Những con số kỳ diệu về quan hệ thương mại Việt - Mỹ hậu BTA và kỳ vọng của "anh thợ cày" vẫn luôn đau đáu.
Những con số kỳ diệu
"Khoảng năm 2000, tôi sang Mỹ, thấy buồn lắm. Vào cửa hàng giày nhìn những đôi đẹp nhất toàn Made in China. Có ông bạn mua bức tượng Nữ thần tự do của Mỹ về làm quà lưu niệm xong lật dưới chân tượng cũng thấy Made in China. Hàng Trung Quốc tràn ngập trong khi hàng Việt lúc đó chưa đặt chân được vào Mỹ. Thực sự tâm tư", ông Nguyễn Đình Lương - nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) mở đầu câu chuyện với Dân trí.
BTA được ký vào năm 2000, cách đây 21 năm. Khi đó, quan hệ thương mại của Việt Nam với Mỹ khá mờ nhạt, với kim ngạch xuất khẩu Mỹ năm đó đạt 732 triệu USD.
Nhưng bây giờ, ở Mỹ, sự hiện diện của hàng Việt Nam là khá phổ biến và vì thế nỗi buồn của ông Lương không phải kéo dài quá lâu. Sau 20 năm, hàng Việt vào Mỹ có kim ngạch 76,5 tỷ USD. Theo ông Lương, những con số đó "là không ngờ được" vì giai đoạn đầu đàm phán BTA - hiệp định đầu tiên mở cửa cho thương mại Việt Nam - Mỹ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ - đã có lúc, trưởng đoàn đàm phán như ông nghĩ rằng BTA sẽ thất bại. Và dưới đây là thống kê về kim ngạch xuất khẩu Mỹ của Việt Nam, sau khi có BTA: năm 2002 tăng 127,3%, 2003 tăng 62,7%, 2006 tăng 32%, 2016 tăng 14,9% và đến 2020 tăng 24,5%.
"Đó là những con số không tưởng tượng nổi", ông Nguyễn Đình Lương cảm thán. Căn nhà ông ở hiện giờ ở phố Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, Hà Nội) được mua với giá hơn 80 triệu đồng thì đến nay ước tính nếu bán cũng có tiền tỷ. Khu ông ở trước đây chỉ lác đác nhà cao tầng thì đến nay sầm uất, sôi động. Ngày đi đàm phán BTA, ông bảo Hà Nội cũng chẳng có mấy ô tô, đến nay thì ngập đường. Rồi trước đây, đời sống hằng ngày của người dân, hiển hiện rõ nhất ở những bữa ăn, cũng chẳng đa dạng, thì đến nay, không phải gạo ngon thì cửa hàng khó mà bán được.
"Đó là những thay đổi hiển hiện, bên cạnh những con số về tăng trưởng GDP, về xuất khẩu…", ông bình luận, và nhắc lại câu chuyện những năm 2000, giá trị thương hiệu của Coca-Cola đã là 90 tỷ USD trong khi GDP của Việt Nam mới đạt khoảng 32 tỷ USD. Đến nay, sau 2 thập kỷ, quy mô GDP của chúng ta đã tăng lên vượt 268 tỷ USD, là con số kỳ diệu.
Bài học của Việt Nam
Dù thế, tận dụng được BTA hay các hiệp định thương mại tự do với Mỹ sau này, theo ông Nguyễn Đình Lương, vẫn là câu chuyện đáng bàn. Ông thẳng thắn chia sẻ: "Về chuyện này, chúng ta cần học hỏi chính nước láng giềng, đó là Trung Quốc". Khi quan hệ với Mỹ của Trung Quốc tươi sáng trở lại và họ giành được quy chế tối huệ quốc (NTR - Normal Trade Relations) của Mỹ, họ tranh thủ sản xuất ngày đêm, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giai đoạn đó đều tính bằng cả vài trăm %, với con số tuyệt đối lên đến trăm tỷ USD đồng thời học hỏi kinh nghiệm, khai thác được thị trường của xứ sở cờ hoa. Nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận chúng ta cần phải học hỏi điều này. "Mỹ đâu cấm, nên khi đó, hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ dày đặc, từ may mặc, giày dép đến đồ chơi… đến khi tôi sang Mỹ, cầm trên tay món hàng nào hầu như cũng Made in China, thì tôi cực kỳ ấn tượng", ông Lương nhớ lại.
