- Những hành vi chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường… hiện đang nhức nhối xã hội nhưng lại khó xử lý sẽ có thể chịu tội hình sự.
Đây là điểm nhấn mới nhất trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Góp ý cho vấn đề này, công đồng DN lại tỏ rất đồng với việc cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, các pháp nhân là những tổ chức kinh tế (DN) khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đánh thẳng vào DN
Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân trong Bộ luật Hình sự là cần thiết.
Thực tế thời gian qua đã xảy ra những vụ việc do pháp nhân thực hiện, gây hậu quả hết sức tai hại như vụ của Công ty Vedan xả nước thải thẳng ra sông Đồng Nai, Công ty Nicotex (Thanh Hóa) chôn thuốc trừ sâu xuống đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Hay việc chuyển giá, trốn thuế của các DN, gây thất thu cho ngân sách, tác động xấu tới môi trường kinh doanh lành mạnh.
Việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe sự vi phạm như vậy, cần phải truy tố trách nhiệm hình sự.
Những hành vi chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường… hiện đang nhức nhối xã hội |
Thực tế, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự của 120 nước trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia là Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippine.
Với Việt Nam, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, vào thời điểm đó thực tế chưa có những ví dụ điển hình về các vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân gây ảnh hưởng cho tính mạng, sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu sâu hơn, do vậy, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Phổ biến nhất là các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kinh doanh, thương mại, thuế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và cho đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để ngăn chặn.
Ông Lê Đăng Doanh, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thực tế cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính không xử lý được với các thủ đoạn tinh vi như chuyển giá, xả thải ra môi trường của các DN. Cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật hình sự mới đủ sức răn đe. Các DN có thể lo ngại về việc bị hình sự hóa, nhưng nếu làm ăn chân chính thì chẳng phải băn khoăn về vấn đề này.
Ngoài ra, theo mô hình DN hiện nay, nhiều quyết định gây hậu quả nghiêm trọng lại được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, như vậy, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, sẽ khó xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm để xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cần cẩn trọng khi quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bởi sẽ ảnh hưởng mạnh tới DN. Án tù lơ lửng trên đầu khiến giới kinh doanh e ngại. Có thể khi đó pháp nhân là các tổ chức kinh tế sẽ chuyển đổi sang mô hình DN tư nhân hết, bởi DN tư nhân không phải là pháp nhân, ông Huỳnh nói vui.
Bỏ lọt còn hơn oan sai
Đây là ý kiến của Luật sư Hoàng Văn Hướng khi nói về điều 165, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự.
Các quan điểm cho rằng thực tế hiện nay, những hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành thì được xử lý theo Điều 165. Ngoài điểm hạn chế của quy định tội danh này là không rõ ràng khiến nó bị áp dụng tùy tiện, thì việc vẫn giữ quy định tội danh này trong luật sẽ là cơ sở để các cơ quan tố tụng có thể tiến hành truy tố, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhưng không chứng minh được mục đích vụ lợi. Nó giống như “cái túi” để xử lý bất cứ vi phạm nào, ông Lê Đăng Doanh nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bỏ để mở đường cho DN sáng tạo, bởi quy định này không rõ ràng. Nếu Nhà nước đã không hoàn thiện được các tội danh thì khi người ta vi phạm cũng phải chấp nhận, coi như không phạm tội. Cách làm này gọi là "bỏ lọt còn hơn oan sai" đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, ông Hướng cho biết. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch, hạn chế bị lạm dụng. Trên thực tế, quy định tội danh này là không rõ ràng, khiến nó bị áp dụng tùy tiện thời gian qua.
Mặc dù vậy vẫn có ý kiến không đồng tình, cho rằng bỏ điều này thực tế sẽ bỏ lọt rất nhiều tội. Mua tàu thì phải mua tàu mới, nhưng người ta cố tình mua tàu cũ, gây tổn thất to lớn cho đất nước thì rõ ràng là có tội và phải chịu trách nhiệm, nếu bỏ thì sẽ xử lý như thế nào? Không thể vin cớ vì sự sáng tạo của DN mà bỏ điều này, Luật sư Trần Xuân Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho ý kiến.
Trần Thủy