– Thiếu nước dùng nghiêm trọng, các giáo viên tại các điểm trường thuộc xã Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) đang phải chật vật sống trong cảnh “cầu mưa” để có nước sinh hoạt.
Đến huyện Đồng Văn những ngày này, ai cũng được nghe nhắc đến xã Hố Quáng Phìn với những khó khăn, thiếu thốn.... Song song với điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn - Hố Quáng Phìn còn "đối mặt" với chất lượng giáo dục thấp.
20 lít nước dùng trong 1 tuần
Thời gian này là đỉnh điểm của việc thiếu nước sinh hoạt của nhân dân và các thầy cô tại Trường Tiểu học Hố Quáng Phìn. Nhiều thầy cô vẫn hay nói đùa với nhau khi được chuyển công tác đến Hố Quáng Phìn là… “đi xuống Hố” (Hố là tên gọi tắt quen thuộc của nhân dân địa phương nơi đây khi nhắc đến xã Hố Quáng Phìn).
Tận mắt chứng kiến, cùng các thầy cô vượt qua những cung đường đá sỏi gập ghềnh, vực sâu thẳm thì mới thấu hiểu được nỗi vất vả. Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, cô và trò nơi đây còn đang sống trong cảnh thiếu nước sạch để dùng.
Thầy Phạm Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hố Quáng Phìn chia sẻ: “Từ sau tết nỗi lo thiếu nước đã thường trực, tôi và các giáo viên tại đây đã phải đi lấy nước với quãng đường 5-6 km cho vào bể dự trữ từ cách đây hơn một tháng rồi. Mọi thứ sinh hoạt đều phải luôn căn ke, tiết kiệm không dám lãng phí một giọt nước nào”.
Vì thiếu nước nên cô Nguyễn Thu Quỳnh phải rửa tay cho các em chung một chậu nước bé |
Cô Trần Thị Duyên, giáo viên mầm non tại điểm trường Tả Phìn cho biết: “Ở đây thiếu nước trầm trọng nên khi rửa rau xong tôi dùng nước rửa rau để rửa bát đũa sau bữa ăn. Với 20 lít nước tôi phải sử dụng nó trong vòng một tuần trời…”.
Cũng theo cô Duyên, cứ mỗi lần giặt đồ là các thầy cô phải tích trữ quần áo lại rồi cuối tuần mang lên hồ treo để giặt. Nhiều khi mưa gió hay trời nhiều sương mù các thầy cô còn không có quần áo sạch để mặc nên lên lớp cũng thiếu tự tin.
Vét mương dẫn nước mưa về bể
Thầy Việt, giáo viên tại điểm trường Tả Phìn, Hố Quáng Phìn cho biết: “Phần lớn nước sinh hoạt ở đây đều chỉ cậy vào trời mưa. Có những hôm thiếu nước quá tôi nghĩ ra cách dùng cuốc xẻng rẽ một mương nước ngang đường rồi dẫn vào một hố tự đào, nước mưa sẽ theo dòng mương ấy dẫn xuống hố rồi chúng tôi lấy chỗ nước ấy để sinh hoạt. Ở đây khi thiếu nước thì cũng phải tự nghĩ cách để mà sống chung với nó chứ biết làm thế nào được”
Hố nước đầy váng xanh được tích trữ nước mưa dẫn vào từ những rảnh mương |
Theo chân thầy Việt để đến với những chiếc hố chứa nước mưa ấy thì quả thực một cảnh tượng hiện ra trước mắt đến khó tin. Hố nước mà các thầy cô tại đây dùng để sinh hoạt phủ trên mặt nước một lớp màng màu xanh lá cây, xung quanh là những chất thải của trâu bò đi ngang qua…
Cô Huệ, giáo viên tiểu học tại đây cho biết thêm: “Ở đây nhìn đâu cũng toàn là đá thôi, chẳng tìm ra giọt nước nào dưới lòng đất cả. Cứ mưa xuống là tôi cùng các thầy bắc một tấm tôn từ mái nhà dẫn xuống bể nước để lấy đó làm nước sinh hoạt.”
Nước mưa được dẫn từ mái nhà xuống bể chứa |
"Chuyện thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà nguy cơ mắc bệnh ngoài ra là khó tránh" - lời cô Huệ.
Do đó, với hơn 12 năm công tác tại đây, thầy Phạm Đức Sơn chia sẻ: “Ở đây điều khiến các thầy cô cảm thấy buồn không phải vì sống ở nơi heo hút mà là thiếu nước trầm trọng quá, thêm vào đó điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế…”
“Có những lúc chỉ muốn về với chồng và các con, để được tắm giặt thoải mái, được dùng nước sạch chứ ở đây giảng dạy và sống trong cảnh lo lắng khiến tôi không yên tâm phút giây nào” - cô Trần Thị Duyên mơ ước.
- Đoàn Bổng