Tác phẩm của nhà văn Hiệu Constant là cuộc đối thoại giữa Jean Claude – người từng giữ chức vụ Đại sứ Pháp tại Việt Nam và Hoài Thu – cô phóng viên người Việt.

Hai mươi năm trước, Hoài Thu từng may mắn được gặp gỡ vị đại sứ Jean Claude trao quà trong  một sự kiện từ thiện ở làng quê nghèo sau cơn lũ. Trong kí ức của cô bé Thu, vị đại sứ với nụ cười thân thiện cùng cái bắt tay ấm áp đã để lại một ấn tượng sâu sắc, một thứ tình cảm không thể nói lên thành lời, để rồi cô quyết tâm phải gặp lại được vị đại sứ như một lời hẹn “À bientôt… Hẹn gặp lại” trước khi anh rời đi.

Để thực hiện được ước mơ của mình, Hoài Thu đã không ngừng cố gắng cho dù hoàn cảnh gia đình nghiệt ngã có lúc tưởng chừng như đè bẹp ý chí của cô: bố mất, mẹ mất, anh trai phải đi tù, đau đớn hơn khi biết được sự thật cô không phải là con gái ruột của chính những người đã yêu thương, nuôi nấng cô…

{keywords}

Hai mươi năm với bao thử thách, gian truân, cuối cùng cô cũng thực hiện được ước mơ ấy. Cuộc đối thoại của Hoài Thu và Jean Claude đi suốt chiều dài tiểu thuyết À bientôt! Hẹn gặp lại!. Ở đó, thời quá khứ và hiện tại của hai người đồng hiện. Qua những ký ức, hai người bị cuốn hút vào những câu chuyện của nhau để rồi nhận ra họ đã thấu hiểu, đồng cảm, quý mến nhau từ lúc nào không hay, để khi từ biệt nhau họ biết rằng tình yêu sẽ gắn kết họ trong quãng đời còn lại. Và, cuối cùng là câu nói bật ra từ trái tim Jean Claude: “Anh hẳn có thể làm bất kỳ điều gì lúc này miễn được ở bên cô gái Việt Nam yêu kiều và quyến rũ này”! Chỉ có niềm tin yêu mới đủ sức đi tới cuối con đường. Đó là quyết định. Đó là tất cả cầu mong, là hứa hẹn của Jean Claude với Hoài Thu: À BIENTÔT! Hẹn gặp lại!

{keywords}

Nhà văn Hiệu Constant tặng sách độc giả.

Tác giả Hiệu Constant là Việt kiều hiện đang sinh sống tại Pháp. Các tác phẩm của chị đều mang đậm màu sắc văn hóa Việt – Pháp đặc trưng. Chị chia sẻ về cảm hứng viết À bientôt! Hẹn gặp lại!: “Ngay từ khi bắt đầu cảm nhận nước Pháp thực sự là quê hương thứ hai, tôi bắt đầu đằm mình vào trong đó, tìm hiểu sâu thêm lịch sử, văn hóa, “chui” vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, của tâm hồn con người Pháp, tôi nhận thấy những ưu khuyết điểm của nền văn hóa này, sự khác nhau trong phương thức giáo dục, ứng xử, trong nhà trường cũng như tại gia đình của hai quốc gia Pháp – Việt, thì tôi đã có ý định viết một cuốn sách bày tỏ được những quan sát, những suy nghĩ và nỗi niềm của mình... Nhưng còn phải chọn nhân vật sao cho xứng tầm với những ý tưởng ấy. Và sự ngẫu nhiên đã quyết định mọi thứ, tôi đã may mắn gặp được những hình mẫu ngoài đời và như vậy, cuốn tiểu thuyết này được hình thành...”

Qua cuốn sách, nữ nhà văn Việt kiều cũng muốn nhắn nhủ thông điệp về sự nỗ lực thành công dành cho tất cả mọi người, đúng như lời tựa cuốn sách: “Biết mình phận nhỏ, với cố gắng lớn, ắt sẽ thành công”!

Hiệu Constant tên thật là Lê Thị Hiệu, nữ nhà văn, dịch giả Việt kiều sinh năm 1971, tại Thường Tín - Hà Tây (cũ), hiện đang sinh sống tại Pháp. Chị đã có 4 tác phẩm in riêng, một tập truyện ngắn in chung và khoảng gần 50 dịch phẩm.

Một trong số các tác phẩm nổi bật nhất của chị là tự truyện Làm dâu nước Pháp, nằm trong series sách Làm dâu xứ lạ do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Cuốn sách gây tiếng vang khi họa lại chân thật bức tranh về cuộc sống của một cô dâu Việt ở trời Âu xa xôi, một điển hình của người phụ nữ thời hội nhập: chủ động kiếm tìm hạnh phúc, tạo dựng mái ấm, xử lý hài hòa các mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội và đặc biệt là không đánh mất bản sắc của chính mình và của dân tộc.

Theo Zing