Từ hàng bỏ đi bỗng thành hàng "hot"
Với đa số người dân thì vảy cá là một trong những thứ phế phẩm, đương nhiên phải vứt bỏ khi chế biến món ăn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân ở làng khô Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thấy bất thường khi có nhiều thương lái tranh nhau mua vảy cá lóc, cá sặc rằn. Hiện tại, giá vảy cá bất ngờ “nhảy múa” tăng không ngừng do có tình trạng thương lái tranh giành mua.
Theo người dân tại đây, việc thương lái thu mua vảy cá đã xuất hiện từ năm 2017 nhưng thời điểm đó giá vảy cá chỉ có 500 đồng/kg, sau đó tăng dần lên 2.000 đồng/kg. Còn hiện tại, giá vảy cá là 5.000 đồng/kg, thậm chí tăng lên 10.000-12.000 đồng/kg do có nhiều thương lái khác đến tranh mua. Bao nhiêu vảy cá thương lái cũng mua hết.
Từ đồ bỏ đi, vảy cá được thu gom để bán. |
Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP khô Tứ Quý (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết trên Dân trí, thời gian qua có nhiều thương lái đến gặp ông bàn chuyện thu gom vảy cá từ những hộ làm khô, chủ yếu là cá lóc, cá sặc rằn. Song ông Bình từ chối hợp tác, vì ông thấy giá thu mua không ổn định, hơn nữa tạm trữ loại này trong nhà dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh ruồi, ảnh hưởng đến chất lượng khô của công ty ông.
Hiện tượng lạ này không chỉ xảy ra huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, vào cuối tháng 12/2018, các hộ gia đình ở huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng thi nhau đánh vảy cá để bán cho thương lái với giá 1.500-2.000 đồng/kg.
Nhiều người dân không hiểu các thương lái thu mua vảy cá để làm gì, nhưng với họ bán được thứ bỏ đi này có thêm chút thu nhập. |
Đảm nhận công việc quét dọn tại cơ sở khô đã 15 năm, chị Nguyễn Thị Mới (31 tuổi) cho biết trên Công an TP.HCM: “Trước kia thương lái đến cơ sở chỉ mua đầu và ruột cá, chứ chẳng ai mua vảy bao giờ. Do vậy vảy cá được coi là rác nên sau giờ làm sẽ quét bỏ. Việc mua bán vảy cá sặc bổi tại cơ sở diễn ra hơn 2 năm nay”.
Còn chị Lê Thị Kiến (49 tuổi) tiết lộ: “Bây giờ vảy đánh ra bao nhiêu đều được thu mua hết. Nhiều người đồn thương lái mua vảy cá mang về lót ổ cho cá sấu đẻ, làm dược liệu, phân bón,... nhưng không biết đâu mới là sự thật".
Tiết lộ về lý do các thương lái thu mua vảy cá, ông Cao Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết, địa phương có làm việc với các cơ sở, họ cho biết thương lái mua vảy cá để làm phân bón.
Theo nhiều người làm khô, trung bình 100kg cá lấy được khoảng 7-10 kg vảy. Trước đây, vảy cá chỉ bỏ đi, nay người làm khô có thể bán để thêm nguồn thu nhập. Nhưng nhiều người dân cũng chẳng biết các thương lái mua vảy cá để làm gì.
Do tình trạng thương lái tranh giành nên giá vảy cá “nhảy múa” tăng không ngừng. |
Chứa nhiều chất dinh dưỡng, là nguồn thuốc quý
Khi ăn cá có vảy, thông thường mọi người đều có thói quen bỏ vảy cá đi vì nó cứng. Song ít ai biết đến tác dụng thần kỳ của loại “phế phẩm” chiếm 3% thể trọng của cá này. Đây thực sự lại là bảo bối trường thọ, làm đẹp từ thiên nhiên.
Các nhà khoa học đã lấy vảy cá đi phân tích và tìm thấy trong đó khá nhiều chất dinh dưỡng. Chất dinh dưỡng trong vảy cá có tác dụng chống xơ cứng động mạch, làm giảm quá trình lão hóa, điều hòa huyết áp,...
Cụ thể, báo SK&ĐS thông tin, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong vảy cá chứa rất nhiều chất lecithin, có tác dụng tăng cường sức nhớ của bộ não và kéo dài sự suy lão của tế bào não.
Đồng thời, vảy cá còn có rất nhiều loại axít béo không bão hòa, làm giảm cholesterol trầm tích ở thành huyết quản gây nên hẹp đường ống mạch máu, giữ cho tuần hoàn huyết dịch thông thoát, lại có tác dụng tốt trong việc đề phòng những bệnh như: bệnh mạch vành của tim, tắc mạch máu não, cao huyết áp, chảy máu não,...
Vảy cá chứa nhiều chất dinh dưỡng quý. |
Ngoài ra, trong vảy cá còn có chứa rất nhiều các loại nguyên tố vi lượng phong phú, đặc biệt là hàm lượng canxi và phốt pho cao, có thể đề phòng được bệnh còi xương của trẻ em và bệnh loãng xương ở người già.
Hơn nữa, vảy cá còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa da. Thành phần chính của vảy cá chính là protein cứng trong đó phần lớn chính là collagen. Collagen trong vẩy cá lại dễ hấp thụ hơn nhiều so với nhiều nguồn collagen khác. Vì thế, nó có tác dụng rõ rệt trong việc chống nhăn, đẹp da, trừ thâm nám.
Trong các bộ sách có giá trị về y dược của Trung Quốc từ thời cổ xưa đã từng nêu ra giá trị dược dụng của vảy cá, như lấy các vảy cá chép, cá giếc ninh hầm thành keo đông đặc để điều trị rất có hiệu quả đối với các chứng bệnh đổ máu mũi, đỏ máu chân răng, bệnh tử điến (bệnh tử điến là bệnh xuất huyết ở da và niêm mạc, da có vết màu tím thường thấy nhiều ở trẻ em và phụ nữ).
Các nhà miễn dịch học của Mỹ chiết từ vẩy cá ra chất lekin cấy vào trong cơ thể những con chuột bị ung thư thì thấy các tế bào ung thư trong cơ thể những con chuột này bị tiêu biến. Do đó, các nhà miễn dịch học của Mỹ đã chiết xuất từ vảy cá chất lekin dùng để tiêu biến các tế bào ung thư.
Do trong vảy cá có nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng bảo vệ sức khỏe con người, nên ở một số nước trên thế giới đã dấy lên phong trào rầm rộ “điều trị bệnh bằng cách ăn vảy cá”.
Vì vảy cá khá cứng nên nhiều người sẽ thắc mắc, làm thế nào để ăn vảy cá? Thực tế, ở nhiều nhà hàng, người ta có thể chế biến vảy cá thành món súp khai vị hay cháo hoặc thêm vào những món salad rau củ giàu vitamin.
Ở Trung Quốc, Mỹ và một số nước, vảy cá được dùng để chế tạo keo Protamine. Chúng sau đó được sử dụng để nấu canh, chế biến thức ăn nguội.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)