Một mối tình đặc biệt giữa nữ giáo sư và một thanh niên thiểu năng đã dẫn tới lời buộc tội nghiêm trọng về tình dục, khiến cô đối diện với mức án hơn 40 năm tù giam và khoản tiền phạt khổng lồ.
Anna Stubblefield đổ gục xuống bàn khi nghe ban hội thẩm tuyên bố tội và mức phạt. Ảnh: NYTimes |
Anna không giấu giếm cảm xúc của mình. Cô biết D.J cũng vậy. Những tuần gần đây,
mối quan hệ của họ đã thay đổi, và chẳng rõ khi nào hay bằng cách nào nên thông
báo cho mọi người tin này. “Tới lượt cậu đó” – Anna nói với D.J. trước khi hai
người có buổi trò chuyện với mẹ và anh trai của D.J – “Đây là gia đình cậu. Tùy
thuộc ở cậu thôi”.
Theo tờ New York Times, trong ngày lễ Tưởng niệm năm 2011, Anna tới nhà D.J. Anh
trai của cậu là Wesley khi đó đang làm vườn, nên Anna đi thẳng vào trong và nói
chuyện với D.J. và mẹ cậu – bà P. Họ nói một hồi tại bàn ăn về kế hoạch cho D.J.
đi học và sau đó là có một căn hộ riêng. Khi mà Wesley bước vào, Anna nắm tay
D.J. “Chúng tôi có chuyện muốn thưa với mọi người” – Anna cuối cùng cũng thốt
lên. “Chúng tôi yêu nhau”.
“Ý cô là sao, đang yêu ư?” – mặt của bà P, mẹ D.J. biến sắc.
Anna nhìn Wesley, mặt anh tái dại và yếu ớt, như thể ‘Caesar khi phát hiện ra
Brutus đã bội phản mình’. Điều khiến bà P. và Wesley cảm thấy khó chịu không
phải là bởi Anna đã 41 tuổi còn D.J. mới có 30, hay là bởi Anna da trắng còn D.J
thì da màu, hay thậm chí bởi Anna đã kết hôn và có hai con, còn D.J. chưa từng
hẹn hò với ai. Hai người phiền lòng (và sau đó dẫn tới cãi vã, và phiên tòa cùng
với vụ kiện dân sự tốn hàng triệu USD) là bởi Anna biết nói còn D.J. thì không
thể; và cô là một giáo sư giỏi giang tại Đại học Rutgers ở Newark còn D.J. được
tuyên bố là có năng lực tâm thần của một đứa trẻ chỉ mới biết đi.
Anna không đồng tình với đánh giá này. Cô không bác bỏ thực tế rằng D.J. có
nhiều khiếm khuyết: chứng bại não khiến cậu có xu hướng co giật cơ ở mặt, cổ,
toàn thân và tay, bàn tay. Cô cũng biết rõ cậu không thể ở yên một chỗ, những
cơn co cơ đôi khi vặn cột sống của cậu và gập các ngón tay cậu vào một quả bóng.
Cô và mọi người đều rõ rằng D.J. có vấn đề khi giao tiếp bằng mắt, và không thể
nhìn lâu vào một vật thể. Cô cũng biết là cậu phải đóng bỉm và không thể tự mặc
quần áo; và cậu chỉ có thể đi lại khi ai đó dìu; nếu không cậu sẽ bò quanh sàn
nhà.
Anna cũng biết rõ khi không vui D.J. sẽ hét tướng lên, còn khi phấn khích cậu sẽ
kêu ‘chiếp chiếp’, và cậu cũng không thể điều khiển thanh quản. Anna cũng hiểu
rằng ngay cả lúc này, khi đã 35 tuổi, D.J. chưa từng nói được một từ nào.
