Lời tòa soạn

Nhiều nghệ sĩ trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình đã rất tâm huyết truyền đạt lại kiến thức, niềm đam mê với nghề cho bao thế hệ học trò. Có người là giáo viên chuyên nghiệp, cũng có người cứ âm thầm truyền dạy dù không hề có bất cứ danh xưng nào. Cũng có người nổi tiếng trưởng thành và ghi dấu ấn trong sự nghiệp khi có bố hoặc mẹ làm nghề giáo. Họ lặng lẽ cống hiến, góp phần tạo nên thành công của không ít sao Việt. Mời độc giả cùng VietNamNet tìm hiểu về những thầy cô giáo đáng kính và bày tỏ lòng tri ân với người thân của họ đang theo đuổi sự nghiệp trồng người nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Ca sĩ Hạ Châu sinh năm 1957, tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội, là thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Văn công Quân khu 7.

Bà bắt đầu dạy nhạc từ năm 1976, học trò toàn nghệ sĩ nổi tiếng showbiz như: Đàm Vĩnh Hưng, Đông Đào, Nguyên Vũ, Như Hảo, Thanh Thảo, Hà Phương, Bích Phượng, Midu, Mai Phương, Thúy Diễm, Khương Ngọc...

Nửa ký nho Mỹ của Đàm Vĩnh Hưng

Xuất phát từ mong muốn truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, Hạ Châu mở lớp dạy nhạc tại nhà cha - cố nhạc sĩ Bắc Sơn ở Quận 10, TPHCM. Bà thường dạy những kiến thức căn bản về nhạc lý, sau đó luyện thanh, xử lý tác phẩm... 

Từ thời "lương ba cọc ba đồng", Hạ Châu hầu như dạy miễn phí hoặc thu tiền tượng trưng "chỉ đủ đóng điện, nước". Cá biệt có trường hợp học trò quá nghèo, bà không thu học phí còn hỗ trợ tiền ăn ở, sinh hoạt. 

W-IMG_2764.jpg
Hạ Châu bên cây đàn - phương tiện giúp bà truyền tải kiến thức đến các học trò. 

"Sau này làm bầu show, tôi kiếm nhiều tiền nên càng không có ý định kiếm thêm thu nhập từ công việc dạy học. Tôi chủ yếu muốn truyền dạy kỹ thuật, kinh nghiệm mình có cho các em. Ngoài ra, đằng nào cũng tự luyện thanh mỗi ngày, thôi thì kết hợp dạy học và tự rèn luyện có ích hơn", Hạ Châu nói.

Một trong những học trò của bà là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Đầu thập niên 1990, anh khi ấy vẫn là thợ cắt tóc, mỗi sáng bắt xe ôm tới công viên Lê Thị Riêng rồi đi bộ tới lớp cô Hạ Châu.

"Lúc đó, Đàm Vĩnh Hưng học chung tốp đã đi hát nên tôi để ý có chuyện 'ma cũ bắt nạt ma mới'. Tụi nó thấy Hưng mới vô nên hay ăn hiếp, tội nghiệp lắm. Tôi chấn chỉnh từng đứa hết", bà nhớ lại.

Vì cô giáo không lấy học phí, Đàm Vĩnh Hưng thấy ngại nên dè sẻn tiền cắt tóc mua tặng bà nửa ký nho Mỹ. "Tôi cảm động trước sự chân thành, dễ thương của Hưng", bà nói. 

461442870_8640915725952720_8395553272261463466_n.jpg
Hạ Châu không ngờ Đàm Vĩnh Hưng sau này thành công đến vậy. Ảnh: FBNV

Buổi nào tan học, Hạ Châu cũng đưa Đàm Vĩnh Hưng ra công viên Lê Thị Riêng bắt xe ôm về. Bà hay nhìn theo dáng học trò bằng vẻ thương cảm, không nghĩ sau này anh trở thành ngôi sao hàng đầu. 

