Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế về giải quyết khiếu nại và tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ diễn ra sáng nay, 15/10, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam.
Ông David H Bernstein, luật sư, Trưởng bộ môn sở hữu trí tuệ của trường đại học Newyork, thành viên Hội đồng trung tâm trọng tài WIPO chuyên xử lý các tranh chấp về tên miền quốc tế đã chia sẻ các kinh nghiệm của WIPO trong việc giải quyết các vụ tranh chấp tên miền quốc tế.
Về cơ bản, quy trình tham gia và xử lý các khiếu nại tên miền ở WIPO khá đơn giản. Bên khởi kiện sẽ nộp khiếu nại lên WIPO thông qua wesite của trung tâm. Tại thời điểm này, khiếu nại của bên khởi kiện được ghi nhận và xem xét xem có phù hợp nguyên tắc không. WIPO sẽ gửi thông báo tranh chấp đến bị đơn và đơn vị này có thời gian 20 ngày để trả lời khiếu nại thông qua website của WIPO. Vụ việc được chuyển đến các thành viên hội đồng xem xét và quyết định.
Theo ông David H Bernstein, ưu điểm của WIPO là các tranh chấp tên miền được giải quyết với quy trình đơn giản, thời gian nhanh nhất và chi phí rẻ cho các bên tham gia. Thông thường, Hội đồng này sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua trao đổi và cơ chế xử lý vắng mặt. Ông David H Bernstein cho biết, trong 16 năm hoạt động, chưa có vụ xử lý tranh chấp tên miền quốc tế nào ở WIPO có sự tham gia của các bên. Các quyết định của hội đồng WIPO sẽ được gửi đến các bên thực thi và nếu không thỏa mãn, họ có thể đưa vụ việc này ra tòa.
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm, chuyên gia WIPO cũng đưa ra 3 yếu tố mà các nhà quản lý cần lưu ý khi xử lý tranh chấp tên miền, đó là: tên miền tranh chấp liệu có giống hay giống đến mức gây nhầm lẫn với thương hiệu hay nhãn mác thương mại không; bên khiếu kiện phải chứng minh họ có quyền, lợi ích hợp pháp với tên miền hoặc nhãn mác thương mại và bên bị khiếu nại có sử dụng tên miền đang tranh chấp với mục đích xấu hay không?
Ngoài ra, yếu tố quan trọng cần xem xét một vụ việc tranh chấp, đó là bên khiếu kiện có quyền hợp pháp hay không và có thể đưa ra các bằng chứng chứng minh bên bị khiếu nại đã đăng ký và sử dụng tên miền với mục đích xấu để làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu hay nhãn mác thương mại của mình.
Tuy nhiên, đại diện WIPO cũng cho biết, một khía cạnh khác khi áp dụng theo các nguyên tắc của chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền (UDRP) đó là chính sách này tập trung vào “dụng ý xấu” của người bị khiếu nại. Liệu bên bị khiếu nại có lợi dụng để đầu cơ tên miền không; người khiếu nại có lấy tranh chấp này để chiếm dụng tên miền của người đã đăng ký hay không hoặc người khiếu nại đưa ra các bằng chứng quá yếu để có thể lấy lại tên miền.
Ông David H Bernstein cho biết, Việt Nam đã khá tiến bộ khi áp dụng rà soát mục đích của cả hai bên tham gia khiếu nại tên miền, đặc biệt là trong trường hợp đăng ký tên miền để bán lại hoặc đăng ký tên miền để cạnh tranh.
Chuyên gia WIPO cho biết, hiện tại trên 70 quốc gia trên thế giới áp dụng nguyên tắc xử lý tranh chấp tên miền như WIPO. Còn ở Việt Nam, có thể áp dụng các chính sách như UDRP và sử dụng các quy trình hay nguyên tắc của WIPO để quản lý hoặc sử dụng các chính sách riêng để quản lý và xử lý tranh chấp tên miền thay vì có 2 cơ quan nhà nước quản lý như hiện tại. Bởi tạo ra hệ thống chỉ có 1 đơn vị quản lý và giải quyết các khiếu nại, tranh chấp tên miền sẽ giải quyết nhanh và tạo ra sự công bằng khi có tranh chấp tên miền. Nếu tạo ra một hệ thống hiệu quả, giải quyết công bằng và nhanh chóng với mức chi phí và thời gian nhanh nhất.
Về phía các nhà quản lý tên miền, ông này cũng cho biết, trong thỏa thuận đăng ký tên miền nên đưa vào các điều khoản thông tin hợp đồng, ví dụ: người đăng ký phải cam đoan về tên miền đăng ký không giống hoặc không gặp tranh chấp; Cung cấp thông tin chính xác về liên hệ của đơn vị đăng ký sẽ giúp ngăn chặn việc các bên tránh tham gia pháp luật tùy theo luật của quốc gia hoặc địa phương. Đồng thời, yêu cầu các bên đồng ý tuân thủ theo tất cả các chính sách về giải quyết tranh chấp do đơn vị quản lý tên miền quyết định.