D.J. không chỉ bại não mà còn có chỉ số I.Q rất thấp. Năm 2004, 5 năm trước khi
Anna gặp cậu, một bác sĩ tâm lý là Wayne Tillman đã khám cho D.J. và thấy rằng:
“Khả năng lĩnh hội của cậu có vẻ rất hạn chế”, “khả năng tập trung trong thời
gian rất ngắn” và cậu “thiếu năng lực nhận thức để hiểu và tham gia vào một
quyết định”. D.J thậm chí không thể làm các bài tập ở cấp cơ bản của trẻ chưa
vào lớp 1. Vài tháng sau đó, một phiên tòa ra phán quyết bà P và Wesley trở
thành người giám hộ pháp lý cho D.J.
Khi gặp D.J, Anna nghĩ rằng Tillman đã sai. D.J có thể không nói hay cầm bút chì
được, nhưng đó là những kỹ năng máy móc, chứ không phải về mặt tâm lý, và thiếu
kỹ năng đó không có nghĩa là đầu óc cậu trắng trơn. Nếu trong đầu D.J. còn có
một không gian riêng biệt, nơi mà các suy nghĩ trưởng thành bị mắc kẹt do bại
não? Vậy thì tất nhiên là cậu vẫn trượt các bài trắc nghiệm IQ tiêu chuẩn dành
cho những người có thể trả lời bằng cách đọc và viết. Thứ mà D.J. cần là một
cách khác để chia sẻ trí tuệ của cậu.
Theo yêu cầu của gia đình D.J, Anna bắt đầu công việc với cậu, sử dụng phương
pháp còn tranh cãi là ‘giao tiếp trợ giúp’. Bắt đầu với việc tay cô để dưới khửu
tay của D.J, giúp cậu chỉ vào các bức tranh, và sau đó là các con chữ và sau
cùng là các nút trên bàn phím đặc biệt là Neo. Tay của D.J. đặt trong tay của
Anna và cô giúp cậu gõ ra các từ ngữ sau 30 năm câm lặng.
Wesley và bà P đã rất kinh ngạc với tiến bộ của D.J, nhưng giờ, họ đột ngột chùn
bước. Khi Wesley nói với Anna rằng anh nghĩ cô đã lợi dụng cậu em trai D.J, Anna
không nói nên lời. Sau đó, với sự giúp đỡ của Anna, D.J bắt đầu viết: “Không ai
bị lợi dụng cả. Em đã cố gắng quyến rũ Anna nhiều năm, nhưng cô kiên quyết kháng
cự”. Sau đó, D.J. viết tiếp, cho Anna: “Hôn tôi đi”. Wesley đã bỏ ra ngoài.
Wesley nói Anna đừng gặp D.J nữa. Anna đã năn nỉ qua điện thoại rằng cô sẵn sàng
‘viết ra, và ký bằng máu, bất kỳ điều gì để đảm bảo rằng điều này là thật. “Tôi
sẽ rời bỏ chồng, và có cuộc sống chung lâu dài với D.J.” – Anna khẩn cần Wesley.
Nhưng gia đình này cảm thấy thế là quá đủ. Ban đầu, họ tin đây là phép màu khi
D.J. có thể cất lên tiếng nói nội tại, bộc lộ bản thân, giờ họ nghĩ đây là trò
lừa phỉnh. Họ nghĩ ‘thông điệp’ của Anna là điều đáng hổ thẹn bởi vì D.J. không
thể nào có một cuộc tình, các bác sĩ cho biết cậu bị thiểu năng tâm thần. Nếu
Anna có ý khác thì chỉ có thể bởi cô muốn sử dụng D.J. như vật thí nghiệm cho sự
nghiệp của cô, hoặc cũng có thể bởi cô ‘có chứng hoang tưởng bệnh hoạn hoặc kỳ
quái’ như Wesley sau đó nói trước tòa.
Nhưng Anna lúc nào cũng chắc như ‘đinh đóng cột’ về tình yêu giữa hai người, và
rằng các lời nói ra là của D.J. Ngay cả khi cô bị buộc tội, cô vẫn có vẻ lo lắng
cho D.J. nhiều hơn là cho bản thân.
