Jessie, 17 tuổi, có nguy cơ bị buộc phải lấy một người anh họ 40 tuổi ở
Bangladesh. Cô đã xin Lãnh sự quán Anh ở Dhaka giúp đỡ và các nhà chức trách
lập tức vào cuộc.
TIN BÀI KHÁC:
Nghị lực phi thường của cô gái lùn nhất thế giới
Kinh hoàng thủy thần nuốt chửng nhà hàng nổi
Jessie chỉ là một trong ước tính hàng chục nghìn cô gái Anh đứng trước nguy cơ
bị ép gả.
Alan Morrison, lãnh sự Anh ở Bangladesh, cho biết, mỗi tuần nhóm của
ông đều gặp một cô gái như Jessie: sinh ra ở Anh nhưng sống ở vùng nông thôn
Bangladesh và phải lấy một người đàn ông già hơn mình rất nhiều.
Jessie đã gọi được cho viên lãnh sự khi cha cô đang làm lễ cầu nguyện buổi tối.
"Cô ấy bảo mình không muốn cưới nhưng không có xu nào và không được phép giữ hộ
chiếu của chính mình", ông Morrison nói.
Jessie được hứa gả cho người anh họ từ khi mới 11 tuổi. Cô sẽ 18 tuổi vào tháng
10, vì vậy viên lãnh sự quyết định hành động ngay lập tức.
"Ngày sinh của cô ấy rất quan trọng, bởi vì bình thường, chúng tôi thấy rằng một
cô gái sẽ phải lấy chồng vào sinh nhật của mình, vì vậy chúng tôi cần gặp cô ấy
trước ngày đó", ông giải thích.
Khi tòa đại sứ nhận được một cuộc gọi về một công dân Anh đang bị ép gả, họ
thường chỉ có vài giờ trước khi cô gái đó bị đưa đi hoặc bị gả chồng. Cuối cùng,
họ xác định được Jessie đang ở Sylhet, một ngày lái xe từ thủ đô Dhaka. Đây là
nơi phần lớn người Bangladesh gốc Anh nhập cư sang Anh, và là nơi hầu hết các
cuộc hôn nhân cưỡng ép diễn ra ở đất nước này.
Alan và một nữ nhân viên lãnh sự quán, người giữ vai trò phiên dịch, lái xe
thẳng tới đó. Họ cũng mang theo một bảo vệ có vũ trang, vì các gia đình thường
dùng bạo lực để ngăn chặn một cuộc giải cứu.
Nguy hiểm
Yếu tố bất ngờ là cốt yếu đối với một cuộc giải cứu; đến nhà của gia đình là lúc
nguy hiểm nhất vì họ không biết có bao nhiêu thành viên nam sẽ ở đó để phản
kháng. Nhưng may mắn đã đến với cả nhóm - cha và các chú của Jessie đi vắng.
Các thành viên nữ trong nhà chỉ quan sát mà
không nói gì, cả nhóm đi quanh sân và tìm kiếm nhiều căn nhà khác nhau cho đến
khi họ gặp được Jessie và mẹ cô. Họ phát hiện Jessie đã trải qua một thời gian
dài ở nông thôn Bangladesh đến nỗi tiếng Anh của cô gần như mai một hết.
Thông qua người phiên dịch, ông Morrison chắc chắn cô hiểu rõ hậu quả của việc
rời đi. Không được chồng đồng ý, mẹ của Jessie vẫn trao nộp hộ chiếu của cô.
"Nếu các ông muốn đưa nó đi, tôi không phản đối - nhưng tôi phải nói chuyện với
bố nó đã", người mẹ nói.
Sau khoảng 20 phút ở đây, cả nhóm đã có thể rời khu nhà của gia đình cùng với
Jessie và hộ chiếu của cô. Ngồi trong chiếc xe của Lãnh sự quán Anh, Jessie nắm
tay nữ nhân viên và mỉm cười.
"Cô ấy bớt căng thẳng. Được trở lại Anh là một giấc mơ đối với cô ấy", người
phiên dịch nói lại với Alan. "Tôi rất, rất vui", Jessie nói bằng tiếng Anh.
Trên đường trở về, Alan biết thêm về câu chuyện của Jessie: "Cô ấy bảo với chúng
tôi rằng cô ấy gần như không rời khỏi căn nhà, cô ấy chỉ tới Dhaka hai lần và
tới Anh hai lần - một lần một tháng và lần sau đó 10 tháng. "Cô ấy không được
học hành. Trong vài tháng qua, khi cô ấy cãi nhau với bố, không ai buồn nói
chuyện với cô ấy nữa".
Jessie được đưa tới nơi ở của một phụ nữ, người duy nhất ở Bangladesh giúp đỡ
các nạn nhân của hôn nhân ép gả, để ngủ một mình đêm đầu tiên trong đời. Theo
các quan chức sứ quán Anh, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất, vì Jessie phải
đợi 4 ngày mới có chuyến bay tới Anh, nên cô có thời gian nghĩ về những gì mình
đã làm.
"Không từ bỏ"
Nhà vận động nữ quyền, Masouda Khatun Shefali, người điều hành trung tâm giúp đỡ
nói trên, đã động viên Jessie phải giữ vững tinh thần. "Hãy nhớ họ dùng tình yêu
để bẫy cháu", bà cảnh báo Jessie. "Giờ việc của cháu là về Anh, hãy gạt bỏ mọi
thứ trên đường. Cháu phải mạnh mẽ lên, sẽ rất vất vả nhưng cháu sẽ có những
người bạn mới".
Jessie cũng bày tỏ quyết tâm của mình. "Cháu có thể đau đớn nhưng cháu không từ
bỏ. Cháu rất vững vàng và không thay đổi ý định. Thậm chí nếu có cảm thấy sắp
chết cháu cũng không từ bỏ".
Jessie là út trong số 7 người con trong nhà nhưng
là đứa con duy nhất sống ở Bangladesh. Các anh trai và chị gái đều sống ở Anh,
nhưng cô nghĩ họ sẽ không chào đón mình vì họ cảm thấy cô làm cả nhà xấu hổ khi
không cưới người anh họ.
Một năm sau, Jessie đã có căn hộ nhỏ của riêng mình ở London và sắp vào đại học.
"Cháu phải học hỏi rất nhiều điều vì cháu không có ai hỗ trợ, kể cả gia đình",
cô tâm sự.
Thanh Hảo (Theo BBC)