"Lời cảm ơn" trong một luận án tiến sĩ những ngày gần đây được đồng loạt đăng tải trên nhiều trang mạng lớn của Trung Quốc và lan truyền với tốc độ ‘chóng mặt’.
“Tôi đã bật khóc sau khi đọc” là nhận xét của nhiều người khi đọc xong "Lời cảm ơn" này. Câu chuyện của một chàng trai nghèo đã dũng cảm đối mặt với khó khăn và nỗ lực học tập, chiến đấu để thay đổi số phận của mình khiến đông đảo cư dân mạng ở đất nước tỷ dân xúc động.
Một bức ảnh hiếm hoi của Hoàng Quốc Bình được đăng tải trên mạng xã hội của Trung Quốc |
Vào ngày 18 tháng 4, Weibo chính thức của Học viện Khoa học Trung Quốc tiết lộ rằng đây là lời cảm ơn được đăng trong luận án tiến sĩ "Nghiên cứu và thực hiện các phương pháp dịch máy tương tác giữa con người và máy tính" vào năm 2017. Tác giả là Hoàng Quốc Bình (sinh năm 1987, quê ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) - Tiến sĩ Kỹ thuật từ Học viện Khoa học Trung Quốc.
Sau đây là bản dịch ‘Lời cảm ơn’ này.
Tôi đã đi một đoạn đường rất dài, nếm trải nhiều khó khăn, trước khi có thể đứng trước mọi người để trình bày bản luận án tiến sĩ của mình. 22 năm học hành của tôi có nhiều thăng trầm và không hề dễ dàng. Nó như một giấc mơ, cứ như mới hôm qua…
Tôi sinh ra ở nơi thung lũng hẻo lánh, năm 12 tuổi mẹ đã rời bỏ gia đình. Ngày bố ở nhà cũng không nhiều, kể cả những ngày tôi bệnh nặng, phải tự đến bệnh viện thì ông cũng chỉ miễn cưỡng để lại số tiền đủ chữa bệnh rồi rời đi. Năm 17 tuổi, bố tôi ra đi vĩnh viễn vì tai nạn giao thông. Tôi khóc một cách vô vọng, rồi sau này dù tôi có bệnh nặng thì cũng chẳng ai quan tâm nữa.
Cùng năm đấy, bà ngoại vì bệnh nặng cũng không qua khỏi. Bà chăm tôi 17 năm, thế mà đến ngày mai táng chỉ có chiếc quan tài gỗ mỏng. Một thành viên nữa của gia đình là chú chó già Tiểu Hoa, đã nhiều ngày ngồi canh bên mộ bà, mộ bố; sau đấy vì tôi lên phố học cấp ba mà không biết từ lúc nào, từ nơi đâu mãi không còn gặp lại. Thầy giáo Khưu Hạo dạy tin học - người truyền giấc mơ, người xem tôi như em trai cũng không kịp nhìn thấy giấy báo đỗ đại học của tôi... Mỗi lần trở về thăm họ, những ngôi mộ dường như đều hiện rõ lời nhắc rằng, mỗi giây mỗi phút của cuộc đời đều vô cùng quý báu.
Tình cảm của con người, sự sống và cái chết, tất nhiên khiến con người đau khổ và bất lực, nhưng nghèo khó có thể khiến người ta mất đi hy vọng.
Nhà chỉ có 4 bức tường, dưới ánh đèn dầu, làm bài tập, đọc sách là việc khiến tôi vui nhất mỗi tối. Hôm nào trời mưa thì dùng miếng tre lót dưới ngói nhà để tránh dột. Trước khi học cấp ba, thu nhập trong nhà chủ yếu là từ những đêm đi bắt lươn đồng, cuối tuần câu cá, nuôi lợn, cho thuê trâu. Những năm đấy, trong phạm vi bán kính 10km, tất cả cánh đồng, con suối đều in ấn không biết bao nhiêu lần những vết chân của tôi. Bị chó đuổi, rắn cắn, nửa đêm rớt xuống nước, đèn pin ngấm nước hỏng phải mò về nhà trong đêm tối, không có tiền đóng học phí, lươn đồng bị bố bán lấy tiền mua rượu thịt… tất cả đều không thể tránh khỏi.