Sau nhiều năm ròng rã, Anna đã giúp D.J. biết đọc, thậm chí biết viết. Tháng
3/2011, Anna mời D.J. tới viện Rutgers để thuyết trình về các khiếm khuyết của
cậu. Các sinh viên hỏi cậu: “Cậu có những hy vọng và mơ ước gì?”. D.J. viết cậu
muốn tới trường, trở thành nhà văn và làm việc.
“Cậu có muốn có một mối quan hệ lãng mạn không?”. ‘Tôi mong điều đó hơn tất
thảy. Nhưng tôi không biết điều đó có thể xảy ra với những người khuyết tật như
tôi không” – D.J viết. Lúc đó, Anna hiểu rằng cô không thể kìm nén cảm xúc, và
chỉ muốn ôm choàng lấy D.J. và nói: “Cậu có thể có điều đó. Tôi yêu cậu”. Một
tuần sau đó, Anna thổ lộ với D.J cảm xúc của cô. “Tôi cũng yêu cô” – D.J. viết
tiếp “Nhưng giờ thì sao?”.
Theo lời Anna, hai người đã nỗ lực đẩy cuộc tình thăng hoa về cảm xúc lẫn thể
xác – một điều tưởng chừng không tưởng với D.J. Cuộc tình đã vấp phải sự phản
đối gay gắt và tuyệt đối từ gia đình D.J. kể từ sau khi cặp đôi công khai tình
cảm. Và kết cục cuối cùng là phiên tòa ồn ào với lời buộc tội dành cho Anna là
‘tấn công tình dục nghiêm trọng’. Những gì Anna có thể tuyệt vọng nói lên là:
“Tôi không thể làm tình với người mà tôi không yêu”.
Tháng trước, Anna Stubblefield hầu tòa vì hai tội danh tấn công tình dục nghiêm
trọng ở cấp độ một – tương đương với mức buộc tội cho người gây nên thương tích
nghiêm trọng khi cưỡng bức hoặc tham gia cưỡng bức tập thể. Anna đổ gục xuống
bàn trong phiên tòa. D.J. được tuyên bố là không có khả năng thuận tình quan hệ
tình dục, hoặc không đủ năng lực thể xác để chống cự, và rằng Anna biết điều đó,
hoặc là phải biết điều đó.
Trong phiên tòa, D.J. có xuất hiện, nhưng không hề nhận ra Anna sau bốn năm vắng
bóng. Luật sư của Anna bào chữa rằng công tố viên đã cố ý che khuất tầm nhìn của
cậu. Trước khi phiên tòa bắt đầu, thẩm phán đã phán quyết phương pháp mà Anna áp
dụng giúp D.J. nói và viết đã không qua được sát hạch về chứng cứ khoa học.
Anna phải nộp khoản tiền bảo lãnh là 100.000 USD. Vì bị buộc 2 tội danh nghiêm
trọng nên khoản tiền bảo lãnh có thể sẽ còn nhiều hơn nữa. Và vì Anna cùng D.J
có quan hệ tình dục nên mức án dành cho mỗi tội danh của cô có thể từ 10 đến 20
năm tù. Ngày 9/11 tới, cô sẽ bị tuyên án, và có nguy cơ lưu lại Cơ sở phục hồi
nhân phẩm cho nữ giới Edna Mahan tới hơn 40 năm tù.
Gia đình của Anna là những người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và hỗ trợ những
người thiểu năng. Bố của Anna chia sẻ, con gái ông có thể tự vệ khi ở trong tù,
nhưng ông cho biết, cô từng rất lạc quan rằng nếu được kết luận vô tội, cô sẽ
cùng sống với D.J khi cậu thoát khỏi sự giám hộ của bà P. và Wesley. “Chúng tôi
có thể mở rộng vòng tay với cậu ấy trong gia đình mình” – anh trai Anna chia sẻ.
Trước 11 giờ trưa hôm đó, Anna bị đưa khỏi ghế bị đơn, hai tay bị còng sau lưng.
Cô cố nói điều gì đó, nhưng toàn thân run rẩy và cổ họng nghẹn ngào giữa những
tiếng nấc. Ai đó nghe thấy từ ‘công lý’, nhưng không gì hơn.
Lê Thu