Lệch mùa vụ

Xế chiều, thấy trời vẫn còn nắng gắt, anh Huỳnh Văn Tâm (34 tuổi, Quận 12, TP.HCM) kéo vòi, bật nước tưới những luống hoa cúc Hà Nội xanh mướt. Cạnh bên anh, một thanh niên khác cũng đang điều chỉnh vòi nước để các luống hoa được tưới đều.

“Năm nay nắng hơn năm ngoái nên phải tưới nhiều. Năm ngoái, trước Tết, trời còn mưa. Không biết năm nay, trời có mưa như thế không nữa. Bây giờ, người trồng hoa như chúng tôi có nhiều nỗi sợ. Sợ dịch xong lại sợ thời tiết thay đổi khiến hoa nở sớm”, anh Tâm tâm sự.

Trong khi đó, ở khoảng đất trống bên cạnh, chị Trịnh Thị Kim Lan (48 tuổi, Quận 12, TP.HCM) lại đang dọn cỏ, lên luống, chuẩn bị gieo giống cúc bảy màu. Đây là loại hoa có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn nên chị trồng trễ hơn cả.

{keywords}
Những nhà vườn trồng hoa Tết tại làng hoa Thới An tất bật chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán.

Mọi năm, chị Cúc cũng như nhiều nhà vườn tại làng hoa Thới An (phường Thới An, Quận 12) dành hết diện tích đất để trồng chủ yếu các loại hoa phục vụ thị trường hoa Tết TP.HCM. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà vườn nơi đây có nhiều thay đổi.

Năm nay, hầu hết các nhà vườn đều trồng lệch mùa vụ. Chị Cúc nói: “Năm nay, dịch bệnh kéo dài, TP. thực hiện lệnh giãn cách nên chúng tôi không thể ra vườn trồng hoa đúng mùa vụ”.

“Hết giãn cách thì đã quá cận mùa vụ, chúng tôi trồng hoa trong tâm thế vội vã nên phải thay đổi nhiều thứ. Chúng tôi phải chăm sóc hoa với nhiều công đoạn hơn vì trồng gấp, hoa thường bị sặc, bị mặn do chất tro chưa rã, phải chong đèn cho hoa mau lớn…”, chị nói thêm.

{keywords}
Do ảnh hưởng của dịch, nhiều nhà vườn phải trồng hoa lệch mùa vụ.

Dịch bệnh cũng khiến giá phân bón tăng cao chóng mặt trong khi chi phí nhân công không giảm khiến nhiều nhà vườn phải chủ động thu nhỏ diện tích. Mùa hoa Tết giảm sôi nổi cũng khiến những người chuyên làm công cho các nhà vườn buồn bã.

Hằng năm, vào dịp này, những người chuyên làm nghề lặt đeo (lặt bỏ nhánh thừa, nhánh nhỏ, sâu bệnh…) đều tất bật ngoài vườn. Đây được xem là công việc đem lại thu nhập cao trong những ngày cận Tết.

Tuy nhiên, năm nay, do các nhà vườn giảm diện tích nên việc thuê nhân công lặt đeo, bón phân cũng ít lại. Bà Đoàn Thị Cúc (60 tuổi), người có nhiều năm làm nghề lặt đeo hoa Tết tại Quận 12 cho biết, mỗi năm, vào dịp này, trên các vườn hoa Tết đã đầy ắp người lặt đeo, rửa chậu hoa, tưới cây...

{keywords}
Nhiều nhà vườn đã bắt đầu công việc lặt đeo cho hoa.

“Năm nay vắng người hơn mọi năm. Một số nhà vườn chưa thuê người lặt đeo, một số khác không thuê nữa vì đã giảm diện tích. Phần việc này, họ sẽ nhờ người nhà hoặc tự làm. Thậm chí, nhiều chủ vườn tự tay chăm hoa. Những hôm mát trời, trăng đẹp, họ làm ngoài vườn đến tận khuya mới vào chòi”, bà Cúc nói.

Ngổn ngang nỗi lo

Dù hoa chưa lên nụ, anh Tâm, chị Cúc đã liên hệ, đặt chỗ bán hoa Tết tại các quận nội thành TP.HCM. Tuy vậy, cũng như nhiều nhà vườn khác, chị Cúc vẫn ngổn ngang nỗi lo. Chị lo dịch bệnh sẽ khiến việc bán hoa Tết vốn đã khó khăn sẽ càng thêm trầy trật.

