Với Trần Văn H. việc cung cấp tinh trùng cho người hiếm muộn vừa dễ dàng vừa có tiền. Nhưng H. không lường trước hết hậu quả.
Dễ dàng kiếm tiền triệu
Trần Văn H. mới 25 tuổi nhưng việc bán tinh trùng, H. quá rành. Cũng vì H. mải
“bóng bánh” nên có bao nhiêu tiều đổ vào cá độ hết. Lúc được thì tiêu mệt nghỉ,
ăn uống bạn bè, bao bạn gái không phải nghĩ nhưng lúc thua thì không gì kể hết.
Chủ nợ ra rả gọi điện đòi tiền, nếu không trả như đúng hẹn có nghĩa là H. phải
hứng chịu đủ thứ từ lời đe dọa đến chửi bới, thậm chí còn bị dọa đánh.
Một người bán tinh trùng đang trao đổi ngã giá. |
H. nợ tiền lên tới vài trăm triệu đồng, cứ 1 triệu đồng, mỗi ngày H. phải trả 5 ngàn đồng. Lãi mẹ đẻ lãi con, H. tìm mọi cách kiếm tiền và H. đã có một cách khá dễ dàng là bán tinh trùng ngoài công việc cố định hàng ngày của H. là làm quản trị web cho một công ty.
Ban đầu, H. thấy có người rao bán tinh trùng trên mạng nên tò mò rao thử. H. đăng hàng loạt lời rao trên các trang raovat30s, hiemmuon, muabanraovat…
H. cho biết: Có người hỏi mua gián tiếp, nhưng cũng có người muốn trực tiếp. Nếu mua gián tiếp giá sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, khả năng thụ thai lại kém hơn trực tiếp vì tinh trùng khi được trao trực tiếp sẽ được bảo quản ngay bằng chính cơ thể nên tỉ lệ sống nhiều và khỏe.
Bán trực tiếp và gián tiếp H. đều làm, miễn là có tiền. Nhưng H. bảo: Mỗi lần bán cũng mất thời gian đi xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe. Có người cẩn thận còn yêu cầu H. kiểm tra nhiễm sắc thể. Nhưng việc của H. chỉ dừng ở mức cho tinh trùng và khi tinh trùng lấy ra, kiểm tra thấy khỏe là hết nhiệm vụ. Còn việc có được con hay không H. giao kèo trước không chịu trách nhiệm.
Không chỉ H. mà nhiều người bán tinh trùng coi đây là nghề tay trái, ai có nhu cầu mua thì bán. Khi chúng tôi tìm mua tinh trùng đã gặp một người tự xưng là Trịnh Hữu T. năm nay 30 tuổi nhà ở Hà Nam, đã có vợ và 1 con trai.
T. cho biết hiện đang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty nước giải khát. Chi tiêu trên Hà Nội đắt đỏ nên T. nghĩ ra làm thêm nghề bán tinh trùng.
Nhìn T. không cao lắm, chỉ trên 1,6m, người nhỏ nhắn, da ngăm đen. Dường như đoán được ý nghĩ của người mua tinh trùng. T. bảo: Em đã có con, nên chị yên tâm là tinh trùng hoàn toàn tốt, chị cứ cân nhắc nếu đồng ý thì em sẽ ra giá cụ thể.
Không giống T, Trần Hữu Đ là một người bán tinh trùng khá đẹp trai. Cậu gần 30 tuổi và đang làm truyền thông cho một công ty tại Hà Nội. Khi gặp Đ., chúng tôi không khỏi bất ngờ vì từ chiếc cặp đến quần áo Đ. mặc đều đẹp, sạch sẽ, chỉn chu và lịch sự.
Đ có khuôn mặt đàn ông, mắt to, cao 1,74m, nói năng rất lịch sự. Đ. kể: Quê Đ. ở Ninh Bình, lên Hà Nội học và được gia đình chú bao bọc từ ăn, ở đến học tập. Chuyện Đ. bán tinh trùng không phải vì Đ. mà vì... bố Đ.
