹ là gì và gọi là F0. Sau đó phối mới ra con F1 rồi mang đi thi, phối giống mới được công nhận nguồn gốc ông bà, tổ tiên. Mình đã nuôi từ đó đến giờ là đời thứ 4 thì chó bố mẹ mới có giấy tờ chứng nhận là giống chó Phú Quốc thuần chủng", anh Quý chia sẻ.

Giá nào cũng có thể sở hữu chó Phú Quốc

Chủ trại chó Phú Quốc ở quận 12, TP.HCM chia sẻ thêm muốn cho ra đời con thuần chủng thì phải sử dụng chó bố mẹ đầy đủ đặc điểm, tiêu chuẩn như xoáy, hình dáng mới nhân giống chuẩn. Anh nói phải cầu kỳ vì ban đầu chó còn hoang sơ, đưa từ đảo về. Ở đảo người dân địa phương nuôi nhưng cũng không biết rõ gốc. Muốn lai tạo được chó tốt, mã đẹp như mong muốn thì anh phải sàng lọc.

Anh đã làm việc sàng lọc này từ năm 2012, qua nhiều thế hệ mới có được các chú chó như bây giờ.

{keywords}
Kiếm tiền tỷ từ chó nhưng chính ông chủ trại phải đích thân chăm sóc, nuôi dưỡng chó, kể cả vệ sinh chuồng trại, bởi anh cho rằng chỉ có thực sự yêu thích mới làm được công việc khá đặc biệt này.

Chia sẻ cách phân biệt chó Phú Quốc với các giống khác có hình dáng tương tự, anh Quý nói chó Phú Quốc có những đặc điểm riêng mà người có nghiên cứu về giống này sẽ nhận biết được. Ví dụ, điểm dễ phân biệt nhất là bộ lông thưa. Nếu lông chó ôm sát, nhẵn nhụi thì có thể đã bị pha với chó Thái. Hoặc nếu lông dài quá thì có thể bị lai với chó lông xù hoặc chó cỏ lai.

Đặc biệt, chó Phú Quốc chuẩn phải có xoáy lưng, dải lông ngược thành bệt lưng có hình cây kiếm, thanh đao, bản đồ hoặc yên ngựa. Bên cạnh đó, giống chó này có đầu nhỏ, thon vừa phải, mõm thon nhọn cũng là một đặc điểm riêng. Ngoài ra, chó Phú Quốc rất hoạt bát, tinh nhanh, săn bắt giỏi.

Hiện nay, nhiều người nuôi cũng hay lai chó Phú Quốc với các giống khác cho hùng dũng hơn. 

Về mức giá, anh Quý nói trên thị trường đang có 3 phân khúc. Loại một là phân khúc chó để trông nhà, giá khoảng 1-5 triệu đồng/con đến 5-7 triệu đồng. Đây là mức giá đại trà ai cũng có thể mua được. Nhiều người đến trại anh chỉ mang một triệu đồng cũng có thể mua một con chó Phú Quốc như mong muốn.

Phân khúc 2 là chó dành cho người có thẩm mỹ cao. Loại này có thần kinh tốt, có giấy tờ nguồn gốc, với giá trên 10-20 triệu đồng/con. Còn chó ở phân khúc 3 là loại đã đi thi, thắng giải, có đặc tính tốt, màu lông đặc biệt. Giá của loại này luôn trên 20 triệu, trung bình khoảng 50 triệu/con trở lên.

{keywords}
Trên thị trường hiện nay có những con chó Phú Quốc giá hơn 100 triệu đồng.

Khách hàng mua giống chó này cũng rất đa dạng. Đặc biệt, nhiều kiều bào nước ngoài cũng đặt mua về nuôi. Anh cũng có nhiều khách hàng là người nước ngoài, ca sĩ, diễn viên...

Anh Quý nói anh bán chó giống ra nước ngoài khá nhiêu khê vì bắt buộc phải có giấy tờ hệ phả, khai sinh của trại, trại phải đảm bảo đầy đủ đăng ký giấy khai sinh, cấy chip cho từng con. 

Mang chó Việt ra nước ngoài

Theo anh Quý, thị trường hiện nay đang có nhu cầu rất cao nên bình quân mỗi tháng anh xuất bán trên dưới 100 con chó đủ loại. Đặc biệt, những con giống có giá trị thấp thì giá chỉ khoảng 1-3 triệu đồng. Anh nói rằng giá này thấp nhưng đảm bảo người nuôi không mua phải chó tạp lai.

Anh đang hướng tới việc mang giống chó Phú Quốc ra nước ngoài. "Khi chứng chỉ  FCI (chứng nhận là giống chó thuần chủng) được cấp thì mình sẽ quảng bá giống chó Việt Nam rất đặc trưng này ra thế giới. Mình muốn mở rộng ra quốc tế để nâng cao giá trị của giống chó Phú Quốc này", anh Quý chia sẻ tham vọng.

Khó khăn lớn nhất anh chia sẻ trong quá trình nuôi, thuần dưỡng giống chó này, là chính anh phải thay đổi toàn hoàn về cách sống. Từ một người khá trầm tính anh phải chấp nhận sự ồn ào, phải thức đêm liên tục để canh chó đẻ, vệ sinh trại nuôi cũng phải chính tay anh đảm nhiệm.

Để làm được điều này thì không ai khác có thể thay thế, vì rất vất vả. Chỉ mình anh làm được vì anh có cảm tình và yêu quý chó, anh muốn giống chó bản địa mình nuôi được công nhận và chúng cũng mang lại giá trị kinh tế lớn cho mình.

(Theo Zing)