Chị nói: “Tôi bỏ vốn vào vườn hoa nhiều lắm. Đó là tiền tôi vay ngân hàng. Tôi đầu tư hết vào phân tro, tiền nhân công trồng hoa. Bán được hoa, tôi lấy tiền đó trả ngân hàng, còn lời được đồng nào thì để ăn Tết. Cứ thế, sang năm lại vay rồi trồng tiếp”.

{keywords}
Đây là công việc đem lại thu nhập cho người dân vào dịp cuối năm.

“Thế nên, năm nào không bán được hoa thì xem như năm đó không có Tết. Hơn thế, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM chưa thực sự ổn định khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi sợ dịch căng thẳng, thành phố tiếp tục giãn cách…”, chị thở dài.

Để tự vượt qua những nỗi lo của mình, chị Cúc quyết định trồng xen thêm các loại rau xanh trong vườn hoa Tết. Đó là một trong những giải pháp tình thế của chị để sống chung với nỗi lo bán hoa Tết không được như kỳ vọng.

Ngoài việc có thể đảm bảo nguồn rau ăn hàng ngày, chị Cúc cũng bán các loại rau xanh để có thêm thu nhập. Số rau này được canh tác trên diện tích đất mà trước đây chị trồng các loại hoa mào gà, cúc đại đóa, dừa cạn…

{keywords}
Số người lặt đeo tại các nhà vườn thưa vắng hơn thường năm.

Cách vườn hoa của chị Cúc không xa, một nhà vườn khác cũng đang tất bật chăm sóc những luống cúc đại đóa, mào gà... Người này cho biết, họ cũng chung nỗi lo hoa Tết bán ra chậm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chủ của nhà vườn này chia sẻ: “Năm nay, người trồng hoa gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là mọi chi phí như: Nhân công, vật tư, hạt giống, phân bón... đều tăng cao so với năm trước khiến giá thành sản xuất tăng khoảng 20%”.

“Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của người dân TP.HCM. Chúng tôi lo lắng, mùa hoa Tết năm nay sẽ bán chậm, ít hơn năm ngoái. Dù đã chủ động giảm diện tích nhưng chúng tôi vẫn rất lo”, người này chia sẻ thêm.

{keywords}
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nhà vườn chọn cách giảm diện tích trồng hoa.

Trái ngược với tâm trạng trên, anh Tâm lại không mấy lo lắng đến việc sẽ không bán được hoa vào dịp Tết này. Điều anh lo lắng lúc này là thời tiết thay đổi, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của hoa.

Mặc cho một số nhà vườn đã bắt đầu thuê người lặt đeo, anh vẫn để cho một phần lớn diện tích trồng cúc Hà Nội của mình xanh um, sinh trưởng tự nhiên.

Anh loại bỏ nỗi lo không bán được hoa khỏi tâm trí để cố gắng chăm hoa đẹp, chất lượng cao. Anh hy vọng chất lượng hoa cao sẽ thỏa mãn, thu hút được khách hàng.

{keywords}
Anh Tâm giữ nguyên diện tích trồng hoa. Anh cho rằng, dẫu khó khăn người dân vẫn sẽ mua hoa trưng Tết vì mỗi năm chỉ có một lần.

Anh nói: “Trời mấy hôm nay nắng quá, tôi chưa dám cho người lặt đeo vì sợ lặt sớm, cây sẽ ra hoa sớm. Tôi cũng không biết năm nay có bán tốt hơn hoặc bán tệ hơn năm ngoái hay không bởi lúc này chưa nói được điều gì”.

“Vẫn biết dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế mọi người nhưng mỗi năm chỉ có một lần Tết. Tết mà trong nhà không có chậu hoa thì sao có không khí được. Do vậy, năm nay, tôi mạnh dạn không giảm diện tích mà vẫn giữ như năm vừa rồi. Tôi cũng đầu tư vào khâu chăm sóc để nâng cao chất lượng hoa. Hy vọng dịch sẽ ổn định để bà con có một cái tết đầm ấm, tươi vui”, anh nói thêm.

Bài, ảnh: Nguyễn Sơn

Đào rừng ồ ạt xuống phố sớm, giá rẻ chưa từng có

Đào rừng ồ ạt xuống phố sớm, giá rẻ chưa từng có

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng những ngày này đào rừng đang ồ ạt xuống phố. Đáng nói, năm nay giá đào rừng rẻ chưa từng có.