Dự kiến ngày 13/4, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vụ án “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” ra xét xử, giữa bên bị xâm phạm là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nhãn hiệu bị xâm phạm là Bia SaiGon.
Bị cáo bị đưa ra xét xử là ông Lê Đình Trung (SN 1967, trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM – Giám đốc công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam, địa chỉ đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Theo hồ sơ điều tra, lúc 9h ngày 23/6/2020, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với cơ sở sản xuất bia Biva tại ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhìn bề ngoài, sản phẩm "Bia SaiGon VIETNAM" (trái) dễ nhầm tưởng với "Bia SaiGon" của Sabeco |
Tại đây, phát hiện có 4.712 thùng bia mang nhãn hiệu “Bia SaiGon VIETNAM” thành phẩm (1 thùng có 24 lon, 1 lon dung tích 330ml), 116.700 vỏ lon bia loại dung tích 330ml và 3.330 vỏ thùng bia cùng nhãn hiệu, nhưng chưa sử dụng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy các sản phẩm trên có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “BIA SAIGON”, đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Sabeco nên lập biên bản tạm giữ, niêm phong và lập hồ sơ chuyển cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra, công an xác định ông Lê Đình Trung từng làm việc nhiều năm tại Sabeco. Sau khi nghỉ việc, tháng 5/2019, ông Trung thành lập công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (gọi tắt là công ty Bia Sài Gòn Việt Nam) gồm ba cổ đông. Ông Trung góp vốn 70%, bà Trần Thị Ái Loan cùng 1 người khác mỗi người góp vốn 15%.
Quá trình hoạt động, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, công ty này tự thiết kế mẫu mã, kiểu dáng và công bố sản phẩm "Bia SaiGon VIETNAM".
Tháng 4/2020, ông Trung với tư cách đại diện cho công ty Bia Sài Gòn Việt Nam thỏa thuận với chủ cơ sở sản xuất bia Biva để ký hợp đồng sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia SaiGon VIETNAM”.
Hồ sơ điều tra thể hiện, thời điểm bị phát hiện khi đang nhập lô hàng thứ 3 vào ngày 23/6, trước đó công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã nhập 2 lô hàng “Bia SaiGon VIETNAM” từ cơ sở sản xuất bia Biva.
Tổng sản phẩm mà cơ sở sản xuất bia Biva đã sản xuất cho công ty Bia Sài Gòn Việt Nam là 8.912 thùng “Bia SaiGon VIETNAM”. Trong đó, công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã bán ra thị trường 3.300 thùng bia, cho 3 khách hàng thu về số tiền hơn 578 triệu đồng.
5 dấu hiệu xâm phạm đối với nhãn hiệu
Cơ quan điều tra kết luận, mặc dù công ty Bia Sài Gòn Việt Nam chưa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký theo quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Nhưng, ông Lê Đình Trung vẫn nhân danh công ty bia Sài Gòn Việt Nam để tiến hành thỏa thuận các nội dung về việc sản xuất sản phẩm “Bia SaiGon VIETNAM” với quy mô thương mại.
Lô hàng “Bia SaiGon VIETNAM” tại cơ sở sản xuất bia Biva, vào hồi tháng 6/2020. Ảnh: Cục QLTT Bà Rịa – Vũng Tàu |
Theo bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm 5 dấu hiệu đối với nhãn hiệu Bia SaiGon của Sabeco.
Như vậy, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ được các cá nhân của công ty Bia Sài Gòn Việt Nam thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và được sự chấp thuận của pháp nhân, còn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên công ty Bia Sài Gòn Việt Nam phạm vào tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại khoản 4 Điều 226 BLHS.
Đối với ông Lê Đình Trung, là người đại diện pháp luật của công ty Bia Sài Gòn Việt Nam tại thời điểm thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ, là người trực tiếp thực hiện xâm phạm… nên hành vi của Lê Đình Trung đã phạm vào tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại khoản 2 điều 226 BLHS.
Được biết, đây là vụ án xâm phạm sở hữu công nghiệp thứ 2 trong cả nước bị truy tố, đưa ra xét xử. Vụ án đầu tiên xảy ra tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ liên quan giữa hai công ty về nhãn hiệu nhôm.
Quang Hưng
Chưa thể xử vụ Sabeco bị khách hàng khởi kiện đòi bồi thường 1 triệu USD
Do luật sư của phía nguyên đơn có đơn xin hoãn tòa nên phiên xét xử vụ khách hàng đòi bồi thường 1 triệu USD lùi tới ngày 20/4.