- Hàng
ngàn ha đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được nhiều thương gia Trung Quốc
thông qua người dân địa phương thuê đứt trong nhiều năm để đầu tư trồng khoai
lang. Tuy nhiên...
Chóng mặt vì khoai
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở xã Thuận An (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có khoảng 130 ha trồng khoai lang nhưng chỉ do vài người đứng ra thuê đất của dân rồi thuê mướn nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch…
Vào mùa thu hoạch, cánh đồng khoai lang ở ấp Thuận Tiến C rộng gần 50 ha do bà
Đ. ngụ ở địa phương đứng ra thuê đất, thuê nhân công. Đến mùa thu hoạch, bà thuê
tới gần 200 nhân công ở địa phương.
Nhiều địa phương ở Vĩnh Long đang bỏ lúa trồng khoai cho người Trung Quốc
Bà Đ. cho biết: “Thấy vùng đất này trồng khoai được nên tui thuê đất với diện tích lớn để trồng kiếm lời!”. Tuy nhiên, hầu hết nông dân tại địa phương cho hay, bà Đ. có sự “hậu thuẫn” của một đại gia Trung Quốc.
Cũng như bà Đ., một “đại gia” tên Năm ở thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh đến ấp Thuận Phú B cũng thuê hơn 10 ha đất để trồng khoai lang.
Anh Tân (23 tuổi) – con ông Năm được giao nhiệm vụ quản lý ruộng khoai cho biết: “Đầu ra khoai lang ổn định nên gia đình tui mạnh dạn đầu tư diện tích lớn để trồng khoai lang tím Nhật. Năm rồi đã thuê 6 ha có lời nhiều nên năm nay tiếp tục thuê thêm hơn 10 ha nữa...".
Theo Tân, anh chỉ lo về kỹ thuật, thuê mướn, trả lương nhân công, còn chuyện đầu ra thì ông Năm lo. Anh Tân khẳng định, gia đình mình tự đầu tư trồng để bán sang Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương ở ấp Thuận Phú B cho biết: Nếu trồng lúa thì hiệu quả không cao, vả lại xung quanh nông dân khác đều cho thuê trồng khoai hết thì một mình gia đình tui không thể trồng lúa được vì không có nước tưới, sợ chuột tấn công lúa…
Do vậy, bà Phương cũng đã cho thuê hết cả thửa ruộng.
Bắt đầu bị ép giá?
Có mặt tại các huyện ở Vĩnh Long, chúng tôi ghi nhận, hầu hết thương gia Trung Quốc đều “núp bóng” người bản xứ trong việc giao dịch, thuê đất của nông dân để đầu tư trồng khoai lang đem về nước và xuất sang nước thứ ba.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tập – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Tân thừa nhận: “Diện tích trồng khoai lang ở địa phương đang tăng lên rất nhanh. Do giá khoai lang tang cao hơn năm ngoái nên người nông dân tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng khoai".
Cũng theo ông Tập, hiện nay ngoài địa bàn huyện Bình Tân, huyện Bình Minh cũng đã trở thành vùng chuyên canh trồng khoai lang.
Trung bình 1 ha khoai lang tại địa phương đem lại lợi nhuận từ 130 đến 150 triệu đồng. Đáng chú ý là nhiều địa phương trước đây hầu như không trồng khoai lang thì nay cũng có diện tích trồng khoai lên đến hàng trăm ha.
Ông Võ Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An, huyện Bình Minh cho biết: “Phong trào trồng khoai lang chỉ mới bắt đầu xuất hiện vào năm 2009. Nhưng từ khi thương gia Trung Quốc mở rộng việc thuê đất, bao tiêu chi phí canh tác thì diện tích trồng khoai lang đã lên đến 130 ha”.
Bà Phan Thị Bé – Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh cũng thừa nhận: “Trước đây, diện tích trồng khoai lang ở địa phương rất ít. Khi có nhiều người đến thuê đất trồng khoai thì diện tích tăng lên rất nhanh. Hiện tại đã có gần 200 ha chuyên trồng khoai lang”.
Dọc tuyến đường bê tông từ ấp Thuận Tiến C đến ấp Thuận Phú B, Thuận Phú C hàng chục ruộng khoai lớn xuất hiện và thay thế những ruộng lúa mùa trước.
Ông Ba Chô ở ấp Thuận Phú B tâm sự: “Cả cánh đồng khoảng 10 ha sau nhà tui mới mấy tháng trước toàn là lúa bây giờ được thay thế bằng khoai lang hết”.
Cũng theo ông Võ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An, việc thống kê và quản lý đang trở nên rất khó khăn vì hầu hết đều do người địa phương đứng ra hợp đồng thuê đất của nông dân để trồng khoai. Trong khi đó nông dân lại không thông qua chính quyền địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nông dân trồng khoai ở huyện Bình Tân, Bình Minh đang lo ngại rằng, người Trung Quốc sẽ thao túng cả vùng nguyên liệu khoai lang vì do gần đây đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ép giá sau khi thu hoạch.
Minh Dũng
(còn nữa)