-Sở hữu khối đất vàng cả nghìn ha trong khu vực có hấp lực hấp dẫn nhất Hà Nội, trong khi các đại gia ồ ạt đổ bộ dự án mới bung hàng ra thị trường thì “ông lớn” Nam Cường lại “ôm” đất vàng “ngồi im”.
Những nước cờ thoái lui?
Trong thời kỳ những năm 2010, Tập đoàn Nam Cường được biết đến là “ông lớn” trên thị trường bất động sản. Cũng có thể nói Tập đoàn Nam Cường là doanh nghiệp bất động sản nổi nhất lúc bấy giờ khi là chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn với quỹ đất khổng lồ.
Những dự án trải dọc từ Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... cho đến Hà Nội. Chỉ tính riêng Hà Nội, Tập đoàn này là chủ đầu tư của 6 dự án khu đô thị lớn với tổng diện tích lên tới vài nghìn ha: Dự án KĐT Dương Nội (Hà Đông), Dự án KĐT Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), KĐTM Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Dự án KĐTM Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ), Dự án KĐT Quốc Oai (huyện Quốc Oai); KĐT Thạch Thất, KĐT sinh thái Chương Mỹ (Chương Mỹ).
Dự án Khu đô thị Dương Nội, với quy mô gần 200ha, theo kế hoạch sẽ hoàn thiện toàn bộ trong năm 2015 nhưng đến nay Nam Cường mới chỉ triển khai được một phần. |
Sở hữu quỹ đất rộng lớn khiến bất cứ một doanh nghiệp BĐS nào cũng phải “thèm thuồng” nhưng trong những năm gần đây hoạt động đầu tư xây dựng tại các dự án của Nam Cường diễn ra khá khiêm tốn mà chủ yếu là tiến hành hợp tác, nhượng lại quỹ đất dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Năm 2013, Nam Cường là một trong những doanh nghiệp bất động sản đầu tiên trả lại dự án cho Hà Nội. Chủ đầu tư này đã đề xuất xin bàn giao lại Khu đô thị Quốc Oai có quy mô lên đến trên 1.200ha và khu đô thị Thạch Thất hơn 800 ha cho Hà Nội. Động thái buông tay của Nam Cường tại hai siêu dự án cũng là lúc thị trường bất động sản đang trên đà xuống dốc.
Theo công bố từ Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, Cty CP Tập đoàn Nam Cường có nhiều thửa đất tại phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, quận Hà Đông đang thế chấp quyền sử dụng đất. |
Bước sang giai đoạn 2014-2015, khi thị trường BĐS thoát khỏi cơn bão khủng hoảng và hồi phục tích cực nhiều đại gia bất động sản cũng tạo sự bứt phá đi lên. Tuy nhiên, mặc cho thị trường ồ ạt kéo nhau đi lên Nam Cường dường như vẫn đứng ngoài cuộc đua. Những khu đất vàng vẫn dở dang, bất động.
Tại Hà Nội, mới có 2 dự án đô thị được Nam Cường triển khai là Khu đô thị Cổ Nhuế và một phần Khu đô thị Dương Nội. Việc triển khai hai dự án này chủ yếu được thực hiện trước năm 2011 và một phần các hạng mục được hoàn thiện trong năm 2014. Dự án Khu đô thị Dương Nội, với quy mô gần 200ha, theo kế hoạch sẽ hoàn thiện toàn bộ trong năm 2015 nhưng đến nay Nam Cường mới chỉ triển khai được một phần.
Nằm trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang “lên như diều gặp gió”, dự án KDTM Phùng Khoang gần như bất động sau gần 8 năm khởi công. |
Đến cuối năm 2014, Nam Cường đã bắt tay Ceninvest, nhượng lại cho đơn vị này phát triển cụm Chung cư H, J, K trong Khu đô thị Dương Nội.
Sang đầu năm 2015, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cũng trở thành đơn vị thứ cấp tại Dự án Khu đô thị Dương Nội với việc triển khai 3 tòa tháp cao 25 tầng mang tên Xuân Mai Spark Tower.
Cầm vàng có để vàng rơi?
Cùng nằm trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang “lên như diều gặp gió” trở thành tâm điểm của thị trường khu vực phía Tây Hà Nội, dự án KĐT Dương Nội ngổn ngang dang dở còn dự án KĐTM Phùng Khoang sau 8 năm khởi công gần như nằm im bất động.
Mục đích của dự án là xây dựng khu đô thị mới hiện đại, có cảnh quan hài hoà với khu công viên hồ điều hoà của thành phố đến nay vẫn chưa thể thành hình. |
Trong khi thị trường đang tăng tốc dự án vẫn im ắng lạ thường. Mới đây, liên danh chủ đầu tư đã thực hiện lễ động thổ công trình công viên hồ điều hòa Phùng Khoang nằm trong KĐTM Phùng Khoang.
“Ông lớn” Nam Cường có để vàng rơi thêm nữa? |
Thời gian gần đây khi UBND TP Hà Nội có những chỉ đạo quyết liệt đối với các dự án treo chủ đầu tư đã tiến hành quây tôn dự án kể cả trên những diện tích đất đang được sử dụng kinh doanh. Theo tìm hiểu của PV VietNamNet đây là những diện tích được cho thuê dài hạn.
Trong khi nhiều công trình có ích cho xã hội, như bệnh viện, trường học không có đất để xây dựng, cả “khu đô thị vàng” lại bị chủ đầu tư để lãng phí suốt gần một thập kỷ khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc triển khai dự án.
Sau việc buông tay tại hai siêu dự án năm 2013 cùng những cái bắt tay chuyển nhượng, Nam Cường có để vàng rơi thêm nữa?
Hồng Khanh