Toạ đàm diễn ra chiều 3/7 trong khuôn khổ Chương trình gặp gỡ ICT 2020 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cùng đại diện 15 hội, hiệp hội và các doanh nghiệp ICT.
Tọa đàm chủ đề "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" được 15 hội, hiệp hội lĩnh vực ICT tổ chức nhân sự kiện Gặp gỡ ICT 2020. (Ảnh: M.Quyết) |
Doanh nghiệp giải quyết "nỗi đau" của xã hội, tổ chức bắt tay vào làm
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT giải thích chuyển đổi số chính là cuộc chuyển đổi từ không gian quen thuộc truyền thống (mặt đất, biển, bầu trời, vũ trụ) lên không gian mạng.
Chuyển đổi đầu tiên là mức độ số hóa thông tin. Cao hơn nữa là số hóa một quy trình nghiệp vụ và mức cao nhất là mang cơ quan, tổ chức từ môi trường truyền thống lên môi trường mạng. Tiến trình chuyển đổi số có điều kiện diễn ra nhanh hơn trong 5 năm gần đây do cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Ông Dũng cũng giới thiệu những nét chính của Chương trình chuyển đổi số quốc gia mới được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 749. Theo đó, 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Nhấn mạnh nhận thức là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số, ông Dũng chia sẻ, với trách nhiệm của cơ quan điều phối, Bộ TT&TT mong muốn các nhà lãnh đạo, quản lý có niềm tin rằng: Công nghệ có thể giải quyết được mọi vấn đề của xã hội và giao nhiều việc cho đội ngũ làm công nghệ. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi tìm nỗi đau, sự nhức nhối của xã hội để giải quyết. Còn với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, thông điệp của Bộ TT&TT là “chuyển đổi số hãy bắt tay vào làm”.
Đại diện các doanh nghiệp công nghệ như VNPT IT, VNPT Technology, FPT, InfoRe, Vbee cùng các hội, hiệp hội đã chia sẻ quan điểm về những vấn đề liên quan.
Chuyển đổi số sẽ giúp thay đổi thứ hạng của Việt Nam
Trao đổi với cộng đồng ICT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Tôi có niềm tin mãnh liệt là chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực vào việc thay đổi thứ hạng Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển”.
Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là cú hích lớn, cơ hội trăm năm cho ngành CNTT, đặc biệt là cho chuyển đổi số. Số ứng dụng CNTT của Việt Nam phục vụ cho phòng chống Covid-19 nhiều hơn so với các nước, trong đó có những ứng dụng vượt các nước khác.
Phân tích lợi thế so sánh về chuyển đổi số của Việt Nam, Bộ trưởng nhận định, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp CNTT, trong số đó có nhiều doanh nghiệp đang đi làm "coding" thuê cho nước ngoài. Nếu có thị trường, họ sẽ quay về phát triển sản phẩm tại Việt Nam. Đây là lúc nên dùng các doanh nghiệp này.
Một điểm lợi nữa, gần 100 triệu dân là một thị trường đủ lớn để phát triển các nền tảng Việt Nam. “Trong phát triển sản phẩm cũng như hình thành doanh nghiệp công nghệ, phải có cái nôi cho nó sinh ra, lớn lên. Việt Nam chính là cái nôi để các doanh nghiệp hình thành để từ đó phát triển, đi ra nước ngoài”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số liên quan đến cách mạng toàn dân, mà toàn dân bắt buộc phải đi từ đào tạo, vì thế các hội, hiệp hội lĩnh vực ICT cần chung tay vào làm. (Ảnh: M.Quyết) |
Theo Bộ trưởng, việc rất quan trọng là chuyển đổi số các ngành. Sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt, Bộ TT&TT đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương năm 2020 phải ra chiến lược chuyển đổi số của mình.
Bộ TT&TT đang chuẩn bị đề xuất Chính phủ về việc đổi tên Cục CNTT của các bộ thành Cục Chuyển đổi số, giao thêm nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số ngành đó. Khi đó, không gian sẽ rộng hơn nhiều.
Bàn về cách làm, Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp có sản phẩm "giải quyết một nỗi đau hay bài toán “sát sườn” thì nó thường cuốn mình vào đam mê và dễ thành công hơn.