Những vất vả đó có thể vượt qua, nhưng trước thách thức về danh dự thì tôi vô cùng yếu đuối.
Đang trên lớp học, vì nợ học phí quá lâu nên tôi thường xuyên bị giáo viên gọi ra ngoài nói chuyện. Những ngày mưa, quần áo ướt dầm dề, có khi còn dính cả bùn vẫn phải ngồi học. Trời hè, chân trần trên đường đất nóng, mùa đông mặc áo cũ vượt đường xa, vượt cái lạnh đến nhận vở bài tập. Tất cả những điều tưởng nhỏ bé như cọng rơm này nhưng lại có thể đánh đổ cả một chú lạc đà. Nếu không nghĩ đến phần thưởng sau những lần thi cử, rồi bất cứ góc nào cũng đính đầy giấy khen đủ để thỏa mãn niềm hãnh diện phù phiếm thì tôi có thể đã từ bỏ rất sớm.
Tôi sinh ra đã phải dốc hết tâm lực để giành được những thứ mà vốn dĩ là bình thường. May mắn là ông trời vẫn có chút thương hại. Sau khi vào cấp ba, nhà trường miễn hoàn toàn học phí, nhà chú Hồ giúp đỡ giải quyết vấn đề sinh hoạt phí. Sau khi vào đại học, công nghệ thông tin trở thành sự nghiệp và hy vọng của tôi...
Từ nhà ngồi xe cũng phải mất hơn hai tiếng rưỡi mới đến huyện. Từ tiểu học thôn Cự Quang đến trung học cở sở trấn Đại Dần, sau đấy cấp ba huyện Nghi Lũng đến cấp ba thành phố Miên Dương, đến đại học Tây Nam Trùng Khánh, rồi đến Học viện Khoa học Trung Quốc; tôi không nhớ đã bao nhiêu lần cảm thấy không thể chịu nổi những áp lực của thực tại.
Với tôi, cả chặng đường này, niềm tin rất đơn giản. Đó là tiếp tục học tập, đi ra ngoài và sống một cuộc đời không uổng phí. Việc đời khó đoán, tương lai sẽ còn đối diện với rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng vì thế mà tôi dũng cảm và kiên nhẫn để đối mặt với tất cả khó khăn và thách thức.
Lý tưởng của tôi cũng không có gì cao siêu. Tôi chỉ mong rằng sau này, dù qua nửa đời người, nhưng khi trở về vẫn còn là một thiếu niên. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội để biết về thế giới một lần nữa và sống xứng đáng với những khó khăn mà tôi đã phải chịu đựng trong cuộc đời mình. Cuối cùng, nếu có thể làm điều gì đó khiến cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn, thì cuộc đời này xem như đã thắng lớn.
Theo báo chí Trung Quốc, Hoàng Quốc Bình vào Viện Tự động hóa của Học viện Khoa học Trung Quốc năm 2014 để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hướng nghiên cứu của anh là nhận dạng mẫu và các hệ thống thông minh. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2017, Hoàng Quốc Bình làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cấp cao trong phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của tập đoàn nổi tiếng Tencent. Đây là tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông, giải trí, Internet và dịch vụ giá trị gia tăng điện thoại di động, và hoạt động các dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc. Tập đoàn này sở hữu mạng xã hội WeChat với hơn 1 tỷ người sử dụng. |
Lộc Đàn (Tổng hợp)
Chủ tịch xã đầu tiên của Trung Quốc tốt nghiệp ĐH Mỹ danh giá
“Nhiều người đặt câu hỏi về quyết định của tôi. Tại sao một người tốt nghiệp Yale lại muốn làm việc ở một ngôi làng xa xôi, nghèo khó? Rằng tôi có bị điên không?”