“Tôi không phải ăn xin, tôi không nhận đâu. Các cô đã làm gì ra tiền mà cho” – Hoàn, sinh viên năm II, Học viện Ngoại giao nhắc lại lời của ông Nguyễn Văn Khương khi mua cho ông một chút bánh mì.

Ông Khương, năm nay đã ngoài 70 tuổi, người gốc Vĩnh Phúc. Ông sống không gia đình, không nhà cửa, ngày ngày lang thang khắp phố phường, nhặt nhạnh đồ rơi vãi ở các quán ăn. Những người dân ở phố Chùa Láng đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già đeo túi to, túi nhỏ bên mình. Cứ sáng sáng ông đi, tối lại về “căn nhà” quen thuộc.

 

Ông Nguyễn Văn Khương.

 

“Tôi sống thế này được 30 năm rồi, làm gì có nhà mà về nên sống ở đây thôi” – Ông Khương ngậm ngùi nói. Ông Khương đã già, tóc ông bạc trắng, lẽ ra đây là lúc ông được nghỉ ngơi và được con cháu chăm sóc, nhưng suốt gần 30 năm qua, ông đã lang thang với đủ các nghề.

Khi nói về gia đình, đôi mắt ông hơi trĩu xuống cùng với tiếng thở dài: “Nhà tôi có bảy anh chị em, ông cả đang sống ở Hoa Kỳ, nhiều lần ông anh có về nước và đi tìm tôi nhưng không được. Các anh em còn lại sống ở trong nội thành, có cô út sống ở Yên Phụ, họ đều thành đạt cả, con cháu ai cũng giỏi giang”.

Anh em, họ hàng của ông Khương đều thuộc diện khá giả, ông là người con thứ 5, các anh chị em còn lại đều đã có cuộc sống riêng. Theo những người dân sống quanh đây thì người thân đã nhiều lần đến khuyên ông về, nhưng ông trốn biệt, nhất quyết không về sống với ai cả.

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, mỗi người lớn lên và lập nghiệp trong một hoàn cảnh khác nhau, tôi bây giờ không có nghề nghệp, không lương bổng, không nhà cửa… thì làm sao sống chung với họ được, khó lắm cô ạ”- Ông Khương tâm sự.

Lang thang khắp phố phường.

Ông kể, khi còn trẻ ông từng học tại Nhạc viện Hà Nội, nhưng sau khi tốt nghiệp thì không có việc làm, ông làm nhiều nghề để sinh sống, đến năm 34 tuổi thì ông lập gia đình.

Ông im lặng một hồi lâu khi nhắc về người vợ đã khuất. Vợ ông mất sớm, khi mà hai vợ chồng chưa có đứa con nào, sau khi vợ qua đời, ông bắt đầu cuộc sống lang thang.

Hàng ngày, kiếm sống bằng việc nhặt nhạnh đồ ăn ở các quán ven đường thế nên ông Khương đã quá quen thuộc với họ. Ông tươi cười nói: “Ở đây người ta biết tôi hết mà, chỉ cần đưa 10 nghìn đồng là có một bữa cơm ngon rồi”. Có vẻ như những người sống quanh đây rất quý mến ông, thường xuyên giúp đỡ và cho ông đồ ăn.

Ông kể: “Ngày xưa, khi còn sức khỏe, tôi vẫn hay nhặt rau, thái su hào và làm mấy việc phụ ở các quán ăn, người ta quen mặt rồi. Chị Kim Quý, sống ở khu Chùa Láng cho hay: “Ông hát hay lắm, thi thoảng ông vẫn hát cho những ngưới sống quanh đây nghe”.

Việc cứ tối tối lại có một người đàn ông với một đống “hành lý” ngồi ở góc tường đầu ngõ 59, phố Chùa Láng đã không còn xa lạ với những người xung quanh đây. Thi thoảng, ông chủ tiệm bán bánh ngọt ở đối diện còn sang bắt chuyện, mời điếu thuốc lá, rồi cười nói như những người hàng xóm quen thuộc.

“Ông ấy sống ở đây cũng lâu rồi. Nghe nói trước ông từng nằm viện một thời gian. Tôi ở trong Nam ra đây sống mới được 20 năm nên cũng không rõ lắm. Cứ sáng ông đi, tối ông lại về đây ngủ, mọi người xung quanh cũng hay cho đồ ăn và giúp đỡ ông nhiều lắm” – Cô Mai Thị Mười, chủ hàng lưu niệm ở khu phố chùa Láng cho biết.

 

Ông Khương vui vẻ nói chuyện với sinh viên.

“Cả khu này, ai cũng biết ông Khương, ông ấy sống tốt, không làm ảnh hưởng đến ai hết, mọi người cũng quý mến, dịp lễ tết chị cũng hay cho ông quà” – Chị Kim Quý chia sẻ. Ông Khương hầu như không có tài sản gì ngoài những chiếc túi nilon ông nhặt trên hè phố nhưng ông chưa bao giờ ngửa tay xin của ai một xu.

Ông làm những công việc như dọn rác ở quán ăn để sống qua ngày, mọi người giúp đỡ ông như những người hàng xóm với nhau chứ không phải cưu mang một kẻ ăn xin.
 

Tài sản của người đàn ông lang thang.

Đặng Thị Nga, sinh viên năm II, ĐH Ngoại Thương chia sẻ: “Em thấy ông ấy rất lạ, không hiểu tại sao ông cứ đi lang thang, mặc dù rất thương nhưng cũng không biết nên giúp ông thế nào, ông không nhận đồ của sinh viên”.

Theo Hoàn, sinh viên năm II Học viện Ngoại giao, có lần bạn đi qua chỗ ông hay ngồi, vì thương nên đã mua cho ông một chút bánh mì, tuy nhiên ông đã từ chối và nói rằng: “Tôi không phải ăn xin, tôi không nhận đâu. Các cô đã làm gì ra tiền mà cho”.

Dường như người đàn ông lang thang này có một quá khứ không đẹp về gia đình, có người nói đầu ông có vấn đề, nhưng có người lại nói ông còn tỉnh lắm. Bạn Nông Phương Hồng Tâm, sinh viên năm II học viện Ngoại giao tâm sự: “Ông ấy thật kỳ lạ, em thấy ông ấy hề điên, rất tỉnh táo”.

“Nhà” của ông Khương ở khu phố chùa Láng chỉ là những góc cầu thang của khu tập thể hay thềm cửa nhà một ai đó, nhiều người vận động ông đến các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng ông không nghe.

Cuộc sống của ông từng ngày cứ trôi qua như thế, và đối với ông như vậy là đủ...

Nguyễn Nhung