- Nhiều sản phụ và gia đình bức xúc vì sự việc điều dưỡng làm rơi 5 trẻ sơ sinh từ độ cao 1 m so với mặt đất trong lúc đẩy xe đưa trẻ đi tắm. Sự việc vẫn chưa kết thúc do các sản phụ đều lo lắng cho nguy cơ về sức khỏe sau này của các bé.

Bàng hoàng và bức xúc

Chưa hết bàng hoàng, sản phụ Hoa cho biết lúc xảy ra sự việc chị đang ở trong nhà vệ sinh và nghe tiếng đổ, tiếng trẻ khóc, tiếng mọi người loạn xạ bên ngoài thì chị vội vã, cố đi ra nhanh dù đang bị đau.

Khi ra ngoài, chị chứng kiến cảnh nhiều cháu bé bị rơi xuống đất và gia đình các cháu đang hoảng loạn bế lên.

{keywords}

Sản phụ tại khoa A3 – nơi xảy ra sự cố làm rơi 5 trẻ sơ sinh

 

Anh Sơn, bố của một trong 5 trẻ sơ sinh bị rơi bức xúc cho biết điều dưỡng làm rơi 5 cháu bé hôm đó có thái độ làm việc “nặng nề” (một số sản phụ cùng phòng còn phản ánh điều dưỡng này còn vùng vằng trong lúc tiếp xúc với cha mẹ, trẻ sơ sinh, tuy nhiên không ai dám có ý kiến).

Theo đánh giá của anh Sơn, những gì bệnh viện ghi trong biên bản làm việc sau đó với các gia đình rất chung chung nên khó lòng thỏa mãn bệnh nhân và gia đình.

Biên bản đó không ghi rõ trẻ rơi ở độ cao bao nhiêu, rơi như thế nào, mức độ ảnh hưởng ra sao, …

Sau khi phần trả lời của ông Nguyễn Duy Ánh – GĐ bệnh viện Phụ sản Hà Nội được báo chí đăng tải, các sản phụ và gia đình vẫn chưa hết bức xúc và lo lắng.

Dù các kết luận hiện tại cho thấy các bé đều “bình thường” nhưng không ai biết được về sau này, những dư chấn đó sẽ để lại hậu quả gì. Vì thế, đến thời điểm này, nhiều sản phụ vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót vì thương con.

Hiện nay, 5 cháu bé này đã được gia đình đưa về nhà và theo thông tin của lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì hiện sức khỏe các cháu chưa có vấn đề gì bất thường.

Ông Nguyễn Duy Ánh cũng đã cam đoan bệnh viện sẽ khám miễn phí cho 5 trẻ này trong vòng 6 tháng tới, vào bất kể lúc nào gia đình yêu cầu mà không cần phải thông qua các thủ tục hành chính phức tạp thông thường.

Siết chặt toàn bộ quy trình

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập tổ công tác xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xem xét, đồng thời yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân và những người liên quan.

{keywords}

Quy trình chuyên môn tại BV Phụ sản Hà Nội được siết chặt sau sự cố này

 

Cụ thể: Sở đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rà soát lại quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện; thay đổi, bổ sung trang thiết bị, xe đẩy, hệ thống đường hành lang, đường nội bộ bệnh viện để tạo điều kiện chăm sóc, phục vụ bà mẹ, trẻ em tốt nhất; tăng cường tập huấn kỹ năng chăm sóc người bệnh và chấn chỉnh phong cách giao tiếp ứng xử của cán bộ nhân viên.

Bệnh viện cũng phải rà soát lại quy trình chăm sóc trẻ, kiểm điểm và rút kinh nghiệm chuyên môn.

Sau khi có báo cáo của Sở Y tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đề nghị ngành y tế Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong bệnh viện và toàn ngành; yêu cầu xử lý nghiêm những sai phạm của từng cá nhân và tập thể (nếu có).

Sự việc trên đã thu hút ý kiến của rất nhiều người trong cộng đồng mạng và một đợt tranh luận, thắc mắc về việc tại sao phải chuyển bé đi nơi khác tắm đã được đưa ra.

Nhiều người từng đi sinh con tại bệnh viện phụ sản Hà Nội hoặc các bệnh viện sản khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cho biết việc tắm cho bé không diễn ra ngay trong phòng mẹ nằm mà thường được mang đến một khu riêng biệt.

“Tắm ngay trong phòng có thể giúp người mẹ được nhìn, học cách tắm khi mang trẻ về nhà, vừa hạn chế được nguy cơ nhầm trẻ (nhất là trong bối cảnh quá nhiều trẻ cùng sinh một ngày), tránh được các sự cố trong quá trình đưa trẻ đi tắm (như việc làm rơi trẻ vừa rồi). Ngoài ra, phòng mẹ nằm cũng ấm cúng, kín gió, tốt cho trẻ, không hiểu sao các bệnh viện không làm”, chị Tuyết, một sản phụ từng sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thắc mắc.

Giải đáp điều này, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết khó có thể thực hiện việc tắm tại phòng trước mặt mẹ, do điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, lại quá tải thường xuyên.

N.Anh