Chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang nắm bắt rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều rào cản và thách thức. Vậy chuyển đổi số nông nghiệp là gì? Giải pháp nào giúp đẩy manh chuyển đổi số trong giai đoạn tới? 

Câu hỏi này đang được tỉnh Hải Dương quyết tâm tìm lời giải.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, ngành nông nghiệp Hải Dương đang có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; trong đó việc ứng dụng CĐS trong nông nghiệp là một điểm sáng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, đã có một số diện tích có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa; một số diện tích thủy sản có hệ thống quan trắc, cho ăn, điều chỉnh tự động kết nối điện thoại thông minh...

Thực tế đã cho thấy, CĐS là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể; CĐS kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Nhiều năm gần đây, vải thiều là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hải Dương. Nông dân Hải Dương đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, triển khai các mô hình trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap cho năng suất, chất lượng ngày càng vượt trội.

Đây là điều quyết định để đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như nước Nhật Bản, Châu Âu... Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là hướng đi mạnh mẽ của Hải Dương để nâng cao giá trị nông sản.

Nhờ việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội như Face Book, Zalo…đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng và vẫn giữ được giá, đồng thời vẫn bảo đảm được an toàn với dịch bệnh. Một trong những nông sản nổi bật phải kể đến đó chính là quả vải thiều. Thông qua các nền tảng số, bất chấp dịch bệnh vải thiều - đặc sản của Hải Dương đã được tiêu thụ dễ dàng.

Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện mạnh mẽ trên các kênh thông tin đại chúng, công tác tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho người dân được thực hiện thường xuyên liên tục… đã tạo phong trào số trong nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, các hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chủ yếu tham gia giao dịch trên 2 sàn TMĐT là sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel với gần 600 sản phẩm đã được bày bán; hơn 108.000 hộ sản xuất trong tỉnh đã có tài khoản trên các sàn TMĐT, 117.000 hộ được đào tạo kỹ năng số, đạt tỷ lệ 33% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hải Dương là tỉnh đứng thứ 16 trong cả nước về số hộ có gian hàng trên sàn TMĐT.

Kết quả của cuộc cách mạng chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương đã bước đầu thành công. Kết quả này là câu trả lời: CĐS là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể; CĐS kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch, địa lý, là lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản.

Yến Hưng