Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên vì quá sốt ruột mà nghe lời mách bảo, quảng cáo các loại thuốc không rõ nguồn gốc, để tránh những biến chứng khôn lường.

Chi 10 triệu đồng mua thuốc Nam chữa đái tháo đường, nhận “quả đắng”

Ngày 7/2, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 63 tuổi ở Hà Nội ngộ độc chất cấm sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường vì độc tính cao, từng gây tử vong nhiều người.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nam bệnh nhân ở Thanh Trì, Hà Nội được đưa đến cấp cứu ngày 28/1 trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Người nhà cho biết, nam bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Nghe người quen giới thiệu có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, đã có người nhà sử dụng nên đã mua về dùng. Đây là loại thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, được người nhà đưa đi cấp cứu.

“Tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu. Kết quả xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970. Rất may mắn, bệnh nhân này tình trạng đang dần được cải thiện” - TS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.

Tương tự, trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.V.P. vào viện trong tình trạng nhiễm độc nặng, suy đa tạng tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường và đang sử dụng một loại thuốc điều trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc xuất xứ dạng viên màu vàng không có nhãn mác, không rõ thành phần, hàm lượng và nơi sản xuất, được người nhà mua theo quảng cáo truyền miệng.

Thời gian đầu chỉ số đường huyết có giảm nhưng bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, ý thức chậm chạp, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực, khó thở và người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu.

Mẫu thuốc chữa đái tháo đường bệnh nhân đã sử dụng.
Mẫu thuốc chữa đái tháo đường bệnh nhân đã sử dụng

Sau khi được điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân được cải thiện tốt dần lên. Sau 1 tuần điều trị tích cực bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường và không để lại di chứng.

Song song với quá trình cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã nhanh chóng gửi túi thuốc do người nhà cung cấp tới Viện Pháp y Quốc gia để phân tích thành phần.

Kết quả, trong viên thuốc có thành phần phenformin, loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường từ những năm 1950. Thuốc này bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 do gây ra hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi sử dụng. Hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đã cấm lưu hành phenformin trong điều trị.

Hay vào khoảng giữa tháng 12/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi, ở Hà Nội trong tình trạng thận hư, phù cơ thể tăng đến 8kg. Một bệnh nhi 16 tuổi rơi vào tình trạng suy thận nặng do gia đình tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chẩn đoán lâm sàng và làm một số xét nghiệm, bé trai T.X.H. (6 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư tiên phát và được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ của hội chứng thận hư tiên phát không đơn thuần. May mắn, tình trạng bệnh của trẻ đã được cải thiện.

Còn bệnh nhân N.A. (16 tuổi, Thanh Hóa) đã được các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, điện tim và chạy thận cấp ngay trong đêm để đảm bảo tính mạng cho trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc – Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Do bệnh nhi N.A. đã suy thận mạn 3 tháng nay không uống thuốc đều và dùng thuốc nam nên tình trạng rất nặng, sẽ phải chạy thận nhân tạo trong khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Trẻ vẫn có cơ hội được chữa trị nhưng sẽ là một cuộc chiến lâu dài và cần được thay thế thận.”

Hiểm họa khôn lường

Theo bác sĩ, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình đã và đang cho con sử dụng các loại thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị các bệnh về thận như: Suy thận mạn, thận hư, viêm cầu thận,… gây ra nhiều nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, 80% trẻ thận hư có thể hồi phục hoàn toàn. Phụ huynh không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng điều trị, khiến con gặp nhiều biến chứng khôn lường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc – Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc – Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân.

Theo các chuyên gia y tế, ở Việt Nam những năm gần đây đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc nặng và tử vong do sử dụng thuốc chữa tiểu đường trôi nổi trộn chất cấm phenformin. Các trường hợp ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường phenformin thường xảy ra ở người sử dụng thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác quảng cáo chữa đái tháo đường.

Ngộ độc phenformin rất nguy hiểm, do bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp, rất dễ nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực tỷ lệ tử vong cũng rất cao do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân khi bị bệnh cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.

Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính dễ gây tâm lý nản với một số bệnh nhân, tuy nhiên bệnh có nhiều hậu quả và biến chứng nên cần điều trị và theo dõi chặt chẽ lâu dài về y học hiện đại kết hợp với tuân thủ về chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc.

Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế).

Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.

Để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, các chuyên gia y tế cảnh báo, người bệnh không nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đặc biệt là viên thuốc dạng viên hoàn, bài thuốc bí truyền chưa được kiểm định để tự điều trị tiểu đường.

Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định các biện pháp điều trị an toàn và tư vấn dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.

Hội chứng thận hư là tình trạng một lượng lớn albumin bị mất qua nước tiểu. Lượng albumin mất này đủ để gây ra  giảm albumin trong máu. Albumin có tác dụng giữ nước trong lòng mạch. Khi lượng albumin trong máu đủ thấp, nước sẽ thoát ra mô kẽ và gây ra phù. Phù có thể xảy ra ở các vùng khác nhau của cơ thể và ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Những vùng này gồm mắt, bụng, 2 chi dưới và bìu.

Biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là tình trạng phù: Đầu tiên xuất hiện ở mi mắt, mặt rồi lan đến toàn thân, gây nên tràn dịch màng phổi, màng bụng, và tràn dịch tinh hoàn.

Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo: Tiểu ít, nước tiểu đục có nhiều bọt; tiểu ra máu; tăng huyết áp, tăng cân nhanh; ho, khó thở, đau bụng, sốt,..

Theo Kinh tế Đô thị