Mời quý độc giả theo dõi video:

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, đến nay, diện mạo xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có những chuyển biến nổi bật cả về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường... Đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa. Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trong xã đạt 80%. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.

Wifi phủ sóng tại một số điểm công cộng để người dân có thể truy cập Internet dễ dàng ở mọi nơi trên địa bàn, cập nhật thông tin, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện và địa phương bằng điện thoại.

UBND xã có mạng Internet, mạng nội bộ, truyền hỉnh đảm bảo các hội nghị trực tuyến do cấp trên tổ chức đến địa phương, có 21 máy tính có cài đặt hệ thống văn bản điều hành, 03 máy tính cài đặt phần mềm Một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ phận Một cửa xã hoạt động có hiệu quả. Hằng năm, trên 90% hồ sơ hành chính được cập nhật trên Hệ thống Một cửa điện tử. 

Xã cũng thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, các thành viên trong tổ được phân công xuống các địa bàn hướng dẫn các hộ gia đình cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số như: Công dân Sóc Trăng, Zalo OA Sóc Trăng, VneID, STV, VssID, VOV Bacsi24, PCTT, Googlemap, Google assitant, các trang mạng xã hội…

Hướng dẫn người dân truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn khóm, ấp mở tài khoản thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: soctrangtrade.vn, potsmart.vn, voso.vn.

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến khuyến cáo người dân không bị “mắc bẫy” những kẻ lừa đảo khi sử dụng smartphone, nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức khảo sát và làm việc với Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã An Thạnh 1 về các nội dung liên quan của ngành hỗ trợ việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tiến tới xã nông thôn mới thông minh và đề xuất những giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình thực tiễn để xây dựng xã, thị trấn thông minh trên địa bàn tỉnh.

Điển hình là hệ thống trạm thông tin, hỗ trợ tiện ích cộng đồng kết hợp chiếu sáng công cộng và cổng chào điện tử sử dụng điện năng lượng mặt trời. Hệ thống có chức năng giám sát được công suất tiêu thụ, tình trạng làm việc và điều khiển từ xa. Tuyến đường chiếu sáng áp dụng 2 km tại xã nông thôn mới nâng cao xã An Thạnh 1 đã đưa vào sử dụng và hoạt động ổn định từ năm 2020.

Đặc biệt, theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế, xã An Thạnh 1 đang tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Với hệ thống tưới tiết kiệm điều khiển bằng điện thoại, người nông dân chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ đã hoàn thành một lần tưới tiêu cho vườn xoài, giúp tiết kiệm nguồn nước, sức lao động và chi phí sản xuất. Đặc biệt, họ có thể thực hiện tưới tiêu ở bất cứ thời gian nào thấy phù hợp cho cây trồng.

Hiện tại, một số điểm công cộng trồng hoa, cây cảnh của xã đã ứng dụng công nghệ tưới tự động giúp giảm bớt công lao động, giúp cây cối được chăm sóc, tưới tiêu tốt, tạo cảnh quan xanh.

Quỳnh Nga - Xuân Quý