Hạ Châu từng đưa Đàm Vĩnh Hưng sang hát tại công viên Bách Tùng Diệp. Không lâu sau, anh đầu quân cho Đoàn ca nhạc nhẹ và dần nổi tiếng. 

Năm 2005, nhạc sĩ Bắc Sơn qua đời. Đêm đó, Đàm Vĩnh Hưng đi diễn về rất muộn vẫn ghé nhà Hạ Châu. Anh đứng ngoài cửa nói: "Cô ơi, con muốn vô thắp nhang cho ông nhưng đang bận đồ diễn. Ông cũng là nghệ sĩ chắc ông hiểu cho con cô ha?". Bà nghe vậy thì nghẹn ngào, kéo tay trò cũ vào viếng cha. 

Vài tháng trước, Hạ Châu có việc đi Nha Trang, tình cờ chung chuyến bay với Đàm Vĩnh Hưng. Thấy anh ngồi trên, bà ái ngại "trò cũ bây giờ nổi tiếng quá" nên không dám chào, sợ người xung quanh tưởng mình "cố làm quen người nổi tiếng".

Lúc máy bay đáp, Đàm Vĩnh Hưng thấy Hạ Châu từ xa liền gọi lớn, chạy đến xách vali dùm cô giáo cũ. Thấy bà ái ngại, anh trách móc: "Con đâu có biết, sao cô không kêu con?". Anh đi với ê-kíp, vệ sĩ vẫn chờ để đưa cô giáo ra xe, bỏ vali lên mới chia tay. 

W-IMG_2667.jpg
Góc làm việc của Hạ Châu. 

Nghệ danh Thanh Thảo và ký ức buồn về cô trò nhỏ yểu mệnh Mai Phương

Thanh Thảo cũng là trò cưng mà Hạ Châu nhớ nhiều. Đầu thập niên 1990, Thanh Thảo - khi ấy tên Phương Thảo - mới 16 tuổi, học lớp 11 Trường THPT Hùng Vương, được bà ngoại dắt đến sân khấu Bách Tùng Diệp để xin quản lý Hạ Châu cho hát.

Bà đồng ý cho Thanh Thảo lên hát khi ca sĩ chính chưa đến. Lần đầu đứng trên sân khấu lớn, cô thể hiện bài Cô bé dỗi hờn, được trả "tiền xăng xe" 50 nghìn đồng. Vài ngày sau, Hạ Châu nhận Thanh Thảo vào lớp, cũng là cô giáo dạy nhạc đầu tiên của cô.

Hạ Châu trăn trở nhiều cái tên Phương Thảo bởi khi ấy cặp Phương Thảo - Ngọc Lễ đang rất nổi tiếng. Khán giả nghe bà xướng tên tưởng nhầm nên vỗ tay rầm rộ, khi nhìn thấy Thanh Thảo lại ồ lên thất vọng khiến cô hụt hẫng, mất lửa trình diễn.

Suy tính hồi lâu, Hạ Châu đặt nghệ danh "Thanh Thảo". Cô sử dụng tên này đi hát, sự nghiệp nhanh chóng khởi sắc. Tới giờ, Thanh Thảo là trò cũ chăm tương tác mạng xã hội với Hạ Châu nhất. 

461766098_1078945823590254_8841416637463525879_n.jpg
Nghệ danh "Thanh Thảo" do Hạ Châu đặt. Ảnh: FBNV

Trong khi đó, Hạ Châu hay nhớ Mai Phương như cô trò nhỏ yểu mệnh. Hồi Mai Phương hoạt động trong nhóm tam ca Candy, mỗi tối thường hát ở phòng trà đối diện nhà hát Hòa Bình.

Quản lý phòng trà khi ấy là cháu ruột Hạ Châu đã giới thiệu Mai Phương theo học thanh nhạc. Bà nhớ Mai Phương, Khương Ngọc hay cùng nhau đến lớp rất đều.

Hồi ấy, mỗi sáng bà đi từ nhà ở Trần Hưng Đạo sang Quận 10 mua tôm khô, ruốc, nấm, hủ tíu... về nấu một nồi nước lèo to để học trò có thể vào ăn bất cứ lúc nào.

