Tin doanh nghiệp niêm yết
* EIB: Ngày 13/2, giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp, đưa thị giá về vùng thấp nhất từ đầu năm, ở mức 21.350 đồng/cp.
Phiên 13/2, EIB ghi nhận hơn 25,2 triệu cổ phiếu được giao dịch, trong đó hơn 19,6 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị gần 442 tỷ đồng, tương đương 22.529 đồng/cp.
* L35: Công ty Cổ phần (CTCP) Cơ khí lắp máy Lilama nhận được cảnh báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về nguy cơ hủy niêm yết, sau kết quả thua lỗ triền miên. Theo đó, L35 lỗ sau thuế năm 2022 hơn 8,7 tỷ đồng.
* MAC: Ông Nguyễn Văn Trúc, Ủy viên HĐQT CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải, thông báo đã bán toàn bộ 1,215 triệu cổ phiếu MAC trong phiên ngày 2/2, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,03% xuống còn 0%.
* HHV: CTCP Đầu tư Hải Thạch (BOT) - cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) - đã bán ra gần 41,8 triệu HHV trong thời gian từ ngày 16/1-8/2/2023.
* CDP: CTCP Dược phẩm Bến Tre đăng ký bán hơn 4,2 triệu cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP) trong thời gian từ 08/2-9/3/2023. Nếu giao dịch này thành công, Dược phẩm Bến Tre sẽ thoái sạch số cổ phần đang nắm giữ tại CDP, tương đương 23,21% vốn điều lệ.
* TDP: Ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch HĐQT CTCP Thuận Đức (TDP) - đã đăng ký bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu TDP từ ngày 16/02-17/03/2023. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Cường tại công ty này sẽ giảm từ 36,06% xuống còn 32,91%.
* KDC: Tập đoàn Kido thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đặc biệt 50% (1 cp được nhận 5.000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/03/2023 và các cổ đông Kido sẽ nhận được cổ tức vào ngày 6/04/2023.
* HMR: CTCP Đá Hoàng Mai vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 và tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền. Theo đó, ngày 02/03 tới, HMR sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023 và nhận cổ tức năm 2021.
Theo HMR, doanh nghiệp sẽ tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 11,4%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.140 đồng.
Diễn biến thị trường
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới bằng phiên giao dịch đầy biến động. Lực bán dâng cao tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ, có thời điểm giảm mạnh đến 23 điểm. Tuy nhiên, cầu nhanh bắt đáy nhập cuộc vào cuối phiên, đặc biệt trong lệnh ATC đã giúp thu hẹp đà giảm đáng kể.
Kết phiên giao dịch ngày 13/2, VN-Index giảm 1,1%, xuống mức 1.043,7 điểm; HNX-Index giảm 1,92%, dừng chân ở mức 204,49 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, dư bán giá sàn lên đến hàng triệu đơn vị như HPX, PDR, NBB, DXG, CRE,.. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu trụ cột như VHM, VIC, NVL… giảm sâu cũng kéo lùi điểm số của thị trường.
Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 604 triệu đơn vị, tăng 48,8% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng 67,36%, đạt gần 82 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 82 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 16 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán KBSV, vùng hỗ trợ gần quanh 1.040 điểm đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số tránh được một nhịp giảm sâu trong phiên. Tuy nhiên, với xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index đang đứng trước rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ sâu hơn.
Cổ phiếu trụ cột
VN30-Index kết phiên 13/2 giảm 11,6 điểm xuống 1.043,7 điểm. Rổ VN30 có 21 mã giảm, 8 mã tăng và 1 mã đứng giá. Trong đó, NVL và PDR cùng giảm hết biên độ. Theo sau là các cổ phiếu GVR, VIB, VPB.
Ở chiều ngược lại, STB, MSN, BID là những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất rổ.
Về mức độ ảnh hưởng, mã VCB, VHM, VPB và GVR là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong khi đó, BID, MSN, STB và SAB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất. Tính riêng BID đã góp gần 2 điểm tăng cho chỉ số này.
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động đến TTCK
* Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra hôm nay (14/2), song đã tạm hoãn. Lịch họp này dự kiến sẽ chuyển sang thứ Sáu, ngày 17/2.
* Sau công bố của một số ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất huy động trong cuộc họp về tín dụng cho thị trường bất động sản tại Ngân hàng Nhà nước diễn ra tuần trước, đầu tuần này, một số ngân hàng thương mại bắt đầu có động thái giảm lãi suất huy động. Như Agribank và Vietcombank bắt đầu giảm ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đối với tiết kiệm online.
* Trong tuần qua, đồng bạc xanh tiếp đà tăng với mức 0,64%, đạt mốc 103,58 điểm. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện đứng ở mức 103,77 điểm.
USD mở đầu tuần với sắc xanh trong bối cảnh thị trường hy vọng Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất cơ bản cao hơn và chờ đợi chỉ số CPI vào 13/2/2023 (theo giờ Mỹ).
* Theo Oilprice, giá dầu ngày 13/2 tăng mạnh trong đó dầu WTI của Mỹ tăng 2,13% lên 79,72 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,24% lên 86,39 USD/thùng. Động thái bất ngờ này là sự trả đũa đối với lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển của châu Âu đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, gây ra một làn sóng biến động trên thị trường dầu mỏ.
* Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nếu thị trường việc làm vẫn "nóng". Lập trường trên được ông Jerome Powell đưa ra trong sự kiện mới đây ở Washington. Ông nhấn mạnh lãi suất cho vay có thể cán mốc cao hơn dự đoán của các nhà giao dịch và các nhà hoạch định chính sách.