“Bố em ở nhà, nghe lời xui ngon ngọt nên đi vay vài trăm triệu đồng và cho vay lại kiếm tiền lãi. Đến khi vỡ thì không có tiền trả nên phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền. Em và em gái phải cùng góp sức”.
Theo cậu chuyện Đ. kể thì đáng nhẽ cuối năm nay, Đ và bạn gái sẽ cưới nhưng vì chuyện của bố nên việc trăm năm của Đ. đành gác lại và Đ. phải lao vào kiếm tiền. Và dễ nhất là ngoài việc làm ở cơ quan, Đ. bán thêm tinh trùng.
Đ. cho biết: “Sức khỏe em rất tốt, từ nhỏ đến giờ, em chả có bệnh tật gì, cách đây mấy tháng, em và bạn gái đã đi kiểm tra sức khỏe và kiểm tra cả chất lượng tinh trùng, nên chị không phải lo”.
Khi tôi hỏi “chọn mua những người chưa từng có con thì việc thụ thai không chắc chắn lắm”.
Đ. cười bảo: “Nói chuyện này thì không hay, nhưng vừa rồi, em làm bạn gái dính bầu và phải đi giải quyết rồi”.
Đ. biết khi bán tinh trùng cần phải làm những gì và ra giá: “Nếu cho gián tiếp sẽ có mức giá 5 – 7 triệu đồng. Còn bán trực tiếp, chưa bao giờ em làm nên để em về suy nghĩ”. Sau đó, Đ. nhắn tin giá trực tiếp là 13 triệu đồng.
Mỗi người chỉ được hiến 1 lần nhưng thực tế bán vô tội vạ
Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Phụ sản TW, số người đến đăng ký hỗ trợ thụ thai rất đông. |
Người mua tinh trùng không chỉ dễ dàng tìm tinh trùng qua rao bán trên mạng, mà có thể tìm được tại chính các bệnh viện phụ sản.
Lang thang trước cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi dễ dàng bắt mối được với cò mồi bán tinh trùng.
Mỗi khi có khách, cò mồi này sẽ gọi điện cho một cò mồi khác đến gặp khách hàng. Sau khi tìm hiểu nhu cầu của khách, cò mồi sẽ lấy ít tiền môi giới và cho gặp người bán tinh trùng.
"Nếu cho gián tiếp sẽ có mức giá 5 – 7 triệu đồng. Còn bán trực tiếp, chưa bao giờ em làm nên để em về suy nghĩ”. Sau đó, Đ. nhắn tin giá trực tiếp là 13 triệu đồng. (Trần Hữu Đ, một người bán tinh trùng chuyên nghiệp) |
Luật Hiến pháp quy định, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rất rõ: “Không nhằm mục đích thương mại”.
Ngoài ra, Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học nêu: “Tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người.
Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, phụ nữ sống độc thân có nhu cầu sinh con đã được cơ sở y tế xác định có noãn bảo đảm chất lượng để thụ thai”.
Như vậy, trên thực tế, 1 người vẫn bán tinh trùng nhiều lần.
TS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Theo quy định, mỗi người chỉ được hiến 1 lần, còn hiến ở nhiều nơi thì khó có thể kiểm soát. Tại viện chúng tôi, mỗi người chỉ được hiến 1 lần. Sau khi hiến, hồ sơ được mã hóa, tên tuổi người hiến được xóa để thành vô danh tránh trường hợp kiện tụng, tranh chấp sau này.
Mỗi tinh trùng có đặc điểm riêng về nhiễm sắc thể, đặc tính di động nên không tinh trùng nào giống tinh trùng nào, vì vậy nếu ở cùng 1 nơi tiếp nhận tinh trùng có thể phân biệt được 1 người có hiến 2 hay nhiều lần hay không”.
Việc người hiến tinh trùng nhiều lần, hiến vô tội vạ có thể đem lại hậu quả khôn lường. Nếu không có biện pháp quản lý ngay từ bây giờ, những việc làm tự phát này sẽ làm giảm chất lượng nòi giống.
(Theo VTC News)