Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đề xuất 2 phương án cấm xe khách vào nội đô trong khung giờ 6-22h và dự tính thực hiện theo hai giai đoạn (từ nay đến 2025 và 2025 đến năm 2030).
Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025, cả hai phương án đều thực hiện hạn chế xe khách giường nằm.
Giai đoạn từ 2025 đến 2030, phương án 1 tính đến việc cấm các ôtô trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe tang, ô tô công vụ...). Đối với phương án 2 sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ.
Sở GTVT nhìn nhận cả 2 phương án đều có khả năng giảm diện tích chiếm dụng mặt đường và tăng vận tốc lưu thông bình quân của phương tiện so với hiện nay tại khu vực trung tâm. Đồng thời giải quyết tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, tăng mỹ quan đô thị tại khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, phương án 2 tác động đến tình hình kinh tế xã hội lớn hơn cũng như đến hoạt động phần lớn đến các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn TP.
Dứt khoát phải cấm
Đề cập về đề xuất trên, Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, đây là ‘đề tài’ không mới.
Thực tế, trước đây TP.HCM đã áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động của xe khách như ban hành quy định cấm xe khách trên 25 chỗ trong khoảng thời gian từ 6 – 22h trên các tuyến đường tại Q.10 như Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn… và cấm xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (Q.5)...
Theo ông Cương, hiện nay TP quy hoạch các bến xe ở ngoại ô như Bến xe Miền Đông Mới, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã Tư Ga… nên xe khách liên tỉnh buộc phải vào bến; khách muốn vào nội đô buộc phải trung chuyển bằng phương tiện cộng cộng hoặc phía nhà xe sẽ thực hiện trung chuyển bằng xe 16 chỗ hoặc 12 chỗ.
“Nhiều doanh nghiệp lớn họ có hệ thống chuyển khách từ nội thành ra bến xe và ngược lại rồi. Còn các doanh nghiệp nhỏ chưa có thì đã có hệ thống taxi, xe buýt công cộng làm nhiệm vụ trung chuyển, sau này còn có hệ thống metro. Do đó, tôi thấy việc cấm xe khách liên tỉnh vào nội thành là không mới và dứt khoát nên cấm”- ông Cương thẳng thắn.
Cần tính toán kỹ lưỡng khi cấm xe hợp đồng, xe du lịch vào nội đô
Là thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, PGS-TS Phạm Xuân Mai cho biết, hiện nay tình trạng ‘xe dù, bến cóc’ tại TP khá nhiều, các xe chạy vào thẳng trung tâm TP để trả khách hoặc gom khách mà không chịu vào bến. Do đó, có thể thấy mục đích chính của Sở GTVT trong đề án là nhằm xử lý tình trạng ‘xe dù, bến cóc’.
Ông cho rằng, việc hạn chế xe khách chạy theo tuyến cố định là hợp lý. Xe chạy tuyến này bắt buộc phải đón/trả khách tại bến, sau đó hành khách đi đâu sẽ có hệ thống giao thông công cộng hoặc phương tiện cá nhân giải quyết.
Đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng là các xe chở công nhân, học sinh, sinh viên, được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
Xe du lịch, được thực hiện theo chương trình và phải có hợp đồng vận tải khách du lịch bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh du lịch hoặc lữ hành.
“Với xe hợp đồng, xe du lịch, tài xế họ chạy theo đúng tuyến, đúng hợp đồng và có trách nhiệm đưa đón du khách tới các khách sạn hoặc điểm tham quan theo đúng hợp đồng đã ký với công ty du lịch. Ngay cả các TP lớn trên thế giới cũng không thể cấm loại hình vận tải này”- ông Phạm Xuân Mai thông tin.
Vị chuyên gia phân tích thêm, nếu xe hợp đồng, du lịch bị cấm vào nội thành thì buộc tài xế phải đậu một nơi rất xa trung tâm TP và phải dùng xe trung chuyển 16 hoặc 12 chỗ.
Ví dụ một xe hợp đồng 45 chỗ buộc phải dừng ở ngoài Hóc Môn thì phải dùng đến 3 xe 16 chỗ hoặc 4 xe 12 chỗ mới vận chuyển hết lượng khách.
“Tôi thấy phương án trung chuyển này gây phiền phức cho người đi du lịch khi phải đi xe trung chuyển ra/vào khách sạn. Về mặt giao thông không giải quyết được gì cả? Tính mật độ giao thông, mật độ lưu thông thì 3 - 4 xe trung chuyển còn chiếm dụng mặt đường còn hơn một xe khách lớn. Nên tôi cho rằng phương án dùng xe trung chuyển vào trung tâm TP để giảm tải giao thông là không hợp lý xét về mật độ giao thông”- vị chuyên gia khẳng định.
Vậy nên thay vì cấm, ông cho rằng Sở GTVT phải rà soát lại và xử lý nghiêm khắc các loại xe không có hợp đồng hoặc biến tướng hợp đồng bằng cách phối hợp với Sở Du lịch, Thanh tra giao thông...
Đồng thời, kiểm soát kỹ các khu vực xuống khách của các loại xe có hợp đồng bằng lực lượng Thanh tra Giao thông, làm mạnh tay với xe “dù”, bến “cóc”, đồng thờI giải quyết được bài toán kết nối hệ thống giao thông công cộng từ các điểm trong nội đô tới các bến xe đầu mối thì hoạt động của các loại hình vận tải hành khách công cộng trong nội đô sẽ tự ổn định…