“Nếu đi làm cái mà người khác đã làm rồi thì bắt buộc mình ít nhất phải xuất sắc, may ra mới có cửa sống. Thay vì đi sau mà dù có xuất sắc cũng chưa chắc thành công, chi bằng mình tìm một bài toán chưa ai giải thì sản phẩm ra rất thô, vì không có nên bắt buộc phải dùng. Thông qua quá trình sử dụng, sản phẩm sẽ dần trở nên xuất sắc”, người đứng đầu ngành TT&TT phân tích.
Bộ trưởng cũng nhắc tới hướng tiếp cận "từ dưới lên": Bộ TT&TT đã yêu cầu làm "xã chính quyền số", sau đó đến huyện, thành phố.
Một cách chuyển đổi số nhanh là làm các nền tảng của Việt Nam. Hiện nay mỗi tuần, Bộ TT&TT cho ra mắt các nền tảng phục vụ chuyển đổi số Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn cộng đồng ICT cùng bắt tay làm việc này.
Dự kiến, trong tuần tới, Bộ TT&TT sẽ khởi động cuộc thi tìm kiếm giải pháp cho chuyển đổi số quốc gia giúp Việt Nam đi đầu về chuyển đổi số, thông qua đó để thay đổi thứ hạng và góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng.
“Đây là sự nghiệp của toàn quốc, toàn dân, là một chặng đường dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phải làm cho mọi người thấy cần, muốn và có thể chuyển đổi
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cũng như các nước khác, Việt Nam coi chuyển đổi số quốc gia là chương trình có tính định hướng chiến lược của nhà nước và "một trong những quan điểm thể hiện xuyên suốt chương trình là lấy người dân làm trung tâm".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là chặng đường dài đòi hỏi chúng ta phải xác định từng bước một khoa học nhưng phải kiên trì”. (Ảnh: M.Quyết) |
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm lấy người dân làm trung tâm được thể hiện cả trong việc xác định những lĩnh vực cần tập trung chuyển đối số. Ví dụ như sắp xếp các lĩnh vực này nhằm vào những gì đầu tiên người dân hiểu, quan tâm. Cụ thể, trong 8 lĩnh vực, xác định lĩnh vực đầu tiên là Y tế; sau đó đến Giáo dục; tiếp đến là Tài chính – Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và Logistics; Năng lượng; Tài nguyên và Môi trường; Sản xuất công nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để chuyển đổi số, cũng phải nhìn lại điểm mạnh, điểm yếu của mình. Điểm mạnh là Việt Nam có xã hội rất ổn định, kinh tế năng động và người dân ngoài chịu khó, hiếu học còn lạc quan tin tưởng vào tương lai. Còn điểm yếu của Việt Nam là tính công nghiệp, kỷ cương, tính hợp tác và thiếu tính kiên trì chiến lược với các kế hoạch, chiến lược cần có bước đường đi dài.
“Chuyển đổi số là chặng đường dài đòi hỏi chúng ta phải xác định từng bước một, khoa học, kiên trì”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bởi vậy, việc quan trọng nhất của cộng đồng ICT là phải làm cho mọi người, cả các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân thấy cần phải chuyển đổi, muốn chuyển đổi và đặc biệt là "chúng ta có thể làm được".
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 2 việc mà các hội, hiệp hội lĩnh vực ICT có thể bắt tay làm ngay cùng với Bộ TT&TT, đó là: Thống nhất một thước đo mới về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; Lan tỏa, phổ biến tri thức thường thức về CNTT cho toàn xã hội.
“Hai việc trên với 15 hội, hiệp hội lĩnh vực ICT, tôi tin rằng dưới sự điều hành chung, đầu mối của Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, chắc là chúng ta sẽ có những thay đổi nhanh chóng. Tôi cũng rất mong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tiếp tục gắn kết, không chỉ dựa trên tình cảm mà phải dựa trên các bài toán lớn được đặt ra bởi Bộ TT&TT”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Vân Anh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Đại dịch Covid-19 tạo cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia"
Nhận định đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục.
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.