CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (LDP) chính thức thông báo về việc tiến hành đóng gói trái phiếu LDPH2223001 và thực hiện nghĩa vụ với cơ quan chức năng và nhà đầu tư theo quy định của pháp luật trước ngày 15/7.
Theo văn bản, ngày 18/4, Ladophar đã phát hành gói trái phiếu LDPH2223001. Nguồn vốn thu được từ đợt trái phiếu, Ladophar đã tiến hành kinh doanh và đầu tư theo đúng mục đích sử dụng vốn đã đăng ký trong bản công bố thông tin về chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, đến ngày 20/4, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty bị bắt giam, khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán”. Sự cố của ông Nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Vì thế, HĐQT Ladophar nhận thấy việc tiếp tục phát hành gói trái phiếu không còn phù hợp với tình hình thực tế thị trường hiện nay.
Gói trái phiếu LDPH2223001 là loại trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có lãi suất cố định với tổng giá trị tối đa 300 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu gồm các bất động sản tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và 3 triệu cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) đồng sở hữu của các cổ đông công ty.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 14/7, thị giá cổ phiếu LDP đạt 16.400 đồng/cp, giảm 68% so với mức đỉnh đạt được là 51.100 đồng/cp.
Hai doanh nghiệp, Dược Lâm Đồng và Chứng khoán APG (APG) có liên quan tới “hệ sinh thái Louis Holdings”. Dược Lâm Đồng hiện có cổ đông lớn là Louis Holdings và Louis Capital, nắm tổng cộng trên 20%. Ông Đỗ Thành Nhân là chủ tịch Ladophar. Trong khi đó, Chứng khoán APG từng có cổ đông lớn là TGG (thành viên trong hệ sinh thái Louis Holdings)
Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định, trong thời gian từ 4/1/2021 đến 6/10/2021, Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings, thành viên HĐQT CTCP Louis Capital, CTCP phần Louis Land thông đồng với Đỗ Đức Nam, TGĐ CTCP Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của CTCP Louis Capital (TGG), Louis Land (BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã quen với những câu chuyện cổ phiếu tăng trần hàng chục phiên rồi giảm sàn gắn cùng với cái tên “dòng Louis”.
Hồi cuối tháng 3, sau rất nhiều những đồn đoán, cáo buộc về nhóm cổ phiếu “dòng Louis” gồm nhiều mã trong lĩnh vực bất động sản như Louis Land (BII), tài chính như Louis Capital (TGG), Chứng khoán APG, về gạo như Angimex (AGM), về dược như Dược Lâm Đồng hay Sametel (SMT)… ông trùm Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân đã bị xử phạt.
Thị trường tăng điểm
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng cơ hội mở rộng nhịp hồi phục của thị trường phiên tới được mở ra khi phiên 15/7, áp lực bán suy yếu cùng với lực mua chủ động gia tăng về cuối phiên. Điều này giúp chỉ số một lần nữa hướng lên vùng kháng cự đáng lưu ý quanh 1.190 điểm.
VN-Index vẫn đang trong quá trình tích lũy ở vùng giá hấp dẫn. Nhà đầu tư có thể tham gia các vị thế ngắn hạn trên các nhóm cổ phiếu thị trường, đồng thời cũng có nhiều cơ hội mua giá hấp dẫn cho danh mục dài hạn. Ngoài ra, kỳ vọng thị trường khởi sắc hơn với tin tức về kế hoạch rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán từ T+3.
Nếu lực mua tại nhóm VN30 được cải thiện để giúp VN-Index duy trì đà tăng đến cuối ngày, đóng cửa trên 1.185 điểm, chỉ số có thể sẽ phát tín hiệu tăng lên vùng kháng cự quanh 1.220 điểm, nơi hội tụ của đường MA50 ngày và mốc đỉnh gần nhất. Ngược lại, nếu lực bán từ kháng cự MA20 ngày chiếm ưu thế so với lực mua, VN-Index có thể sẽ thoái lui để kiểm định lại đường MA10 ngày tại vùng 1.175 điểm vừa vượt qua.
Theo Công ty Chứng khoán Asean (AseanSC), nhìn nhận tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại. Vì vậy, thị trường sẽ có quán tính tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện trong phiên giao dịch tới. Theo đó, VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.185-1.190 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.195-1.200 điểm.