Câu chuyện về những đôi giày, những bước tượng Nữ thần tự do kể trên, theo góc nhìn của nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA luôn tự nhận mình là "anh thợ cày", thể hiện được sự tận dụng của nước bạn với thị trường Mỹ. Ông nói, Mỹ là thị trường mở, muốn "vào" bao nhiêu thì vào miễn là cạnh tranh được. "Đó là chính sách khôn ngoan của nước Mỹ, vì cạnh tranh càng khốc liệt, giá càng tốt thì người dân càng được hưởng lợi", ông bình luận.
"Ta vào họ thì vậy, còn họ vào ta, đến nay vẫn còn có chừng mực, không như ước mơ của tôi khi chúng ta đàm phán xong BTA", ông bổ sung. Trung Quốc là thị trường lớn nên hút được các nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam chưa tận dụng được đầu tư từ Mỹ nhiều như kỳ vọng, theo ông Lương, có nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là luật pháp và môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa.
"Nếu một số nước châu Á vào mà thấy khó quá thì họ sẽ đi, nhưng Mỹ khác, họ "người lớn" hơn, có nghiên cứu đàng hoàng và mong muốn làm ăn lâu dài, làm ăn lớn. Nên sau 20 năm có BTA, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có tăng mà vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng thì chúng ta cần nhìn nhận rõ về môi trường đầu tư của mình, để có chính sách phù hợp thu hút được đầu tư", ông bày tỏ quan điểm.
"Với Mỹ, tôi kỳ vọng nhất vẫn là xuất khẩu, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tiếp tục tăng, Mỹ vẫn đứng đầu. Chứ về đầu tư, tôi chưa kỳ vọng gì nhiều", ông nói.
Mỹ tham gia TPP trở lại: Quá tốt!
Trong câu chuyện với Dân trí, ông Nguyễn Đình Lương nhắc ý kiến của một số chuyên gia phân tích gần đây cho biết khả năng Mỹ sẽ quay lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông, khả năng này là có. Và nếu TPP có Mỹ, Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi nhiều. Mỹ chiếm khoảng 62% GDP các nước trong TPP và nếu tham gia sẽ là nhân tố quyết định. Trước CPTPP, người ta từng kỳ vọng rất nhiều vào một TPP "có Mỹ". "Một cái nhà có cột cái thì vững, không có cột cái thì cũng có thể xiêu vẹo. Cái cột cái trong TPP là Mỹ", đó là lý do thứ nhất nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA dẫn ra để cho thấy tầm quan trọng của Mỹ trong TPP.
Thứ hai, theo ông, chỉ Mỹ mới đủ sức mạnh để áp đặt luật chơi. Vì thế mới có chuyện CPTPP (TPP không có Mỹ) hiện nay thực chất chỉ là TPP chép lại và chỉ thiếu 20 điều khoản liên quan trực tiếp Mỹ đang được "treo". 20 điều khoản này, khi Mỹ tiếp tục tham gia TPP, sẽ được khởi động lại. Do đó, nếu Mỹ quay lại TPP lúc này, không có bất cứ cản trở pháp lý và nội dung cần đàm phán nào cho việc quay lại này được đặt ra.
Thứ ba, theo ông, Mỹ có đủ "sức mạnh" để các thành viên TPP theo cuộc chơi đó. Thực tế, CPTPP đã có hiệu lực một thời gian dù chưa đủ dài nhưng cũng không phải ngắn, song Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết. Nhiều yếu tố dẫn đến việc này, nhưng theo ông Lương, trong đó có việc với các thị trường của những thành viên CPTPP, Việt Nam ít nhiều có quan hệ thương mại cũng như có những FTA khác. Chỉ còn lại một số như Canada hay Mexico thì thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam sang những nước này thực tế cũng tăng. Theo số liệu của VCCI, năm 2019, xuất khẩu sang Mexico tăng 26%, sang năm 2020 tăng 12,2%; còn xuất khẩu sang Canada tăng 29% năm 2019 và 12% năm 2020 - đều cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng xuất khẩu nói chung là 7%.
"Thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ có thể vào lại TPP, tôi nghĩ vậy. Nếu Mỹ vào lại, quá tốt. Mỹ vào TPP thì có cả thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ… chứ không chỉ có ưu đãi thuế", ông Lương bình luận song cho biết nếu điều này xảy ra (Mỹ vào tại TPP), chắc cũng không ngay lập tức trong ngày một ngày hai, mà cũng phải tính bằng năm.
"Chơi" với Mỹ, lưu ý gì?
Mới đây, nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương ra mắt một cuốn sách. Cuốn sách là tập hợp bài viết của ông Lương và bạn bè, truyền thông về những câu chuyện xoay quanh BTA - cánh cửa để mở ra quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ.
