Trong dịp Tết dương lịch vừa rồi, những “tấm thiệp” dưới dạng clip video được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Thậm chí, có người gửi thiệp đa phương tiện còn kèm thêm dòng chữ: “Hãy gửi thiệp này đến 30 người bạn thương yêu nhất để được chúc phúc…”
Rất nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra bực mình, nhiều người không dám bấm vào vì sợ… virus và vì những kiểu chúc nhân bản như thế.
Còn nhớ, trên 10 năm trước, chúc Tết qua tin nhắn di động SMS cũng tỏ ra hết sức ưu thế (về không gian và thời gian)… Bấy giờ, người sử dụng điện thoại thông minh - giới bình dân cũng như người giàu có - thích chọn lựa phương thức nhắn tin chúc Tết hơn gọi điện trong rất nhiều trường hợp. Lý do: đỡ tốn tiền và đỡ phiền người nhận vì tin nhắn không nhất thiết phải đợi “đầu kia” đang mở máy hoặc không buộc “đầu kia” phải trả lời đồng thời như điện thoại mới hoàn thành nhiệm vụ thông tin của nó.
.jpg?width=0&s=e1ZCeXnCVBO65HYu2IZNwg)
Những lời chúc thời SMS. Ảnh minh họa
Chúc Tết qua tin nhắn lúc mới ra đời thật thú vị, tiện lợi… và nhà cung cấp dịch vụ cũng nhanh chóng nhận thấy có khả năng khai thác doanh thu cao nên đã vào cuộc bằng cách “chế” ra nhiều câu chúc hay, độc đáo để khách hàng cứ thế mà… chuyển tiếp! Trong một cái tết mà cứ nhận nhiều tin nhắn trùng nhau như thế cũng ngán, nhiều người chỉ liếc sơ là xóa, không đọc.
Khi các dịch vụ OTT và mạng xã hội phát triển, chức năng nhắn tin miễn phí của các dịch vụ Viber, Facebook, Zalo… tích hợp cực kỳ phong phú các phương tiện, việc chúc Tết bằng “thiệp điện tử” phát sinh mạnh.
Không chỉ có Tết Nguyên đán, các ngày khác như Giáng Sinh, chúc Tết dương dịch, ngày Nhà giáo, Ngày phụ nữ, Ngày Nhà báo v.v… cũng đều có thiệp điện tử để cư dân mạng chia sẻ hết sức phong phú!
Điều đáng buồn là những tấm thiệp đa phương tiện ấy đến với người được chúc chỉ bằng một cú click chuột rất vô tư, vô tâm. Tôi đã nhiều lần phải bấm “like” như một sự xác nhận rằng đã xem được tấm thiệp của họ, chứ không phải vì thích.

Mạng xã hội cũng như các phương tiện liên lạc hiện đại đang làm chúng ta gần nhau hơn, nhưng cũng chính công nghệ làm con người xa nhau hơn... Ảnh minh họa
Không ai có thể thích, có thể xúc động khi nhận những lời chúc chung chung, dành cho mọi người kiểu như: “chúc bao điều thuận lợi, chúc mọi người sống lâu, chúc cả nhà sang giàu, chúc anh em mạnh khỏe…” hoặc có phần bỡn cợt: “ăn nhậu lai rai, tiền vô như nước, muốn gì cũng được, thịnh vượng bình an, chúc mừng năm mới!”. Thậm chí, những lời chúc có phần khiếm nhã vì gửi không đúng đối tượng, kiểu như một lời chúc tết thế này: “Thay mặt những gia đình nghèo, nạn nhân của các cơn bão năm qua trên đất nước ta, xin chúc quý vị ăn Tết thật xa hoa, lãng phí”.
Công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội không có lỗi. Cơ chế tag (gắn thẻ) nhiều người hoặc gửi thông điệp đến nhiều người rất có ích trong truyền thông, học tập, nghiên cứu nhưng đừng lạm dụng nó để gửi thiệp chúc mừng với loại thiệp “phong trào”!
Những dòng văn bản chúc nhau trên tấm thiệp điện tử trong một sự kiện nào đó vẫn có thể làm xúc động người nhận khi nó thực sự mang cả tấm lòng của người gửi, người chúc. Chỉ có những lời chúc chân thành mới đem lại hạnh phúc thực sự cho người được chúc. Và chỉ có sự quan tâm đến nhau thực sự thì chúc Tết hay chúc nhau các dịp lễ qua tin nhắn, qua mạng xã hội (vì không có cơ hội đến với nhau) mới thật sự là sự kết hợp tuyệt vời giữa một truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa với công nghệ hiện đại.

Chúc nhau qua không gian số cũng cần có văn hóa. Ảnh minh họa
Tin nhắn SMS, MMS hay các hình thức thiệp điện tử qua email, mạng xã hội nói riêng và các phương tiện liên lạc hiện đại đang làm chúng ta gần nhau hơn, có cơ hội nghĩ về nhau tốt hơn. Nhưng… công nghệ cũng làm người ta xa nhau hơn nếu bản thân lời chúc ấy không chứa sức nặng của tình, của nghĩa, của tấm lòng…
Trong cuộc sống hiện đại, sự phát triển công nghệ đã tác động sâu sắc, tinh tế đến quá trình phát triển văn hóa. Và, thao tác chúc nhau qua không gian số, một việc làm tưởng như bình thường nhưng ẩn chứa trong nó sự kết nối truyền thống - hiện đại cần được khai thác đúng đắn và có văn hóa…