Trước khi làm bầu show, bà hầu như chỉ lĩnh lương thượng sĩ, không có nhiều tiền mua "cao lương mỹ vị" nhưng học trò nào cũng thích. Mai Phương, Khương Ngọc và Phùng Ngọc Huy thường xuống bếp chiên cơm với nước mắm rồi ăn ngon lành.

Hạ Châu không thu học phí nên Mai Phương, Khương Ngọc "trúng" show thường sẽ trích một ít tiền bỏ vào phong bao, để trên cây đàn nhà cô giáo.

461780984_27757906903796587_4795736827522516746_n.jpg
Hạ Châu bên học trò - cố diễn viên Mai Phương. Ảnh: FBNV

Mai Phương thường tâm sự với Hạ Châu mọi vui buồn trong nghề và cuộc sống, thậm chí chuyện yêu đương, giận hờn. Cô có thai, bị gia đình cấm cửa đã sang tá túc nhà cô giáo ở Bình Dương.

Ban ngày Mai Phương lái xe đi làm, chiều về ăn cơm với Hạ Châu rồi ngủ tại salon phòng khách, khi bụng to vẫn nằng nặc đòi luyện thanh.

Sau khi sinh Lavie, cô chăm chỉ nhận show, vẫn theo Đoàn văn nghệ Tình ca Bắc Sơn biểu diễn kiếm tiền nuôi con. Những lúc túng thiếu, Hạ Châu cho học trò mượn tiền, sau đó đi hát trừ dần vào cát-sê.

"Cái hôm hay tin Mai Phương qua đời, tôi mất ngủ cả đêm. Ký ức về em như những thước phim chiếu chậm...", bà nói.

Niềm tự hào của cô giáo dạy nhạc không danh xưng

Ca sĩ Nguyên Vũ từng nói đời anh chỉ có 2 cô giáo là NSƯT Thanh Trì và ca sĩ Hạ Châu. Đến giờ, lần nào gặp anh cũng chạy tới ôm bà. "Có điều, Vũ giờ cao quá, tôi đứng tới nách nó, như đứa em gái đứng kế anh hai vậy", cô giáo U70 bật cười.

Đông Đào, Như Hảo cũng là những học trò tâm đắc của Hạ Châu. Riêng Như Hảo về Đoàn Văn công Quân khu 7 khi mới 16 tuổi. Do chưa đủ tuổi vào quân đội, cô được bà nuôi trong 2 năm, sau này vào biên chế công nhân viên quốc phòng. Bà nhận định Như Hảo sống tình cảm, lần nào lên truyền hình đều nhắc và cảm ơn cô giáo. 

W-IMG_2725 2.jpg
Ca sĩ Hạ Châu. 

Hà Phương từng theo học Hạ Châu, sau này theo chồng tỷ phú sang Mỹ định cư, thỉnh thoảng về nước vẫn nhớ và ghé thăm bà. 

Midu cũng học thời gian ngắn nhưng không đều vì mải đóng phim. "Con nhỏ sớm nhận ra nó giỏi cái gì nên tập trung vô cái đó. Sau này em thành danh, tôi cũng mừng", bà kể. 

Ngoài ra, Hạ Châu có nhiều học trò dù không nổi tiếng vẫn theo nghề và chỉ sống bằng nghề đến nay. 

Dạy nhạc từ năm 1976 đến nay, có rất nhiều học trò tên tuổi nhưng Hạ Châu chưa bao giờ nhận là "giảng viên thanh nhạc". Nhiều người giới thiệu như vậy, bà chỉnh ngay: "Con gọi là 'cô giáo dạy nhạc' thôi". 

"Nhiều em học thời gian rất ngắn, chỉ 1-2 tháng, sau này thành danh vẫn nhớ cô giáo cũ. Đó là hãnh diện của một người dạy nhạc dù không có bất cứ danh hiệu nào", Hạ Châu nói.