"Sau khi sách ra, tôi nhận được một bức thư chúc mừng của Joe (Joseph Damond, cựu trưởng đoàn đàm phán BTA với Mỹ - PV). Trong thư, Joe nhắc lại những khó khăn khi đàm phán BTA và thốt lên "đã có lúc tưởng như không thể thành công được", làm tôi nhớ lại giai đoạn cực kỳ khó khăn trước khi BTA được đàm phán xong xuôi", ông Lương chia sẻ.
Ông nhớ lại những ngày mày mò tìm đọc về nước Mỹ, người Mỹ, văn hóa Mỹ, những ngày ông đi khắp nơi để tìm hiểu về quan hệ thương mại với Mỹ, để làm sao khi đi đàm phán mọi thứ được suôn sẻ mà chúng ta không bị "hớ". "Nguyên tắc đi đàm phán là cam kết quốc tế, làm thế nào để không va đập hệ thống pháp luật của mình. Đặc thù thứ nhất của BTA là đó là hiệp định thương mại gồm cả đầu tư, cả sở hữu trí tuệ, dịch vụ chứ không phải mỗi thương mại. Đặc thù thứ hai là tất cả luật lệ phải được viết lại hết. Mỹ nói rõ khi đàm phán 2 bên phải cùng có lợi và muốn vậy thì mình phải mở cửa nền kinh tế theo chuẩn mực của WTO", lời ông Lương. Vì thế, khi Việt Nam mở cửa theo chuẩn mực WTO thì hàng Việt Nam vào được các nước trong đó có Mỹ, hàng Mỹ vào được Việt Nam, hàng nước khác vào Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, GDP cũng tăng. Đó cũng là ý nghĩa mà BTA mang lại.
BTA được đàm phán thành công, theo ông Lương, là cả nỗ lực lớn từ phía Việt Nam và Mỹ. Khi đó, ông và trưởng đoàn đàm phán BTA của Mỹ là Joseph Damond từng nhiều phen "điên đầu". Có một câu chuyện hậu kỳ lần đầu tiên được ông Lương chia sẻ với Dân trí. "Lúc ấy tôi từng bảo Joseph Damond là "hay lấy nguyên các điều khoản khi Mỹ ký kết NTR với Trung Quốc trong đàm phán BTA với Việt Nam", nhưng Joseph Damond đã từ chối, đồng thời giải thích câu chuyện hậu kỳ của việc đó", ông Lương kể.
Chủ động đặt vấn đề đàm phán BTA, nhiệt tình giải quyết mọi vấn đề để đàm phán được hiệp định này, Mỹ "ưu ái" Việt Nam? Ông Lương nói không có chuyện đó. Theo ông, người Mỹ khá "thực dụng" và khái niệm về cơ hội của họ cực lớn, họ làm gì đó đều phần lớn với mục đích mọi bên cùng có lợi. "Chứ bảo họ ưu ái hay yêu thương gì chúng ta thì hoàn toàn không phải. Doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc nhiều vì họ thấy cơ hội ở thị trường 1,4 tỷ dân quá lớn và thực tế chứng minh họ thành công, dù điều kiện để được đầu tư tại thị trường này đâu có dễ dàng. Nên tôi mới nói người Mỹ có tính thực dụng lớn là vì thế", ông đúc kết.
"Chơi" với người thực dụng, theo nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA Việt Nam, chúng ta cần cực cẩn thận, đặc biệt trong vấn đề hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa có gian lận, giả mạo xuất xứ. Thực tế thì khi thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng hồi cuối năm 2019, Bộ Công Thương Việt Nam cũng liên tục cảnh báo về các mặt hàng có nguy cơ bị giả mạo xuất xứ khi doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy xuất khẩu qua Việt Nam sau đó chọn đây là nơi "trung chuyển" để "sơ chế" hàng hóa trước khi xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.
"Họ biết hết, Mỹ ấy. Họ rất tinh. Ngày xưa, có một số doanh nghiệp lấy cà phê về in tên khác, xuất sang Mỹ là họ phát hiện ra ngay và yêu cầu xử lý", ông Lương nhớ lại. Theo ông, pháp luật của Mỹ rất nghiêm, phạt là phạt và họ sẵn sàng có những phương tiện để thực thi pháp luật. Vì thế, "chơi" với Mỹ, chúng ta cần bài bản, nghiêm túc, làm đúng luật.
Và tận dụng thị trường Mỹ như thế nào, ra sao trong câu chuyện hội nhập toàn cầu, là câu chuyện cần được tính toán!
(Theo Dân Trí)
Mở lối riêng sang châu Mỹ, khai phá vùng đất mới
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng.