Một chất kháng sinh trong cá mập có thể được sử dụng như thuốc điều trị một số bệnh ở người do virút gây ra.

Đây là phát hiện của các nhà khoa học thuộc trường đại học Georgetown (Mỹ).

Hợp chất squalamine giống như cholesterol được phát hiện trong mô của cá mập, có thể giúp chống lại một loại virút gây ra các bệnh như sốt xuất huyết và viêm gan.

Nghiên cứu này phát hiện hợp chất squalamine có thể ngăn chặn sự phát triển của virút bằng cách phá vỡ vòng đời phát triển của chúng và ngăn chúng tái sinh.

Chất squalamine ở cá mập có thể ngăn chặn sự phát triển của virút ở người

“Đây là một phương pháp hoàn toàn mới để điều trị các bệnh do virút gây ra”, tiến sĩ Michael Zasloff, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. “Loại kháng sinh này có thể giúp điều trị một số bệnh được coi là mãn tính hiện nay.”

Tiến sĩ Zasloff phát hiện hợp chất squalamine vào năm 1993, trong khi tìm kiếm các chất chống vi khuẩn ở cá mập. Trong khi nghiên cứu tác dụng của squalamine đối với bệnh ung thư và bệnh về mắt ở người, ông cùng cộng sự phát hiện chất kháng sinh này cũng có khả năng vô hiệu hóa các virút.

Khi một tế bào vào cơ thể, chất squalamine ngay lập tức dính vào màng trong của tế bào và có tác dụng như một ‘lính gác’ bảo vệ tế bào. Hợp chất này tiêu diệt bất cứ chất protein nào bám vào màng tế bào nhưng hoàn toàn không làm hại tế bào. Trong khi đó, một virút xâm nhập tế bào muốn phát triển cần phải có các protein bám vào màng tế bào.

“Chưa có hợp chất nào được biết đến cho đến nay có thể làm được điều này. Đó là một đặc tính tuyệt vời của chất squalamine”, tiến sĩ Zasloff nhận định.

Hà Hương (Theo National Geographic)