"Thực tế là các chương trình hài, gameshow… trên truyền hình cũng ngày một nhiều lên tới mức bão hòa", đạo diễn Phạm Đông Hồng.
Là người đã có tới 22 năm làm đạo diễn những phim hài tết (khởi đầu là tác phẩm Râu Quặp), hài Tết đang bị chê đi vào lối mòn và kém duyên, vậy năm nay 2017 hài tết có gì khác với mọi năm?- Khác chứ. Chưa năm nào tôi làm hài Tết nhiều như năm nay, tới 3 phim: Enter, Bờm và Chôn nhời 4.
Có lẽ lâu lắm rồi tôi không làm đề tài hiện đại. Enter nhắm tới đối tượng trẻ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi môi trưởng ảo.
Với hài hiện đại này, tôi mời khá nhiều diễn viên 2 miền Nam - Bắc như: Tường Vi, NSƯT Công Lý, NSƯT Chí Trung, NSND Tiến Đạt, Hiệp gà, Lê Thị Dần, Khanh Chi Lâm…
Trong khi đó, Bờm và Chôn nhời vẫn là hài dân gian - đề tài mà tôi theo đuổi nhiều năm qua.
Chôn nhời năm nay là năm thứ 4 làm Chôn nhời với fomat cũ nhưng nội dung mới và con người mới: Các sự kiện được báo chí quan tâm trong năm 2016 được chắt lọc rồi hài hước hóa trong phim, khi xem mọi người sẽ thấy những vấn đề xã hội như: Làm việc tốt như dọn rác tại sao cũng phải xin phép, xây chuồng gà cũng phải xin phép, Chọn cá hay chọn sắt?...
Đạo diễn Phạm Đông Hồng |
Nhưng tôi được biết, Chôn nhời nhiều năm qua đã có mặt NSƯT Phạm Bằng, với fomat cũ, ông làm thế nào để lấp được chỗ trống một cách hợp ký nhất khi NSƯT Phạm Bằng đã là người thiên cổ?
- Đây là một điều đáng tiếc với chúng tôi và Chôn nhời. Tiếc rằng ở Chôn nhời 4 chúng tôi thiếu vắng đi một diễn viên được đông đảo công chúng yêu mến, đó là NSƯT Phạm Bằng. Nhưng chúng tôi sẽ cho NSƯT Phạm Bằng vào một vị trí mới và thay vào đó là Tân Tri Phủ do NSƯT Đức Khuê đóng.
Tôi có thấy ông mời các nghệ sĩ hài: Nam - Bắc kết hợp trong các tiểu phẩm hai của ông. Ông làm thế nào để kết hợp nghệ sĩ 2 miền vào tiểu phẩm hài khi mà vẫn có phân biệt rằng, nghệ sĩ hài miền Nam thường diễn ngẫu hứng, nghệ sĩ miền Bắc thì chăm chăm kịch bản?
- Việc mời nghệ sĩ hài hai miền tham gia diễn xuất trong phim của tôi là việc làm tôi đã làm từ lâu chứ không phải năm nay mới làm, trong nhiều năm trước ở tiểu phẩm: “Ăn vạ”, “Một ngày ở trần gian” và “ Trẻ con không ăn thịt chó”… tôi đã mời nghệ sĩ Hoài Linh, Hồng Vân… tham gia cùng các nghệ sĩ hài miền Bắc trong cùng một chương trình hài Tết.
Hiện nay, hài của chúng ta đang mang yếu tố vùng miền, bởi một lẽ phong tục tập quán khác nhau. Lý do nhiều năm tôi mời cả nghệ sĩ hài miền tham gia phim hài của tôi cũng chỉ có một nguyện vọng làm sao dung hòa được người xem của cả hai miền Bắc và Nam.
Năm nào cũng vậy, Tết đến xuân về là đĩa hài nở rộ. Doanh thu lớn từ các đĩa hài có phải là động lực để ông và ekip sản xuất nhiều hài Tết cho năm 2017 đến thế? Cái khó của làm hài là gì thưa ông?
- Chính khán giả là những người làm tôi có động lực mỗi khi nghĩ đến làm hài Tết. Nhiều năm nay tôi nhận được những lời động viên, khen ngợi của khán giả trong và ngoài nước. Có những người viết thư, nhắn tin trên mạng xã hội rằng: "Nhìn thấy chú (anh) là thấy Tết rồi". Hoặc "Tết nào nhà cháu (em) ngoài bánh chưng, đào, quất… cũng đều muốn có một cái đĩa hài của bác (anh) trong nhà". Chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm tôi bao nhiêu năm nay vẫn say sưa với những dự án hài Tết.
Còn cái khó ư? Đó là phải vượt qua chính bản thân mình, sao cho năm nay phải làm hay hơn, mới hơn năm trước và điều đó làm tôi trăn trở hàng đêm mỗi khi có dự định làm hài Tết. Một cái khó nữa là luôn phải cân bằng giữa 2 con người trong tôi: đạo diễn (vì nghệ thuật) và Nhà sản xuất (vì tiền). Sự đấu tranh trong con người tôi luôn dai dẳng và cuối cùng thì con người đạo diễn luôn thắng.
Có cầu ắt có cung, nhu cầu giải trí mỗi dịp Tết đến của khán giả là có thật. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng cung trong thị trường hài Tết?
- Những năm gần đây nhiều cá nhân cũng như tổ chức làm hài Tết, dường như cái “chợ” dần đông lên đó là theo quy luật của thị trường có cung ắt có cầu. Xong một vấn đề thực tế là các chương trình hài, gameshow… trên truyền hình cũng ngày một nhiều lên tới mức bão hòa. Người xem cũng có quyền xem chương trình này, không xem chương trình khác và đặc biệt trong dịp nghỉ Tết nguyên đán người Việt ta thường quây quần bên gia đình, họ hàng và không gì bằng những tiếng cười trong những ngày đó.
Hơn bao giờ hết, ngày nay công chúng là những người thông thái nhất, người ta có thể chọn những sản phẩm nào phù hợp với thị hiếu, hoàn cảnh của họ để xem trong dịp tết và tôi hy vọng những hài dân gian mà tôi làm sẽ đem lại tiếng cười tới từng gia đình người dân Việt Nam trong nước và ở nước ngoài.
Lằn ranh để khán giả biết đâu là hài nhảm, là hài chất lượng cũng rất mong manh, biết lắng nghe và khi làm bất cứ việc gì đều phải trăn trở, phải yêu cái nghề mình đã chọn tôi nghĩ, sẽ thành công và thị trường hài ngày càng chất lượng.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ!
T.Lê