- Căn phòng làm dịch vụ tẩm quất màu trắng muốt như không có một sự khuyết thiếu nào. Một người phụ nữ khiếm thị đang ngồi trên chiếc ghế giữa phòng nghe những ca khúc tình yêu. Nhạc chuông đồng hồ “keng keng”, một giọng người điện tử nói: Bây giờ là 11 giờ.

Tin bài liên quan:

Chị là Châu Thị Bông ở huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh. Người ta hay gọi chị là Diêu Bông bởi số phận của chị cũng có phần trớ trêu, u tối như cô Diêu Bông trong lời à ơi nào đó... Chị hiện là Chủ tịch Hội người mù huyện Vân Đồn. Khác cô Diêu Bông nọ, chị không mặc kệ số phận, là một Chủ tịch hội người mù biết nghe hội viên nói bằng trái tim, một Chủ tịch hội chèo lái số phận của nhiều người khiếm thị như mình.

Kíp mìn nổ cướp mất tuổi trẻ

Năm 14 tuổi, khi dọn đồ đạc, chị Bông đã vô tình làm một kíp mìn phát nổ. Kíp mìn nổ lấy đi đôi mắt của chị Bông, làm toàn thân chị bỏng nặng. Gia đình đưa chị chạy chữa ở nhiều nơi, da trên người thì lấy chỗ nọ vá chỗ kia nhưng đôi mắt thì phải chịu cảnh mù lòa vĩnh viễn.

“Tôi đã khóc, đã oán than số phận và đã nhiều lần tìm đến cái chết” - chị Bông hồi tưởng về tai họa của cuộc đời mình bằng những cái nhíu mày đau khổ. Dù đã chia sẻ tâm sự với nhiều người về những ngày tháng tăm tối ấy nhưng mỗi lần kể lại, tim chị vẫn đau, đầu óc chị vẫn điên đảo.
“Không có gì đau đớn hơn nhìn người con mình sinh ra lành lặn trở thành khuyết thiếu chỉ sau 1 tai nạn” mẹ chị Bông nói.

Hồi ức về tai họa đen tối đến với con mình còn ám ảnh trong lòng, mẹ chị Bông kể lại: Tôi nhìn thấy người con bé đầy máu me, máu trong mắt chảy ra dòng dòng. Lúc ấy tôi hận, uất ông trời, cuống quá tôi chỉ biết than “Bông ơi, mẹ sinh con trọn vẹn chân tay mắt mũi, ông trời sao giật của con”.
 
Bà kể thêm, tôi sinh đông con, 4 đứa chê tôi nghèo nên bỏ đi từ lúc nhỏ, 8 đứa còn lại (4 trai, 4 gái) thì khổ nhất là Bông.  

Từ một cô bé xinh đẹp và nhanh nhẹn, tai họa ập đến, mọi thứ như đã đổ sập…

“Tôi đã tìm đến cái chết không chỉ một lần mà rất nhiều lần bằng thuốc chuột. Tôi nuốt thuốc chuột để đi gặp diêm vương nhưng mẹ phát hiện, lại đưa tôi đi cấp cứu, bắt tôi phải sống. Thấy tình yêu của mẹ, nghĩ về những số phận khổ như mình mà vẫn cố sống cho được, tôi bắt đầu suy nghĩ… Tôi dò dẫm đi tìm cách sống có ích”, chị Bông tâm sự.

Cạo phoi tre, tiết kiệm vàng làm vốn mở cơ sở tẩm quất

Hơn 2 năm sau tai nạn làm cuộc đời chị trở nên đen tối, chị nghe đến một điều sáng sủa: “Người mù cũng có thể làm ra tiền bằng việc cạo phoi tre”.

“Khi nghe thấy điều ấy, tôi mới giật mình. Tôi còn có thể sống có ích… Tôi có thể kiếm tiền” chị Bông nói những suy nghĩ ngây ngô của mình khi ấy. Chị quyết tâm dò dẫm đi học, mỗi lần có được một khoản tiền tự kiếm, chị nhờ mẹ mua vàng tích trữ. Đến khi tích được một cây vàng, chị nghĩ đến việc đi học tẩm quất do Hội người mù Quảng Ninh dạy và mở cơ sở riêng của mình.
Người phụ nữ nhỏ nhắn này đã vượt lên số phận và mang ánh sáng cuộc đời tới nhiều số phận mù lòa như mình.
Cũng trong thời gian này, chị có một người bạn tên là Sơn. Sơn học trường Nguyễn Đình Chiểu, biết nhiều hơn về hoàn cảnh và nghị lực của những người khuyết tật như chị. Sơn dạy chị Bông học chữ nổi, nói cho chị Bông biết rằng có nhiều người đồng tật mà khốn khổ hơn chị nhiều. Cái chết không phải là lối thoát, người mù vẫn có thể kiếm tiền, sống tốt, mở tổ chức hội để sinh hoạt với nhau và tiện cho việc hòa nhập cộng đồng.

Việc thành lập cơ sở tẩm quất thuận lợi hơn khi chị Bông có mẹ giúp. Căn nhà với phần đất rộng rãi của mẹ, mẹ giúp chị dựng lên căn nhà, lấy tiền chị tích góp mua đồ đạc… Cơ sở tẩm quất Diêu Bông, ở xã Đông Xá huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh giờ đã có tiếng tăm.

Chị Bông nhận thêm nhiều người cùng tật vào làm, tạo cho họ thu nhập, là nhịp cầu để họ đến bên nhau, yêu thương và lập gia đình. Khi cơ sở của mình hoạt động yên ổn, chị nghĩ đến những việc lớn hơn.

Ở Vân Đồn có rất nhiều những người khiếm thị còn sống trong tăm tối, họ mang nỗi tuyệt vọng khi xưa của chị, sống co cụm và chịu tủi hờn một mình. Chị Bông đã đi gõ cửa từng gia đình của người khiếm thị, thuyết phục họ tham dự tổ chức hội, khuyên họ đi học nghề…

Đến năm 2010, Vân Đồn chưa có Hội người mù, chị Bông đứng ra xin thành lập Hội, trong khóa đầu chị được bầu làm chủ tịch Hội.

Sống bằng trái tim

Không thể chạm vào nhau bằng ánh mắt, họ chạm với nhau bằng trái tim. Những người khiếm thị đang làm việc ở Cơ sở tẩm quất Diêu Bông đang chạm vào nhau như thế.

Đã có 3 cặp đôi khiếm thị lấy nhau và giúp nhau nhận ra giá trị của mình. Mỗi tháng lao động ở đó, 1 cặp vợ chồng kiếm được từ 3 triệu đến 6 triệu để trang trải cuộc sống.

Chị Bông năm nay 30 tuổi, nhiều năm rồi những khát khao, ao ước về công việc giúp đỡ cộng đồng, chị đều hoàn thành nhưng mái ấm gia đình của chị thì dang dở. Chị nói vui với chúng tôi: Xe duyên cho nhiều người nhưng không có duyên cho mình.

Bây giờ hàng ngày chị lo quản lý cơ sở tẩm quất để công việc ngăn nắp. Khi có thời gian, chị lại đến tận nhà động viên các hội viên người mù… "Cuộc sống đều đặn và có nhiều niềm vui" chị Bông nói.

  • M. Hải